Toàn dân hãy mua và sử dụng muối i-ốt để bảo vệ sức khỏe
Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh hoàn thành tốt mục tiêu Chương trình quốc gia về thanh toán các rối loạn do thiếu i-ốt vào năm 2005. Tuy nhiên, điều đáng lo là vẫn còn nhiều người dân chưa biết nhiều về lợi ích của muối i-ốt nên đã sử dụng muối thường trong chế biến thức ăn... khiến cho những kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, tình trạng thiếu i-ốt đang có nguy cơ quay trở lại.
Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt:
Một buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có chứa i-ốt tại huyện Mường Lát.
Do đó, việc tăng cường tuyên truyền để người dân biết và thực hành sử dụng muối i-ốt là vấn đề luôn được ngành y tế quan tâm.
Tại huyện Mường Lát, để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có chứa i-ốt trong bữa ăn hàng ngày, huyện luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền đến người dân. Ngành y tế phối hợp với các tổ chức đoàn thể lồng ghép triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thường xuyên.
Trao đổi với ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, được biết: Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện tập huấn chuyên môn cho cán bộ cơ sở về tuyên truyền người dân sử dụng muối i-ốt thay muối thường; tại các cửa hàng tạp hóa, ở các chợ, muối ăn có trộn i-ốt và các chế phẩm chứa muối i-ốt được bày bán rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những nỗ lực của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người dân dùng muối i-ốt đã góp phần nâng số hộ sử dụng muối i-ốt đạt 100%, trong đó có 25% dân số được Nhà nước hỗ trợ. Chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt trong đó có bệnh bướu cổ trên địa bàn huyện gần như đã hoàn thành (tỷ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8-10 tuổi không còn từ 5 năm nay, chỉ còn 45 người mắc bướu cổ, chủ yếu là phụ nữ tuổi trung niên).
Để hạn chế các bệnh rối loạn do thiếu hụt i-ốt, trong những năm qua, công tác phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt gây ra tại cộng đồng được thực hiện một cách hiệu quả. Ngành y tế đã triển khai khám, phát hiện và điều trị ngoại trú cho các bệnh nhân bị bệnh rối loạn do thiếu hụt i-ốt; giám sát chất lượng muối i-ốt tại nơi sản xuất, tại hộ gia đình và thị trường. Công tác tuyên truyền sâu rộng các kiến thức về phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh truyền thông đại chúng, hội nghị, phát tờ rơi được thường xuyên triển khai... Nhờ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ mắc bướu cổ và các rối loạn do thiếu hụt i-ốt. Đến nay, việc mua và sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có i-ốt trong bữa ăn đã trở thành thói quen đối với nhiều gia đình.
Để duy trì bền vững các mục tiêu phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt gây ra, hàng năm Bệnh viện Nội tiết tỉnh đều tăng cường triển khai các hoạt động khám, phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt gây ra; tổ chức tuyên truyền về các rối loạn do thiếu i-ốt lồng ghép với các buổi tuyên truyền về tăng huyết áp, đái tháo đường; phối hợp các trạm y tế, cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn tổ chức nói chuyện chuyên đề, cấp phát sổ tay truyền thông; tổ chức giám sát chất lượng muối i-ốt tại nơi sản xuất, thị trường bán lẻ và hộ gia đình để kiểm tra, đánh giá kết quả đạt chuẩn; đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại do thiếu i-ốt đối với sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ nhỏ; tập huấn chuyên môn cho cán bộ cơ sở về kiểm tra, giám sát chất lượng muối tại cộng đồng, phát hiện, phân loại các bệnh do thiếu hụt i-ốt gây ra... Trong năm 2020, Bệnh viện Nội tiết tỉnh đã khám bệnh bướu cổ học đường cho 4.757 học sinh từ 8 đến 10 tuổi, phát hiện 280 học sinh mắc bướu cổ, chiếm tỷ lệ 5,8%. Hàng năm, có khoảng 70.000 lượt khám bệnh ngoại trú tại bệnh viện, trong đó điều trị nội trú gần 5.000 lượt, mổ bướu cổ khoảng 800 ca. Đặc biệt, bệnh viện đã được chuyển giao, triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp giúp cho người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Theo các nhà chuyên môn, i-ốt là vi chất rất cần thiết cho đời sống con người. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 10gam muối/ngày, trong đó lượng i-ốt cần cung cấp là 100-150 mcg i-ốt/ngày. Nhu cầu i-ốt thay đổi theo lứa tuổi, giai đoạn phát triển: Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi cần 40 mcg, từ 7 đến 12 tháng tuổi cần 50 mcg, từ 1 đến 3 tuổi cần 70 mcg, từ 4 đến 9 tuổi cần 120 mcg, từ 10 đến 13 tuổi cần 140 mcg, từ 14 tuổi trở lên cần 150 mcg, phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần 200 mcg. Đối với người lớn, i-ốt giúp điều hòa thân nhiệt cơ thể. Thiếu i-ốt dẫn đến tình trạng thân nhiệt giảm, cảm thấy người lạnh trong khi nhiệt độ ngoài trời vẫn cao. I-ốt hỗ trợ chuyển hóa chất dinh dưỡng, năng lượng, điều phối oxy cho các tế bào, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Tuyến giáp nếu không được bổ sung đầy đủ i-ốt sẽ phình to lên, gây ra bệnh bướu cổ. Ngoài ra, i-ốt còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Đối với phụ nữ mang thai, i-ốt ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi, nhất là trong giai đoạn từ 3 đến 5 tháng tuổi; thiếu hụt i-ốt gây chậm phát triển trí não của thai nhi, trẻ sinh ra có thể bị đần độn, thiểu năng trí tuệ...
Hưởng ứng Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt (2-11), ngành y tế đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đợt truyền thông cao điểm trong cộng đồng nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, quan tâm chỉ đạo sát sao và thực hiện hiệu quả các hoạt động nhằm duy trì bền vững các mục tiêu Chương trình phòng chống rối loạn do thiếu hụt i-ốt. Vì sức khỏe và trí tuệ của thế hệ tương lai, mỗi người dân cần quan tâm sử dụng muối i-ốt hàng ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần duy trì thành quả của Chương trình quốc gia phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng.