Toàn cảnh vụ tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman
Căng thẳng tại Vùng Vịnh 'nóng' trở lại sau vụ hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman vừa qua. Mỹ tố Iran đứng đằng sau vụ tấn công này, song Tehran phủ nhận cáo buộc.
Như tin tức đã đưa, ngày 13/6, hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman ở ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), gần eo biển chiến lược Hormuz. Ảnh: CNN.
Con tàu đầu tiên bị tấn công là tàu chở dầu thô Front Altair với 23 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu. Khi đó, tàu Front Altair được cho là chở naptha đã rời cảng Ruwais ở UAE và đang trên đường hướng tới Cao Hùng thuộc Đài Loan (Trung Quốc). Được biết, tàu Front Altair thuộc sở hữu của hãng tàu biển Na Uy. Ảnh: Reuters.
Con tàu thứ hai là Kokuka Courageous, treo cờ Panama và bị tấn công khi đang chở methanol từ cảng Al Jubail ở Saudi Arabia tới Singapore. Tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành. Ảnh: Reuters.
Hai tàu bốc cháy sau vụ tấn công được cho là bằng ngư lôi hoặc mìn từ tính trên Vịnh Oman. Trong đó, tàu Kokuka Courageous bị hư hỏng thân ở mạn phải, nhưng toàn bộ số methanol không bị ảnh hưởng. Ảnh: Reuters.
Được biết, 44 thủy thủ từ hai tàu chở dầu Front Altair và Kokuka Courageous đã được giải cứu an toàn và đưa về cảng Jask, Iran. Ảnh: Reuters.
Hiện chưa rõ vụ tấn công hai tàu chở dầu được thực hiện như thế nào và thủ phạm là ai. Tuy nhiên, vụ tấn công đã khiến căng thẳng gia tăng ở Vùng Vịnh, đe dọa an ninh hiện hữu đối với con đường hàng hải vận chuyển dầu bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Mỹ, Anh và Saudi Arabia,... lên tiếng quy trách nhiệm cho Iran và đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters.
Mỹ tố Iran đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13/6. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington đưa ra cáo buộc này dựa trên thông tin tình báo, đánh giá về loại vũ khí đã được sử dụng trong vụ tấn công. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Nga cảnh báo hành động quy chụp trong việc chỉ trích sự cố "khả nghi" xảy ra trên Vịnh Oman sáng 13/6, đồng thời cho rằng không nên lợi dụng vụ việc này để gia tăng áp lực với Tehran. Ảnh: Reuters.
Cao ủy Liên minh Châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini kêu gọi kiềm chế tối đa và tránh mọi hành động khiêu khích trong khu vực khi vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Ảnh: Reuters.
Trong tuyên bố hôm 13/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kịch liệt lên án vụ tấn công, nhấn mạnh phải tìm ra thủ phạm đứng đằng sau vụ việc, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột bùng phát tại Vùng Vịnh. Ảnh: Reuters.
Về phần mình, Iran phủ nhận mọi cáo buộc vô căn cứ của Mỹ liên quan đến sự cố tàu chở dầu bị tấn công ngày 13/6. Ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết nước này có trách nhiệm duy trì an ninh tại Eo biển Hormuz ở Vùng Vịnh, đồng thời cho rằng việc đổ lỗi cho Tehran về các vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu tại Vịnh Oman vừa qua là để "gây hoang mang". Ảnh: Tàu Front Altair tại Antwerp, Bỉ, tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.