Toàn cảnh lũ lụt miền Trung: Đại hồng thủy trăm năm có một

Nhiều người lớn tuổi ở miền Trung nhìn con nước lũ rồi rùng mình bảo: cả cuộc đời chưa bao giờ chứng kiến trận lũ lụt kinh hoàng như những ngày này. Suốt nhiều ngày liền mưa trút xuống miền Trung không ngớt, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, nhiều làng mạc xanh tươi ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị đã ngập chìm trong lũ.

Hàng vạn căn nhà bị nhấn chìm hoặc ngập sâu; những trận lở núi kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người trong đêm vắng… Cả miền Trung đang gồng mình vượt qua nỗi đau để chống chọi với sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên. Lũ lụt sẽ đi qua nhưng tình người sẽ ở lại, chắc chắn thế.

Lũ lụt gây ngập nặng đối với người dân Quảng Bình.

Lũ lụt gây ngập nặng đối với người dân Quảng Bình.

Lũ vây bốn bề

Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ mưa rơi tầm tã, cộng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nhiều địa bàn trên tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ngập chìm trong nước lũ. Nhiều địa bàn ở thị xã Quảng Điền, huyện Phong Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Hương Trà, huyện Hương Thủy... nước lũ dâng cao từ 1-3m. Chỉ tính riêng vùng rốn lũ huyện Quảng Điền, mưa lũ đã làm hơn 16.200 nhà bị ngập; 134 ha hoa màu bị hư hại ở các vùng tập trung.

Ngay khi mưa lũ vừa đổ về, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động 2.400 cán bộ, chiến sĩ; 22 lượt xe cứu nạn cứu hộ, 14 cano, 47 ghe máy, 30 lượt xuồng cứu sinh cứu hộ, di dời dân; phối hợp với các đơn vị quân đội và lực lượng địa phương tổ chức sơ tán 6.709 hộ với hơn 19.500 nhân khẩu từ các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn.

Cũng giống như Thừa Thiên-Huế, mưa lớn liên tục đã biến nhiều vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Trị thành tâm lũ. Những ngày qua, lũ trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Sê Pôn lên rất nhanh. Nhiều nơi nước đã vượt đỉnh lũ năm 1999. Nhiều làng mạc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng... bị nước lũ nhấn chìm sâu đến hơn 2m.

Lũ xảy ra trong đêm tối nên không ít nơi người dân không kịp trở tay. Công an tỉnh Quảng Trị đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ túc trực các điểm xung yếu, các vùng lũ ngập sâu để cùng nhân dân chống lũ.

 Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cùng cán bộ, chiến sĩ chèo đò vào hỗ trợ người dân vùng lũ.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cùng cán bộ, chiến sĩ chèo đò vào hỗ trợ người dân vùng lũ.

Khi lũ ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị đã dần rút xuống thì từ ngày 18 đến 20-10, mưa như trút xuống vùng cát Quảng Bình. Tại nhiều xã của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn... nước lũ lên nhanh, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nước dâng cao từ 1-3 m nhấn chìm hết ruộng nương, hoa màu của người dân, nhiều nhà bị ngập sâu, buộc người dân phải tháo ngói leo lên nóc nhà ngồi tránh lũ. Trong đêm tối, nước lũ mênh mông, người dân chỉ biết cầu cứu bằng cách gọi điện thoại, lên mạng xã hội kêu gọi cứu nạn.

Ngay trong đêm tối, cả Quảng Bình như vỡ trận vì nước lũ. Người dân nhiều nơi kêu cứu, chính quyền các địa phương phải huy động tổng lực để cứu dân trong đêm. Tuy nhiên, công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến xấu, mưa to, gió lớn, nước ngập sâu và chảy xiết. Hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc tại nhiều địa phương đã bị mất. Hơn 100.000 nhà dân bị ngập trong lũ, việc cứu hộ, cứu nạn, di chuyển hàng vạn người dân hết sức khó khăn...

Tang thương từ tâm lũ miền Trung

Chiều 19-10, thi thể quân nhân cuối cùng trong số 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 bị núi lở vùi lấp ở xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị đã được tìm thấy. Trời Quảng Trị ngớt mưa nhưng những giọt nước mắt của đồng đội và người dân trên địa bàn không ngớt.

Ngày 17-10, 27 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 hành quân sang xã Hướng Việt cách xã Hướng Phùng khoảng 30 km để giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ. Sau một ngày dầm mưa, họ về đến đơn vị lúc đêm đã tối mịt mùng.

Một cán bộ trong đoàn kể lại "Anh em về đến đơn vị đều mệt lả, chỉ tắm rửa qua loa rồi về giường. Khi vụ việc xảy ra, có chiến sĩ còn mặc nguyên quân phục, thậm chí chưa kịp ngủ”. Lúc 1 giờ 25 phút sáng, một tiếng ầm rung chuyển từ dãy Coọc Tạc, đất đá ập xuống như cơn lũ. Những người lính mệt nhoài gần như không kịp phản ứng, 22 cán bộ, chiến sĩ mãi mãi gác lại tuổi thanh xuân và bao ước mơ giang dở...

Sau bữa cơm trưa ngày 12-10 ở thành phố Huế, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu IV chuẩn bị lên xe ra lại Đồng Hới để sáng hôm sau dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V của tỉnh Quảng Bình (anh nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình 2015-2019) thì điện thoại báo tin có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà công nhân đang thi công dự án thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền làm 17 công nhân mất tích.

Thiếu tướng Man điện ra Quảng Bình báo không dự Đại hội được mà anh quyết ở lại Huế cùng đồng chí, đồng đội lội bộ hàng chục km đường rừng trong mưa lũ để tìm cách tiếp cận nơi các công nhân gặp nạn nhằm tìm hiểu, nghiên cứu thực địa để sau đó cho quân vào cứu nạn. Nhưng, đau thương đã xảy ra khi các anh đã gặp nạn trên đường cứu nạn, cứu hộ ở trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67 gần thủy điện Rào Trăng 3.

Vụ sạt lở núi kinh hoàng đã vùi lấp 13 người trong đoàn, làm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng 10 cán bộ, chiến sĩ và 2 cán bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế tử vong. Hình ảnh xúc động cuối cùng của đoàn cứu hộ trong chiếc máy quay nằm lại cùng thi hài các liệt sĩ được lực lượng cứu nạn tìm thấy, sau khi được khôi phục lại đã làm không ít người xem rơi nước mắt.

Trong clip, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng các cán bộ, chiến sĩ quây quần quanh bếp lửa, trao đổi, sưởi ấm, hơ khô lại áo tại trạm nghỉ Tiểu khu 67. Câu nói cuối cùng trong hình ảnh của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân, chúng ta phải làm”...

Công an Quảng Bình vượt lũ ứng cứu, đưa người dân đến các địa điểm an toàn.

Công an Quảng Bình vượt lũ ứng cứu, đưa người dân đến các địa điểm an toàn.

Chiều 20-10, đội tìm kiếm, cứu nạn gồm 10 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và một người dân địa phương thạo địa hình sau nhiều giờ đi bộ cắt rừng núi, vòng qua đất bạn Lào đã tiếp cận được thi thể Đại úy Trương Văn Thắng (SN 1989), Công an xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa hy sinh khi đi cứu dân.

Trước đó, lúc 16h30 phút ngày 17-10, có 7 người dân thôn Tà Rùng-Ka Tiêm đi làm rẫy bị mất tích. Nhận được tin báo, Công an xã và UBND xã Hướng Việt cử 7 cán bộ tham gia tìm kiếm. Lúc 18h cùng ngày, khi đoàn đến Km193 đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây Hướng Việt đi Quảng Bình) thì bị núi sạt lở.

Hậu quả, Đại úy biên phòng Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt (Bộ đội Biên phòng tăng cường đảm nhiệm công tác này) bị gãy chân trái; Đại úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt hy sinh tại chỗ, bị nước lũ cuốn trôi; ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt bị chấn thương nặng; 4 người còn lại đến thời điểm hiện tại đang mất tích.

Đại úy Thắng có vợ và con trai hơn 1 tuổi, sống với bố mẹ vợ tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Sau khi tình nguyện xung phong lên công tác tại Hướng Việt, Đại úy Thắng có thuê một phòng trọ tại địa bàn mới để ở. Thi thoảng, vợ anh lại vượt gần trăm cây số đường núi đèo dốc lên đây thăm chồng...

Trắng đêm cùng dân vượt lũ

Trong những ngày mưa lũ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình đã có mặt tại các rốn lũ trắng đêm cứu tính mạng, cứu tài sản của nhân dân.

Giữa cơn mưa xối xả của đêm tối, Thượng tá Lê Văn Hóa - Trưởng Công an thị xã Ba Đồn và cán bộ, chiến sĩ cùng đơn vị như Thượng úy Nguyễn Khánh Linh, Trung úy Trần Tuấn Tài, Trung úy Từ Huy Hòa, Thiếu úy Mai Xuân Thành, Thượng úy Đặng Huy Hoàng, Thượng úy Nguyễn Thái Quý... đã đưa hàng trăm người dân vượt lũ đến nơi an toàn. Lực lượng Công an thị xã Ba Đồn cũng đã đưa 3 sản phụ vượt lũ sinh con.

Nhận được điện thoại cầu cứu từ phía người dân, cán bộ, chiến sĩ Công an xã Quảng Lộc và Quảng Hòa đã vượt lũ, dùng bè đưa các sản phụ Đinh Thị Tương (sinh 1989, trú xã Quảng Lộc), Hoàng Thị Vân (sinh 1993), Nguyễn Thị Phương (sinh 1994) đến cầu Quảng Hải, tiếp đó Công an thị xã đã đưa các sản phụ đến bệnh viện sinh con an toàn.

Tại Lệ Thủy, nước sông Kiến Giang lên nhanh do nước biển dâng cao và nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Người dân kêu cứu đến các cấp chính quyền qua điện thoại, qua mạng xã hội... Nhiều gia cảnh chưa kịp chạy lũ phải đu bám nóc nhà, cửa sổ, ngọn cây... Công an huyện Lệ Thủy đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ đến các vùng ngập lụt để cứu dân. Giữa đêm tối, nước lũ mênh mông làm ngập nhiều địa bàn như các xã Cam Thủy, Mỹ Thủy, Lộc Thủy... Cán bộ, chiến sĩ công an cùng chính quyền địa phương đã không quản nguy hiểm để tìm đến nhiều hộ dân bị ngập sâu đưa lên thuyền vượt lũ đến nơi an toàn.

Đã nhiều ngày qua, Thượng tá Trần Đức Tới cùng tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lệ Thủy, Quảng Bình hầu như chưa ai về nhà. Lệ Thủy là vùng chiêm trũng, nước lũ ngập rất sâu. Công an huyện Lệ Thủy chia thành nhiều tổ công tác tỏa về các địa bàn giúp dân sơ tán và vận chuyển đồ dùng sinh hoạt đưa lên cao. Nhiều cán bộ, chiến sĩ mắc kẹt do lũ lớn nên nhận nhiệm vụ ở lại cùng dân chống lũ. Số còn lại luôn trong trạng thái thường trực lên đường khi nhận điện thoại từ phía nhân dân, hay Công an tỉnh triệu tập lên đường đến vùng lũ.

12 giờ đêm, chuông điện thoại đổ dồn dập về trực ban, người dân báo có 2 người bị nhồi máu cơ tim ở xã Liên Thủy và xã Mỹ Thủy, xung quanh nước lũ đã ngập sâu, cô lập mọi ngả đường. Thượng tá Trần Đức Tới cùng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã dùng ca nô bất chấp hiểm nguy, mưa lũ kịp thời ứng cứu, đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Chỉ sau ít tiếng lũ tràn về, mọi con đường vào xã Tân Hóa, Minh Hóa, Hóa Sơn, bản Lòm (xã Trọng Hóa), bản Ka Ai (xã Dân Hóa) và một số tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn huyện Minh Hóa đã bị ngập sâu. Ngay trong đêm, Ban Chỉ huy Công an huyện cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ dùng đò vượt lũ trực tiếp xuống các điểm xung yếu để giúp dân chạy lũ. 85 hộ dân ở khu vực bị ngập và có nguy cơ sạt lở cao được đưa về nơi an toàn ngay trong đêm.

Cả chiều dầm mình trong mưa lũ để sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khi các cán bộ, chiến sĩ Công an Minh Hóa vừa chuẩn bị bữa cơm tối thì điện thoại lại đổ chuông dồn dập, người dân gọi có sản phụ sắp sinh trong lũ. Các chiến sĩ công an đã kịp thời sử dụng xuồng máy đưa sản phụ Trương Thị Thu, ở thôn 2 Kim Bảng qua sông đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, bảo đảm được tính mạng, sức khỏe cho cả hai mẹ con.

Tiếp đó, trong đêm các anh lại dùng xuống máy và xe ô tô chuyên dụng đưa chị Hồ Thị Núc (ở bản Ba Loóc, xã Dân Hóa) bị điện giật do cột điện bị sạt lở nghiêng xuống và cụ ông Trương Văn Thân (88 tuổi, ở thôn 3 Kim Bảng) bị tai biến đi cấp cứu kịp thời, giữ được tính mạng...

Giữa mênh mông nước lũ ở khu vực ngầm Khe Gát, thuộc thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, chiếc xe ô tô khách mang biển số 43B-024.54 của Công ty TNHH Du lịch Quảng Hà có địa chỉ tại 12 Nguyễn Thị Xuân, thành phố Đà Nẵng, do Phạm Quốc Cường (sinh năm 1985, trú tại Hà Tĩnh) điều khiển bị nước lũ cuốn trôi ra khỏi đường hơn 30m.

Trên ô tô khách có 18 người, trong đó có 5 phụ nữ và 1 trẻ em không ngớt la hét, sợ hãi cầu cứu khi nước lũ đã ngập nửa xe. Trời mưa xối xả, nước lũ tiếp tục lên nhanh, chảy xiết, chiếc xe đang có dấu hiệu sẽ trôi ra xa, vô cùng nguy hiểm. Nhiều người nhìn theo chiếc xe thực sự hoang mang, lo lắng, ý nghĩ về thảm kịch trôi xe khách từng xảy ra ở Hà Tĩnh trong trận đại hồng thủy năm nào vẫn ám ảnh mọi người.

Có mặt tại hiện trường, Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình giao chỉ huy các đơn vị chọn những cán bộ, chiến sĩ giỏi bơi lội sông nước nhất bơi ra xe dùng dây thừng loại lớn buộc vào xe rồi buộc níu lên bờ. Sợi dây thừng vừa níu kéo cho chiếc xe khỏi trôi, đồng thời trở thành chiếc dây bảo đảm để cán bộ, chiến sĩ bơi ra ôm lấy từng hành khách đưa vào.

Giữa đêm tối mênh mông nước lũ, những cán bộ, chiến sĩ công an ngụp lặn trong dòng nước xiết, đu theo dây để đưa hành khách vào bờ làm hàng trăm người dân đứng xem rơi nước mắt, rồi vỡ òa trong sung sướng khi cháu bé Đinh Hà Anh (2 tuổi) được một chiến sĩ ôm chặt trong lòng, dìu theo sợi dây đưa vào bờ an toàn.

Nhìn gương mặt ngái ngủ trẻ thơ của bé, rồi nhìn dòng nước lũ chảy xiết, chị Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân đứng xem, nói trong nước mắt: “Ba mẹ sinh ra con, giờ các chú công an lại sinh ra con lần nữa đó con. Đứng xem các chú cứu con mà lòng như lửa đốt khi cứ nghĩ đến những việc khủng khiếp mà lũ lụt vừa gây ra. May mắn quá rồi con ơi...”.

Chị Phạm Thị Loan, mẹ cháu Hà Anh khi được đưa vào bờ, chị khuỵu xuống ôm chầm lấy các cán bộ, chiến sĩ khóc nức nở, hạnh phúc vì cả hai mẹ con được giải cứu an toàn.

Hình ảnh xúc động người dân nấu bánh chưng, bánh tét để gửi vào vùng tâm lũ giúp bà con Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Hình ảnh xúc động người dân nấu bánh chưng, bánh tét để gửi vào vùng tâm lũ giúp bà con Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Trong đêm khuya, giữa nước lũ chảy xiết, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình đã thay nhau đu mình vào dây, vượt gần trăm mét nước lũ ra nơi xe gặp nạn, bám vào các ô cửa sổ xe để đưa từng hành khách ra. Tổ công tác vượt lũ, tổ công tác lo ánh sáng, thiết bị cứu nạn, tổ đưa hàng khách đến nơi an toàn để thăm khám, nghỉ ngơi... đều rất gấp rút, chạy đua với thời gian, chạy đua với nước lũ và 18 hành khách đều được cứu an toàn, thoát khỏi dòng nước hung dữ...

Lũ lụt đi qua, tình người ở lại

Những ngày gần đây, khi trời còn chưa sáng rõ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình đã đội mưa có mặt tại sân cơ quan Công an tỉnh để chia thành các tổ công tác lên đường hỗ trợ giúp dân. Hàng nghìn thùng mỳ tôm, lương khô, nước lọc đóng chai, dầu gió, thuốc khử khuẩn môi trường... nhanh chóng được các cán bộ, chiến sĩ đưa lên xe về các vùng rốn lũ trên địa bàn tỉnh.

Giữa mênh mông nước lũ, ai cũng muốn nhanh chóng vào đến thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi người dân nhiều ngày qua đang trông ngóng.

Ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Thủy cho biết; thôn Vinh Quang là điểm ngập lụt nặng nề thứ hai của huyện Lê Thủy, thôn có 180 hộ với 720 nhân khẩu hoàn toàn bị lũ lụt chia cắt, biệt lập. Trên con thuyền tròng trành vượt lũ, khi vào gần đến thôn Vinh Quang, do sóng quá lớn, con thuyền chở Giám đốc Công an Quảng Bình và Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cùng phóng viên Báo CAND - Chuyên đề ANTG đã suýt bị sóng đánh chìm.

Mọi người phải dùng mũ đang đội tát nước khỏi thuyền. Khi thuyền cập làng, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã phải bơi níu thuyền vào nhà dân, tìm nơi cao nhất để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào. Do mưa nặng hạt, đi giữa mênh mông nước lũ nên các thùng mì tôm, lương khô, nước chai... các thùng giấy đều bị bong ra gần hết. Công an Quảng Bình phải dùng rổ để đựng mì tôm, lương khô đưa giúp đỡ bà con.

Bà Nguyễn Thị Lai gần 80 tuổi cầm tay cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình xúc động. Bà cho biết, các con đi làm ăn xa trong miền Nam, ở nhà chỉ có ba bà cháu, nước lũ dâng ban đêm nên bà cháu kiệt sức vì lũ. Đưa lên cao được cái tivi, bếp ga, khi quay lại thì toàn bộ thóc, gạo, quạt điện đã chìm trong nước lũ. Đứa cháu gái lớp 3 vừa khóc, vừa bắt bà leo lên cao để tránh lũ vì sợ lũ cuốn trôi mất bà.

2 ngày qua, ba bà cháu ngồi gần sát nóc nhà nhìn nước lũ chạy qua, ăn tạm gói mỳ tôm qua ngày. Hôm nay, được lực lượng Công an đến ứng cứu, ba bà cháu cứ ôm chầm lấy nhau khóc vì mừng.

Nhận những thùng hàng từ cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình, nhiều người dân đã xúc động nói trong nước mắt và mưa lũ: “Hai hôm nay bà con cứ ngó ra cánh đồng thấy nước lụt mênh mông, có người nói chắc không ai đến đây và mần răng mà vượt lụt đến được nhưng đa số mọi người đều tin, lụt có to đến mấy rồi cũng có người đến, có chính quyền, có công an đến cứu, đến hỗ trợ...”.

Chị Nguyễn Thị Tùng và chị Nguyễn Thị Liễu (thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) khi nhận lương khô, mỳ tôm, nước uống đã xúc động cho biết, lũ lên nhanh quá, nhiều người làng không kịp trở tay, ai cũng lo tìm cách cất gác các vật dụng đắt tiền như tivi, tủ lạnh... mà quên việc cất gạo và nước mắm, đồ ăn sinh hoạt hằng ngày, khi quay lại thì tất cả bị chìm trong nước lũ. Vì vậy, những thùng hàng, quà tặng của lực lượng Công an Quảng Bình thực sự là “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Hướng về vùng lũ lụt, chiều và tối 19-10, trên địa bàn nhiều xã của tỉnh Nghệ An, người dân các địa phương đã chủ động quyên góp mua nếp, lá dong, lá chuối, củi, thịt heo, đậu xanh... để nấu hàng trăm nồi bánh chưng, bánh tét gửi vào vùng lũ ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Ở nhiều nơi, người dân các thôn làng đã tập trung về nhà văn hóa, mỗi người mỗi việc, người lo vò nếp, người rửa lá, người gói bánh... chỉ trong một buổi chiều, riêng làng Phượng Sơn của xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, bà con đã gói xong 2,5 tạ nếp để nấu suốt đêm cho kịp ngày mai gửi vào vùng lũ. Nhiều trường học, cơ quan, đơn vị, các xã... ở Nghệ An, người dân đã dừng các hoạt động vui chơi, ngày lễ 20-10 để quyên góp tổ chức nấu bánh gửi vào vùng lũ...

Dương Sông Lam

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/toan-canh-lu-lut-mien-trung-dai-hong-thuy-tram-nam-co-mot-617248/