'Toán khó' EVN phải 'giải' khi điều chỉnh đầu tư nhiệt điện hơn 50 ngàn tỷ
'Việc chuyển đổi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II từ nhiên liệu than sang khí LNG để hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường là điều cần thiết, phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam. Nhưng đây là dự án cần huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn trong bối cảnh EVN đang đối mặt với những khó khăn về tài chính', Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh trao đổi với PLVN.
Đầu tháng 9/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhiệt điện LNG Quảng Trạch II, địa điểm tại Khu kinh tế Hòn La, Quảng Bình.
Trước đó - ngày 18/2/2021, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 215/QĐ-TTg, do EVN làm chủ đầu tư, có công suất 1.200 MW, sử dụng nhiên liệu than, với tổng mức đầu tư là 48.156 tỷ đồng.
Nhưng sau đó, trên cơ sở đề nghị của tỉnh Quảng Bình và EVN, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí LNG, với công suất 1.500 MW.
Việc chuyển đổi Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II từ dùng than sang khí, nhằm hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Với chủ trương này, công suất nhà máy đã được điều chỉnh từ 1.200 MW lên 1.500 MW, tổng mức đầu tư cũng được nâng lên 52.490 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 20%, vốn vay chiếm 80% tổng mức đầu tư.
Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tài Anh, các đơn vị chức năng của EVN đang tích cực triển khai xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để trình cấp thẩm quyền phê duyệt đầu năm 2025, và dự kiến sẽ khởi công công trình vào đầu năm 2026.
“EVN là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư dự án cũng như quản lý vận hành các dự án điện sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp giống như Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II. Nhưng đây là một dự án cần huy động nguồn vốn rất lớn, ngoài ra còn phải nhập khí LNG để vận hành nên phải tính toán thật phù hợp, hiệu quả và đặc biệt là phải có thời gian để thu xếp những công việc này”, ông Nguyễn Tài Anh nói.
Đại diện EVN cho biết, khi thế giới đang chuyển đổi năng lượng xanh và sạch, việc vay vốn để triển khai nhiệt điện than là điều không dễ nên cần tập trung huy động nguồn lực để triển khai nhiệt điện khí.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II sử dụng phần lớn vốn vay thương mại, trong bối cảnh EVN hai năm vừa qua liên tiếp lỗ lớn là một khó khăn. Cụ thể, mức lỗ lũy kế trong hai năm 2022 - 2023 của EVN là hơn 47.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các quy định về định mức tín dụng của doanh nghiệp trong quan hệ với các ngân hàng thương mại cũng là một trở ngại, vì phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước đều đã vượt giới hạn cấp tín dụng đối với EVN/EVN và người có liên quan.
Được biết, để đáp ứng nhu cầu điện năng trong giai đoạn 2025 - 2030, EVN phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện, với tổng giá trị đầu tư hàng năm có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Trong khi, trung tuần tháng 8 vừa qua, EVN mới nhận được cái “gật đầu” từ phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) về khoản tín dụng đầu tư nhà nước dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng, ưu tiên trong giai đoạn 5 năm tới.