Toàn cảnh giao thông trên tuyến vành đai 10.000 tỷ mới thông xe

Dự án đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã được thông xe đưa vào sử dụng.

Sau hơn 4 năm thi công, dự án vành đai trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nội được khánh thành. Tuyến đường được khởi công từ tháng 4/2018 với 2 hợp phần: Mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

Đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở chính thức thông xe toàn tuyến bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp, góp phần giảm ùn tắc cho khu vực Đông Nam của Hà Nội.(Điểm lên vành đai 2 tại Ngã Tư Sở).

Đây cũng là tiền đề để Thành Phố tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện vành đai 2.5, vành đai 3.5 và đặc biệt tuyến vành đai 4 đang được triển khai, đồng bộ.

Hợp phần đường dưới thấp có quy mô 8-10 làn xe rộng 53,5-63,5m, vỉa hè rộng 4-6m mỗi bên và được lát đá, trồng cây giáng hương. Công trình đường trên cao dài hơn 5km với 4 làn xe dành riêng cho ôtô (rộng 19m), nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân.

Nút giao Ngã Tư Sở với điểm cuối của vành đai 2.

Có thể thấy rõ, các phương tiện tham gia giao thông chỉ ùn ứ tại các điểm lên xuống vành đai.

Lãnh đạo Hà Nội giao Sở GTVT, Công an thành phố có phương án phân luồng hợp lý, kết hợp điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở cuối tuyến, không để xảy ra ùn tắc.

Đại diện nhà thầu cho biết công nghệ thi công trên đà giáo di động lần đầu tiên được áp dụng trên tuyến vành đai 2 trên cao và đã thành công. Công trình thông xe vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.

Toàn tuyến đường vành đai này có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng (trên phố Đại La và phố Trường Chinh) cùng lối lên xuống ở Ngã Tư Sở.

Trong đó, nhánh lên xuống qua Ngã tư Vọng là hạng mục phức tạp nhất với trụ cầu cạn cao nhất Hà Nội. Tại đây độ cao từ nền đường trên cao tới mặt đất khoảng 30m - gấp 1,5 lần so với các trụ cầu của các dự án khác. Trong tương lai, khu vực này sẽ hình thành nút giao 4 tầng xe chạy.

Tại điểm đầu nối lên cầu Vĩnh Tuy, đều thông thoáng, các phương tiện di chuyển bình thường.

Để chuẩn bị cho tuyến đường đi vào hoạt động, trong 2 năm qua Hà Nội đã 4 lần phân luồng lại khu vực cuối tuyến là nút giao Ngã Tư Sở để kéo giảm ùn tắc. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo đây có thể hình thành một nút thắt khó gỡ trên toàn tuyến vành đai 2.

Trục đường Vành đai 2 của Hà Nội được quy hoạch theo lộ trình: Cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - Cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy, tạo thành vòng tròn khép kín. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô Hà Nội đi qua 4 quận tại Hà Nội sắp hoàn thành.

Tùng Đoàn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/toan-canh-giao-thong-tren-tuyen-vanh-dai-10000-ty-moi-thong-xe-20180504224279768.htm