Toàn cảnh làn sóng biểu tình khiến nhiều thành phố Kazakhstan chìm trong khói lửa
Các cuộc biểu tình bùng lên trong ngày đầu năm mới ở khu vực giàu dầu mỏ Mangystau (phía Tây Kazakhstan) khi chính phủ dỡ bỏ kiểm soát giá đối với khí hóa lỏng (LNG).
Người dân Kazakhstan chủ yếu sử dụng khí hóa lỏng làm nhiên liệu chạy xe hơi thay vì xăng vì chi phí thấp. Tuy nhiên, quyết định dỡ bỏ kiểm soát giá của chính phủ đã khiến giá LNG lập tức tăng gấp đôi từ 0,14 lên 0,28USD/lít.
Làn sóng biểu tình sau đó đã lan từ phía Tây sang các khu vực khác của Kazakhstan, ảnh hưởng đến hầu hết các thành phố lớn như thủ đô Nur-Sultan, Almaty, Aktobe…. Người biểu tình đã chặn đường ở các khu vực trung tâm của Kazakhstan và yêu cầu giảm giá LNG xuống mức trước đó.
Thời gian đầu, các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, không có đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, tình hình đã leo thang nhanh chóng và 69 người có hành vi quá khích đã bị cơ quan an ninh bắt giữ vào ngày 2, 3/1.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu chính phủ giải quyết vấn đề giá nhiên liệu tăng vọt, đồng thời cam kết sẽ có biện pháp bình ổn giá. Một số đơn vị cung cấp nhiên liệu sau đó đã quyết định giảm giá LNG xuống còn 0,21USD/lít.
Nhưng điều này không đủ để xoa dịu đám đông. Tối 4/1, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát tiếp tục xảy ra ở nhiều thị trấn của Kazakhstan và kéo dài suốt đêm. Lực lượng an ninh buộc phải sử dụng dùi cui, hơi cay và đạn cao su để trấn áp, nhưng người biểu tình lập tức đáp trả bằng việc phóng hỏa xe cảnh sát.
Tòa nhà từng là dinh tổng thống ở thành phố Almaty cũng bị tấn công. Ảnh: Reuters
Một chiếc xe hơi bị thiêu rụi nằm chỏng chơ trên đường phố Almaty. Ảnh: Tass
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình, Tổng thống Tokayev đã đồng ý đáp ứng một trong những yêu cầu của người biểu tình và giải tán chính phủ. Tuy nhiên, lần nhượng bộ thứ hai này vẫn không mang lại kết quả như mong muốn vì chính phủ mới không có sự khác biệt đáng kể so với chính phủ tiền nhiệm. Ông Alihan Smaiylov được bổ nhiệm làm thủ tướng. Trong nội các trước đó, ông giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất.
Quân đội đã được triển khai đến Almaty - thành phố lớn nhất Kazakhstan sau khi đám đông người biểu tình tràn vào các tòa nhà chính phủ và không ngừng đốt phá. Sân bay Almaty cũng từng rơi vào tay người biểu tình, nhưng sau đó đã được lực lượng an ninh giành lại quyền kiểm soát.
Ngày 5/1, người biểu tình tấn công và phóng hỏa các tòa nhà hành chính. Tổng thống Tokayev nói rằng “những kẻ khủng bố được huấn luyện ở nước ngoài” đang tấn công các cơ sở chiến lược. Ông yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đưa quân đến hỗ trợ quốc gia này lập lại trật tự.
Ngày 6/1, Tổng thư ký CSTO - Stanislav Zas cho biết sứ mệnh gìn giữ hòa bình của khối này đã được khởi động theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan - Tokayev.
Hiện lực lượng đổ bộ đường không cùng lực lượng đặc nhiệm Nga và Belarus đã lên đường đến Kazakhstan. Việc triển khai 2.500 binh sĩ dự kiến sẽ hoàn tất vào tối 7/1.
Ít nhất 18 cảnh sát, quân nhân đã thiệt mạng và gần 750 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình quá khích ở Kazakhstan. Trong đó, thi thể mất đầu của 3 nhân viên an ninh đã được tìm thấy ở thành phố Almaty.
Con số này được Bộ Nội vụ Kazakhstan công bố tối 6/1, nhưng chỉ bao gồm số liệu liên quan đến thương vong của cảnh sát và quân đội. Thông tin chi tiết về thương vong dân sự hiện chưa được tiết lộ.
Lực lượng an ninh Kazakhstan vẫn đang tiếp tục truy lùng và giam giữ những kẻ bạo loạn có hành vi quá khích. “Những người dùng vũ trang chống đối cảnh sát và quân đội sẽ bị loại bỏ”, Bộ Nội vụ nước này cảnh báo.
Cùng ngày, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết số người bị thương trong các cuộc biểu tình đã lên đến gần 1.000 người. Cơ quan này kêu gọi tất cả các bên ở Kazakhstan “kiềm chế bạo lực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình.