Toàn cảnh vụ Thủ lĩnh Hamas bị sát hại

Thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh của phong trào Hồi giáo Hamas đã bị ám sát vào rạng sáng 31-7 tại thủ đô Tehran của Iran. Thông tin đã được cả Hamas và Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran xác nhận.

Lãnh đạo chính trị của Hamas Ismail Haniyeh (trái) gặp Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran ngày 30-7. Ảnh: Getty Images

Lãnh đạo chính trị của Hamas Ismail Haniyeh (trái) gặp Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran ngày 30-7. Ảnh: Getty Images

Bị sát hại bằng tên lửa dẫn đường

Hãng tin Fars cũng dẫn thông báo của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát vào khoảng 1h45 đêm 30-7, rạng sáng 31-7 khi ông đang nghỉ tại một khu nhà dành cho các cựu chiến binh ở thủ đô Tehran, Iran. Hôm 30-7, ông đã đến Tehran dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, cũng như chào xã giao lãnh tụ tối cao của Iran.

Hãng thông tấn IRNA dẫn báo cáo sơ bộ cho thấy ông Haniyeh bị "quả đạn dẫn đường từ trên không" đánh trúng khu nhà, làm ông Haniyeh và một vệ sĩ thiệt mạng. IRNA cho biết, các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định chi tiết về hành động này, cũng như vị trí mà quả đạn được bắn ra. Tờ al-Arabi al-Jadid của Qatar dẫn nguồn tin Hamas tiết lộ khu nhà khách ở phía bắc Tehran thuộc quản lý của IRGC. Phái đoàn của tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine, trong đó có Tổng thư ký Ziyad al-Nakhalah, lưu trú trong cùng tòa nhà với ông Haniyeh nhưng ở tầng khác.

Truyền thông Lebanon dẫn nguồn tin từ Hezbollah cho hay đây là tên lửa phóng từ mặt đất, được khai hỏa bên ngoài biên giới Iran. Hiện chưa rõ làm sao tên lửa này có thể xuyên thủng hệ thống phòng không Iran để tấn công vào khu nhà. Iran được cho là sở hữu hệ thống phòng không đa tầng phức tạp hàng đầu ở Trung Đông.

Phản ứng của các bên

Giới chức Iran và phong trào Hamas đã lên án vụ tấn công, đồng thời tuyên bố sẽ tìm ra thế lực chịu trách nhiệm. Hội đồng An ninh Quốc gia Iran đã nhóm họp để quyết định chiến lược của nước này nhằm đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố vụ ám sát Thủ lĩnh Hamas sẽ thắt chặt hơn sự gắn kết giữa Iran, người Palestine và lực lượng kháng chiến trong khu vực. Nếu đây thực sự là một vụ tấn công thực hiện bởi các thế lực bên ngoài, nó sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iran. Việc một vị khách thăm Iran bị ám sát có thể ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia này khi bị cho rằng không thể đảm bảo sự an toàn tối thiểu cho các đồng minh ở thăm.

Về phía Hamas, ông Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao của Hamas, nói: "Vụ ám sát là một hành động leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhằm tìm cách phá vỡ ý chí của Hamas". Ông cũng cảnh báo, Hamas chắc chắn sẽ đáp trả. Giới chức Hamas cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công, song không đưa ra bằng chứng. Israel đến nay chưa đưa ra bình luận chính thức.

Về phía Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas đã cực lực lên án vụ ám sát ông Haniyeh, nhấn mạnh rằng đó là một hành động đê hèn và là một bước leo thang nguy hiểm. Một số nhóm vũ trang Palestine, trong đó có nhóm thánh chiến Jihad, tuyên bố sẽ đoàn kết với Hamas, đồng thời kêu gọi tiến hành biểu tình và tổng đình công trên toàn khu Bờ Tây để lên án Israel.

Từ Yemen, Thủ lĩnh lực lượng Houthi, ông Mohammed Ali Al-Houthi ra tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết với Hamas và người Palestine. Người đứng đầu nhóm vũ trang lớn nhất Yemen khẳng định vụ sát hại ông Hanieyh là một hành động khủng bố tội ác, một sự xâm phạm trắng trợn luật pháp và các giá trị chung.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Washington sẽ nỗ lực để cố gắng xoa dịu căng thẳng nhưng cũng khẳng định Mỹ sẽ giúp bảo vệ Israel nếu nước này bị tấn công. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ ám sát ông Haniyeh, cho rằng vụ việc sẽ đẩy xung đột ở Dải Gaza lên cấp độ khu vực. Hãng thông tấn RIA trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov gọi vụ sát hại lãnh đạo Hamas là "hành vi giết người vì mục đích chính trị không thể chấp nhận được" và có thể sẽ dẫn đến sự leo thang căng thẳng hơn nữa cũng như có tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza.

Tác động thế nào đối với Hamas?

Ông Haniyeh là nhân vật quan trọng tham gia các hoạt động ngoại giao quốc tế. Suốt hai thập kỷ qua, ông Haniyeh là một trong những lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Hamas và được coi là một nhân vật ôn hòa trong phong trào này. Ông đảm nhận vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao bền vững để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Câu hỏi được đặt ra là liệu cái chết của ông Haniyeh sẽ ảnh hưởng ra sao tới nhóm Hamas và viễn cảnh chiến sự vẫn đang diễn ra khốc liệt ở Gaza giữa Hamas và Israel. Theo Guardian, cái chết của ông Haniyeh gây ra tổn hại cho Hamas, nhưng ông không tham gia trực tiếp vào các hoạt động quân sự trên bộ ở Gaza. Ngoài ra, trong quá khứ, Hamas từng đối mặt với các vụ ám sát lãnh đạo nhưng nhóm này vẫn tồn tại và phát triển mạng lưới cũng như năng lực quân sự. Vào năm 2004, thủ lĩnh Hamas khi đó là Ahmed Yassin và người đồng sáng lập Abdel Aziz al-Rantisi đều đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với Israel ở Gaza.

CNN nhận định, cái chết của ông Haniyeh có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình hòa bình ở Gaza giữa Israel và Hamas. Nhà phân tích về chính trị và chính sách đối ngoại Barak Ravid cho hay, ông Haniyah không có vai trò quan trọng về mặt quân sự, nhưng ông chịu trách nhiệm về quan hệ quốc tế của nhóm. Ông cũng là người đối thoại chính với các bên trung gian như Ai Cập và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin với Israel ở Gaza. "Vụ ám sát ông ấy sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc đàm phán đó", ông nói. Điều đó có nghĩa là triển vọng Israel và Hamas có thể sớm tiến tới một thỏa thuận hòa bình có thể ngày càng xa vời hơn.

AN BÌNH

Hơn 60 người thân của ông Haniyeh thiệt mạng

Trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera hồi tháng 4, ông Haniyeh từng xác nhận 3 người con trai - Hazem, Amir và Mohammad - và các cháu của ông đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công. Hamas cũng xác nhận 4 đứa cháu của ông Haniyeh, gồm 3 cháu gái và một cháu trai, đã thiệt mạng. Vị thủ lĩnh cho biết họ bị giết hại khi đang thăm người thân trong dịp lễ Eid tại trại tị nạn Shati. "Từ máu của những người đã mất và nỗi đau của những người bị thương, chúng tôi tạo ra hy vọng, tương lai, độc lập và tự do cho nhân dân và quốc gia của chúng tôi", ông nói, đồng thời cho biết khoảng 60 thành viên gia đình ông đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

B.N

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/toan-canh-vu-thu-linh-hamas-bi-sat-hai-post298983.html