Toàn cảnh năng lượng Arập Xêút (Kỳ 2)

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà lãnh đạo Arập Xêút nhận ra rằng, sự phụ thuộc vào dầu mỏ có thể sẽ là một mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và kinh tế của đất nước. Sau đó, họ thiết lập một chương trình lớn dành riêng cho năng lượng tái tạo và hạt nhân.

Những tập đoàn năng lượng lớn

Saudi Aramco là tập đoàn dầu mỏ và khí tự nhiên thuộc sở hữu của nhà nước Arập Xêút (nhà nước đã sở hữu 100% nguồn vốn của tập đoàn này từ năm 1980). Đây là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới về sản lượng dầu khai thác (12,7 triệu thùng/ngày trong năm 2013), nhiều hơn Gazprom của Nga. Ngoài hoạt động thăm dò và khai thác, Saudi Aramco còn vận hành một nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới với công suất 7 triệu thùng dầu/ngày. Ngoài ra, Saudi Aramco cũng hoạt động trong các lĩnh vực về hóa dầu và điện năng.

Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất của Arập Xêút

Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất của Arập Xêút

Toàn bộ các hoạt động của Saudi Aramco đều nằm dưới sự giám sát của Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản cùng với Hội đồng Tối cao về dầu khí và khoáng sản. Được thành lập vào tháng 1/2000, Hội đồng Tối cao về dầu khí và khoáng sản được chủ trì bởi Quốc vương và các thành viên trong hoàng tộc, các nhà lãnh đạo công nghiệp, các bộ trưởng và những người đứng đầu trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ.

Tập đoàn Điện lực quốc gia Arập (SEC) chủ yếu sản xuất và phân phối điện nội địa. SEC cũng công khai kiểm soát các hoạt động của các nhà sản xuất điện độc lập.

Công ty điện lớn thứ hai ở Arập Xêút là Công ty khử mặn nước biển Saline Water Conversion Corporation, cũng thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Tương lai và thách thức

Arập Xêút là một trong số ít các quốc gia không sản xuất dầu mỏ hết khả năng của mình. Do đó, Arập Xêút có thể đóng vai trò là “nhà sản xuất chi phối” thị trường, điều đó có nghĩa, Arập Xêút có thể khống chế được giá dầu bằng cách thay đổi sản lượng sản xuất và xuất khẩu dầu theo cung - cầu dầu thô trên toàn thế giới. Arập Xêút có khả năng bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm sản xuất ở các nước khác, tác động đến sự tăng hoặc giảm giá dầu nếu Chính phủ Arập Xêút muốn. Vì vậy, các chiến lược sản xuất và xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của Arập Xêút có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, vào tháng 11/2014, Arập Xêút từ chối cắt giảm sản lượng ngay cả khi giá dầu giảm mạnh. Theo một số giả thuyết được đặt ra, điều này có thể giúp Arập Xêút (quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni) phá hoại các cường quốc đối thủ ở khu vực theo dòng Shiit, cụ thể là Iran và Iraq (hai nước cần giá dầu trên 110 USD/thùng nhằm duy trì ổn định nguồn ngân sách quốc gia). Chiến lược này cũng có khả năng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến Nga (khi Nga còn phụ thuộc nhiều vào lượng dầu xuất khẩu) và Mỹ (khi dầu đá phiến đang gia tăng nhanh chóng, giá hòa vốn của mỗi thùng dầu đá phiến dao động từ 60-80USD).

Hậu dầu mỏ

Ngay từ những năm 90, các nhà lãnh đạo Arập Xêút nhận ra rằng, sự phụ thuộc vào dầu mỏ có thể sẽ là một mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và kinh tế của đất nước. Sau đó, họ thiết lập một chương trình lớn dành riêng cho năng lượng tái tạo và hạt nhân trong kế hoạch phát triển lần thứ 9 của quốc gia.

Đến năm 2032, Arập Xêút muốn sản xuất 50% lượng điện năng nhờ vào năng lượng tái tạo và hạt nhân. Để đạt được những mục tiêu này, vào năm 2010, Vua Abdullah đã sáng lập ra thành phố năng lượng hạt nhân và tái tạo (KA - CARE), do ông Hashim bin Abdullah Yamani làm chủ tịch.

Vào tháng 6/2013, điều phối viên cao cấp về hợp tác khoa học về năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo của Arập Xêút đã công bố việc xây dựng 16 lò phản ứng hạt nhân đến năm 2032 với chi phí ước tính tới 100 tỉ USD. Phần lớn các lò phản ứng này sẽ nằm dọc theo Biển Đỏ hoặc bờ biển của Vịnh Ba Tư. Đến năm 2032, các lò phản ứng này dự kiến sẽ cung cấp 25% nhu cầu điện cho Arập Xêút và cho phép nước này trở thành nước xuất khẩu điện trong khu vực. Cần lưu ý rằng, vào năm 2011, Pháp và Arập Xêút đã ký kết một thỏa thuận hợp tác song phương về hạt nhân dân sự.

Vương quốc Anh cũng muốn đầu tư 109 tỉ USD (tương đương 87 tỉ euro) vào Arập Xêút để sản xuất 41GW từ các tấm pin quang điện từ nay đến năm 2032. Sản lượng điện mặt trời từ dự án này sẽ chiếm gần 1/3 tổng sản lượng điện trong nước, theo dự báo của Arập Xêút. Tuy nhiên, tỷ lệ điện mặt trời trong các loại hình sản xuất điện khác sẽ thấp hơn, do khả năng lưu trữ của điện mặt trời thấp.

Vấn đề về nguồn nước

Do đang trong quá trình phát triển mạnh, Arập Xêút phải đối mặt với một vấn đề nan giải khác: Thiếu nguồn nước. Lượng mưa thấp, ít sông hồ khiến Arập Xêút không có bất cứ nguồn nước nào dễ dàng tiếp cận. Tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng hơn do mức tiêu thụ nước ngày càng tăng. Người dân Arập Xêút tiêu thụ lượng nước gấp đôi mức trung bình trên thế giới: Một người Arập Xêút tiêu thụ 265 lít nước mỗi ngày so với mức trung bình 150 lít ở Pháp.

Để đối phó với vấn đề thiếu nước, Arập Xêút đã xây dựng các nhà máy khử mặn nước biển, đồng thời xây dựng các con đập để bảo tồn tốt nhất lượng nước mưa và bảo vệ các đới nước ngầm đang cạn kiệt. Tất cả những biện pháp này giúp cho Arập Xêút trở thành quốc gia sản xuất nước ngọt từ nước biển lớn nhất thế giới với hơn 3 triệu m3 nước uống được khử mặn mỗi ngày.

Theo luật của Arập Xêút, Tập đoàn Saudi Aramco phải bán dầu với giá 5 USD/thùng cho mục đích sử dụng nội địa (nhiên liệu hoặc dùng để sản xuất điện). Saudi Aramco đang điều hành một mạng lưới đường ống dài 19.000km dành riêng cho việc vận chuyển dầu thô và các sản phẩm tinh chế.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/toan-canh-nang-luong-arap-xeut-ky-2-513871.html