Toàn ngành giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh chuẩn bị chu đáo. Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, năm học 2021 - 2022, quy mô trường, lớp, số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh có thay đổi gì so với năm học trước?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Đến thời điểm hiện nay, cơ bản việc sắp xếp trường, lớp để chuẩn bị đầu năm học 2021 - 2022 tương đối ổn định, toàn tỉnh có 490 trường (470 trường công lập, 20 trường ngoài công lập), giảm 9 trường so với cùng kỳ năm trước. Số học sinh dự kiến khoảng 275.000 em với 8.600 lớp, tăng khoảng 3.000 em và 200 lớp so với cùng kỳ, đạt khoảng 99% chỉ tiêu kế hoạch giao. Trên cơ sở thực hiện kế hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn theo Quyết định số 494/QĐ-UBND, ngày 27-2-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh, nhìn chung các địa phương thực hiện cơ bản đúng yêu cầu kế hoạch.

Hệ thống mạng lưới trường lớp tiếp tục được kiện toàn và phát triển đều khắp, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa số trẻ và học sinh trong độ tuổi đến trường. Việc phát triển mạng lưới trường học phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Vào hè mỗi năm học, Sở GD-ĐT đã tiến hành thực hiện rà soát, điều chỉnh và sắp xếp lại trường lớp, đảm bảo yêu cầu giảng dạy của giáo viên và điều kiện học tập của học sinh trong năm học mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phóng viên: Trước yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành GD-ĐT tỉnh có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cho năm học mới như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Để đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2021 - 2022 (thực hiện đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6), được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu để triển khai thực hiện cho năm học mới. Cụ thể: kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt là 94,5 tỉ đồng; kinh phí mua sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 là 5,8 tỉ đồng. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp các điểm trường đảm bảo cơ sở vật chất, vệ sinh, nước sạch, sân chơi, môi trường... đồng bộ hóa các điểm trường đạt chuẩn quốc gia. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất năm 2022 trên 503 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục tiếp tục huy động các nguồn lực của xã hội để đóng góp cho ngành giáo dục cả về vật chất, kinh phí và tinh thần đảm bảo điều kiện tối thiểu cho giáo dục có đủ nguồn lực phát triển.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT tỉnh có phương án tổ chức dạy học ra sao?

Đồng chí Châu Tuấn Hồng: Thực hiện Quyết định số 2156/QĐ-UBND, ngày 23-8-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở phân loại cấp độ nguy cơ của các vùng, ngành GD-ĐT xây dựng phương án để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 như sau:

Phương án 1: Tất cả các vùng đều trong trạng thái “bình thường mới” (vùng xanh): Khai giảng năm học vào ngày 5-9 (theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT). Từ ngày 6-9 đến ngày 14-9, ổn định nề nếp, sắp xếp tổ chức lớp, tạo điều kiện cho học sinh đầu cấp làm quen với trường lớp, nhất là trẻ mầm non và học sinh lớp 1; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cho năm học mới (trừ những trường đang trưng dụng làm khu cách ly và khu điều trị).

Thực hiện chương trình: Bắt đầu thực hiện chương trình từ ngày 15-9-2021 theo kế hoạch bằng hình thức trực tiếp (trong thời gian đầu khuyến cáo chỉ học 1 buổi, không tổ chức học bán trú và học 2 buổi/ngày).

Đối với các cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly: Các trường đang được trưng dụng làm khu cách ly, khu điều trị không tổ chức khai giảng.

Các trường lân cận liên kết với nhau sắp xếp bố trí lại quy mô lớp, số lượng học sinh/lớp, giảm số lớp dạy 2 buổi/ngày… để có đủ phòng học tổ chức dạy học trực tiếp. Ngoài ra, có thể tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và các hình thức phù hợp khác, tùy theo tình hình và điều kiện của từng đơn vị, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú nếu còn khó khăn về ký túc xá hoặc về điều kiện sinh hoạt nội trú thì trước mắt tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.

Phương án 2: Trên địa bàn tỉnh chỉ còn “vùng xanh”, “vùng vàng”:

Các trường trong “vùng xanh”: thực hiện như phương án 1.

Các trường trong “vùng vàng”: khai giảng năm học vào ngày 5-9. Tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi, tổ chức khai giảng năm học vào ngày theo hình thức phù hợp (ngắn gọn, quy mô nhỏ), trừ những trường đang trưng dụng làm khu cách ly và khu điều trị. Từ ngày 6-9 đến ngày 14-9, ổn định nề nếp, sắp xếp tổ chức lớp, tạo điều kiện cho học sinh đầu cấp làm quen với trường lớp, nhất là trẻ mầm non và học sinh lớp 1; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cho năm học mới (trừ những trường đang trưng dụng làm khu cách ly và khu điều trị).

Tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15-9-2021 theo kế hoạch, tổ chức chia lớp thành 2 nhóm luân phiên học trực tiếp, trực tuyến và các hình thức phù hợp khác.

Đối với các cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly: Các trường đang được trưng dụng làm khu cách ly, khu điều trị không tổ chức khai giảng.

Các trường lân cận liên kết với nhau sắp xếp bố trí lại quy mô lớp, giảm, giãn số lượng học sinh trong phòng học, bố trí học 1 buổi (ca sáng và chiều), bố trí lệch giờ học, tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và các hình thức phù hợp khác, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện của từng đơn vị. Thực hiện khử khuẩn thường xuyên và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Phương án 3: Trường hợp trên địa bàn tỉnh có “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ”:

Các trường trong “vùng xanh”: thực hiện như phương án 1.

Các trường trong “vùng vàng”: thực hiện như nội dung phương án 2.

Các trường trong “vùng cam”, “vùng đỏ” không tổ chức khai giảng.

Thời gian từ ngày 5-9 đến ngày 14-9, sẽ tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để phụ huynh và các em trong độ tuổi đến trường biết thời gian bắt đầu năm học mới và hình thức tổ chức dạy học, thực hiện chương trình (học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác) để cha mẹ học sinh và các em có bước chuẩn bị.

Tổ chức thực hiện chương trình từ ngày 15-9-2021 theo kế hoạch, tổ chức học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác.

Ngoài ra, tùy hình hình diễn biến, Sở GD-ĐT phối hợp với UBND các huyện thông qua phòng GD-ĐT sẽ điều chỉnh thời gian và cách thức tổ chức thực hiện chương trình một cách phù hợp nhất nhưng không trễ hơn 15 ngày so với quy định của Bộ GD-ĐT. Trong thời gian này, các trường chủ động triển khai chương trình bằng các hình thức phù hợp để học sinh có thể học tập tạm thời; sau khi học sinh được trở lại trường, giáo viên sẽ tiếp tục bổ sung kiến thức cho học sinh kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chương trình và chất lượng theo quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly: Tạm dừng tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện của từng đơn vị.

Di chuyển của giáo viên và học sinh giữa các vùng:

Học sinh: Đối với trường hợp học sinh đang ở vùng có nguy cơ cao hơn sang học ở vùng có nguy cơ thấp hơn (trừ "vùng đỏ") và ngược lại thì áp dụng theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND, ngày 16-8-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và quy định chung của ngành y tế, thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” khi đi học (từ nhà đến trường và từ trường về nhà).

Đối với học sinh cư trú ở "vùng đỏ" thì không di chuyển sang vùng khác để học. Nhà trường có các biện pháp tổ chức học theo nhóm, học trực tuyến, học có hỗ trợ… hoặc bằng hình thức phù hợp khác; sau khi các em trở lại trường học bình thường thì giáo viên có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung thêm kiến thức đầy đủ theo chương trình dạy.

Giáo viên: Giáo viên thường trú và giảng dạy trong cùng một vùng (trừ "vùng đỏ") thì thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”. Đồng thời thực hiện đảm bảo các quy định về công tác phòng, chống dịch. Trường hợp giáo viên đang ở vùng có nguy cơ cao hơn sang công tác ở vùng có nguy cơ thấp hơn (trừ "vùng đỏ") và ngược lại, các trường phải chủ động phương án riêng, có thể bố trí dạy thay hoặc sắp xếp tổ chức theo phương án “3 tại chỗ” cho giáo viên và thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND, ngày 16-8-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh và quy định chung của ngành y tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

H.NHƯ (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/giao-duc/toan-nganh-giao-duc-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-moi-thich-ung-voi-tinh-hinh-dich-benh-51248.html