Toàn chuyện phiên phiến
'Phiên phiến' là khẩu ngữ, cũng ít người dùng. Đây là cụm từ rất thú vị, đại loại xuê xoa cho qua, không cần truy tận gốc, không cần biết tận cùng.
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ vừa có phát biểu rất mạnh mẽ dẫu không mới: "Đà Nẵng đã phát hiện ra rất nhiều, lên đến hàng trăm các dự án bất động sản có vướng mắc, khó khăn cũng như sai phạm. Đà Nẵng đã báo cáo và Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trước đây có những vấn đề chưa phù hợp về mặt pháp lý".
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo một thành phố nói thẳng về hiện trạng sai phạm trong xây dựng, trước đó, nhiều lãnh đạo khác chỉ nói những sự vụ cụ thể. Mà ngay cả sự vụ cụ thể đã được chỉ ra, đã được họp bàn, đã được khẳng định quyết tâm bằng phát ngôn... Vậy mà, cuối cùng đâu cũng lại vào đấy.
Đáng buồn thay, những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng đã và đang diễn ra ở khắp các địa phương vẫn không thể xử lý theo dạng phiên phiến.
1. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại phải vừa có lời về tòa nhà 8B Lê Trực khi tiếp xúc cử tri.
Hơn bốn năm đã trôi qua, rất nhiều lần lãnh đạo thành phố Hà Nội lẫn Trung ương đã nhắc về tòa nhà 8B Lê Trức, Nghị trường cũng từng rất nóng về tòa nhà này. Nhưng rồi, sau nóng thì lại nguội, sau nguội thì lại lạnh, sau lạnh thì đóng băng. Sai phạm vẫn cứ sai phạm.
Không chỉ có 8B Lê Trực, đầy rẫy là các sai phạm về xây dựng khác ở TP HCM, ở Nha Trang (Khánh Hòa), ở Đà Nẵng... toàn các thành phố lớn. Ở các thành phố lớn, người dân có cơ hội tiếp xúc với văn minh, với các phương tiện truyền thông, với sự thượng tôn pháp luật... mà còn bắt buộc phải chứng kiến những điều không thể tưởng tượng ra như thế này thì ở những địa phương khác biết là làm sao.
TP HCM, khi vụ việc 110 biệt thự xây dựng không phép ở quận 7 chưa giảm bớt nhiệt, thì dự án mười mấy nghìn căn hộ đang ầm ĩ xây dựng tại quận 2 bị phát hiện. Chủ đầu tư khăng khăng, Bộ Xây dựng nói công trình này không cần giấy phép xây dựng.
Sở Xây dựng TP HCM thì lại bảo: "Công trình chưa có giấy phép xây dựng tầng hầm, chưa nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng tầng hầm". Nghĩa là, cho dù Bộ Xây dựng đồng ý cho xây dựng không giấy phép thì vẫn còn những thủ tục pháp lý không được nhà đầu tư dự án tuân thủ. Vậy là, tạm ngưng thi công, phạt.
Tạm ngưng thi công thì không thi công nữa, phạt thì đóng phạt, đóng phạt xong sẽ hoàn thiện giấy phép để xây dựng tiếp.
Trên thực tế có rất nhiều công trình xây dựng có sai phạm, có dự án xây lụi, có dự án xây trên công sản không qua đấu giá, có dự án xây thêm tầng, có dự án chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy... muôn hình vạn trạng sai phạm liên quan đến xây dựng. Tuy nhiên, cái kỳ lạ nhất là rồi sau đó lại ổn cả thôi.
2. Mấy năm trước có hai vụ ồn ào xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa và TP HCM.
Vụ thứ nhất, một tiểu thương bị cưỡng chế vì xây dựng không phép. Dễ hiểu hơn là tiểu thương này dựng mấy cây sắt để căng bạt nilon che chắn hàng hóa. Lãnh đạo địa phương thấy vậy bèn vận dụng tất cả luật định để thành lập hội đồng cưỡng chế "công trình xây dựng không phép" kia. Cưỡng chế xong thì cũng là lúc tiểu thương phát đơn kiện quyết định của lãnh đạo địa phương, Tòa ra phán quyết hủy quyết định cưỡng chế ấy. Báo giới dạo đó liên tục đưa tin bài về vụ cưỡng chế có một không hai này.
Vụ thứ hai, có hộ dân ở Củ Chi. Người đàn ông trụ cột trong gia đình nuôi bò sữa, ngày nào cũng quần quật cắt cỏ chăm bò. Nhân hôm rảnh rỗi, bèn thuê thêm hai người nữa xây lại cái nhà vệ sinh vì nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp nghiêm trọng quá.
Cát đá xi măng đổ ra, vừa làm được một lát thì đoàn thanh tra xây dựng xuất hiện, lập biên bản công trình xây dựng không xin phép, yêu cầu không được tiếp tục xây dựng. Hai ông đang phụ làm thấy bóng dáng cán bộ sợ quá nên bỏ về, ông chủ nhà thấy vậy thôi cũng không tính chuyện trộn hồ trét xi-măng nữa.
Đoàn thanh tra xây dựng bỏ về, nghĩ để vật liệu xây dựng vậy cũng tiếc, ông chủ nhà len lén xây tiếp. Đang xây thì cán bộ lại xuất hiện, lần này thì cãi nhau to. Ông chủ nhà ức quá ném cây thước xây dựng trúng cán bộ, vậy là dính thêm tội "Chống người thi hành công vụ". Ra Tòa, đương nhiên đi tù.
Tiện thể kể hai vụ này thôi kể luôn vụ xây chuồng trại quy mô lớn ở Đồng Nai, mà chuồng trại này lại không có giấy phép.
Trại heo có quy mô hàng nghìn con trên phần diện tích 1,4 hecta, lãnh đạo huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đồng ý về chủ trương. Ngay lập tức, chủ trại heo cho xây dựng trang trại quy mô. Cái độc đáo là trang trại này xây ngay cạnh hồ Trị An, nơi cung cấp nguồn nước cho hơn 10 triệu dân đang sinh sống tại Đồng Nai lẫn TP HCM.
Thông tin này được báo giới loan tải, tạo nên cơn địa chấn bất an về khả năng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh... Đến lúc này, lãnh đạo huyện Định Quán mới vội vàng thanh minh công trình thế này, công trình thế kia và đình chỉ thi công. Nếu báo giới không phát hiện thì bây giờ hồ Trị An sẽ không biết ra sao nữa.
3. Những câu chuyện như tôi vừa nêu ra vốn dĩ thường xảy ra, xảy ra nhiều đến độ không ai còn quan tâm nữa. Người dân cơi nới một cái chuồng cu trên sân thượng cũng bị phát hiện, doanh nghiệp "động dao động thớt" chuẩn bị đại yến đãi tiệc vạn người chính quyền cũng không biết để mà giám sát, để mà đảm bảo "ai cũng như nhau trước pháp luật".
Cái dễ như vậy, cái sờ sờ trước mắt như vậy mà không làm được, thì biết trả lời làm sao khi dư luận đặt nghi ngờ về động cơ, về sân sau của lãnh đạo này lãnh đạo kia, về doanh nghiệp át vía luôn lãnh đạo địa phương đây?
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/toan-chuyen-phien-phien-553361/