Toàn ngành đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Sáng 19/8, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, toàn ngành Giáo dục nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: GD

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: GD

Nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với đà tăng trưởng khá và nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với cả nước, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; thực hiện các nhiệm vụ công tác năm của Chính phủ cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Đây cũng là thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Trung ương Đảng đổi mới giáo dục và đào tạo; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cùng các nhiệm vụ quan trọng khác.

Theo Bộ trưởng, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng của Thủ tướng là “học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”, cùng với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của phụ huynh học sinh. Đặc biệt, với sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên; toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, rất tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội.

Cụ thể, toàn ngành đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Quá trình triển khai 12 tháng qua đã đạt được hầu hết mục tiêu, kế hoạch; là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tại đây, chúng ta đánh giá toàn diện việc triển khai nhiệm vụ của năm học vừa qua, đánh giá sâu những kết quả đạt được, những điểm còn hạn chế, những bài học kinh nghiệm và những giải pháp khắc phục những vấn đề còn bất cập và giải pháp cần đưa ra.

"Chúng ta cùng nhau xác định, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; là năm Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng, là thời điểm toàn ngành tích cực và phấn đấu triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng với nhiểu giải pháp, nhiệm vụ lớn; là năm kết thúc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018", Bộ trưởng nói.

Khó khăn cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, công tác soạn thảo một số văn bản còn chậm tiến độ, đặc biệt là các văn bản có ảnh hướng lớn đến định hướng phát triển toàn ngành như: Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: GD

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: GD

Thứ hai là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề... Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Việc dồn dịch các điểm trường lẻ còn gặp nhiều hạn chế.

Tiếp theo là công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế. Chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế; tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ chưa bền vững.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhất là nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề mới còn hạn chế. Tỷ lệ học sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ rất thấp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mong nhận được các ý kiến của các ban, bộ, ngành trung ương; các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của các địa phương và trên cơ sở đó tham góp các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/toan-nganh-day-manh-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-20240819090723224.htm