Toàn thế giới có trên 111 triệu ca mắc COVID-19

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Ba Lan, ngày 18/2/2021. Ảnh: PAP/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 20/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có hơn 111,2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó hơn 2,46 triệu người đã tử vong.

Số người nhiễm đã phục hồi trên toàn cầu đến nay là hơn 86,1 triệu người, trong khi số người cần điều trị tích cực chiếm 0,4% trong tổng số hơn 22,5 triệu ca nhiễm còn lại.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh với hơn 28,6 triệu ca nhiễm, trong đó 507.746 ca tử vong. Tiếp sau đó là Ấn Độ với hơn 10,9 triệu ca nhiễm, trong đó 156.240 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba với hơn 10,0 triệu ca nhiễm, trong đó 244.955 ca tử vong.

Tại khu vực châu Mỹ, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Mexico và Mỹ đã nhất trí kéo dài thêm một tháng lệnh hạn chế đi lại qua biên giới chung, đến ngày 21/3 tới. Với quyết định này, lệnh hạn chế đi lại qua biên giới Mỹ - Mexico đã được thi hành đúng một năm, từ tháng 3 năm ngoái. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết việc kéo dài lệnh hạn chế đi lại sẽ không ảnh hưởng tới công dân Mexico sang Mỹ làm việc và ngược lại.

Hiện giới chức hai nước đã nhất trí được về danh mục các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động giao thương qua biên giới. Ngày 19/2, Mexico ghi nhận thêm 7.829 ca nhiễm với và 857 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 2.030.491 ca và 178.965 ca.

Trong khi đó, theo mô hình dịch bệnh mới được Chính phủ Canada công bố, các biện pháp y tế công cộng hiện tại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 có thể sẽ không đủ để ngăn chặn các biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2, khiến Canada có nguy cơ rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ ba dữ dội và khốc liệt hơn trong mùa xuân này.

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn thông báo từ Cơ quan y tế công cộng Canada cho biết các tỉnh và vùng lãnh thổ của nước này đang kiểm soát thành công làn sóng lây nhiễm thứ hai nhưng thành quả này có thể sớm “tan thành mây khói” khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại quốc gia Bắc Mỹ này.

Theo bà Theresa Tam, người đứng đầu cơ quan trên, việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng sẽ khiến dịch bệnh bùng nhanh và mạnh hơn. Bà Tam đưa ra cảnh báo trên sau khi các tỉnh Quebec, Alberta và Manitoba dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và cho phép nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, trong khi tỉnh Ontario cũng nới lỏng các biện pháp bên ngoài khu vực đại đô thị Toronto.

Hiện tại Canada đã có hơn 660 trường hợp nhiễm biến thể B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh vốn không chỉ có khả năng lây lan hơn mà còn khiến bệnh diễn biến nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong. Tính đến nay đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 21.560 người ở Canada trong tổng số 839.603 người mắc bệnh.

Tại khu vực châu Á, Trung Quốc đại lục có thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là các ca nhập cảnh, trong ngày 19/2. Theo Ủy ban Y tế quốc gia, đây là ngày thứ 5 liên tiếp, Trung Quốc đại lục không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, và không có ca tử vong do COVID-19.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này có thêm 446 ca nhiễm mới, trong đó 414 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 86.574 ca. Theo KDCA, trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có thêm 3 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 1.553 người.

Về vấn đề phát triển vắcxin ngừa COVID-19, Serbia trở thành trung tâm sản xuất vắcxin Sputnik V của Nga ở Tây Balkan. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết nước này có thể sản xuất 20 triệu liều vắcxin Sputnik V của Nga.

Hiện một phái đoàn gồm các chuyên gia Nga đã đến Serbia vào giữa tháng 2 này để khảo sát các điều kiện công nghệ cho giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất vắcxin. Do đó, Serbia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu sản xuất vắcxin Sputnik V.

Croatia cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán ban đầu để mua vắcxin Sputnik V của Nga mặc dù loại vắcxin này vẫn chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu chấp thuận. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết nước này muốn tìm kiếm các cơ hội khác để mua các loại vắcxin tiềm năng như Sputnik V, vì việc phân phối vắcxin đã bị chậm ở Liên minh châu Âu (EU).

Croatia đã đặt hàng 1,9 triệu liều vắcxin Pfizer/BioNTech, 1 triệu liều vắcxin Moderna, 2,7 triệu liều vắcxin AstraZeneca và 900.000 liều vắcxin bổ sung từ Johnson&Johnson. Hiện nước này đã bắt đầu thủ tục đăng ký tiêm chủng tại EU.

Tại khu vực Trung Đông, phóng viên TTXVN dẫn thông tin trên kênh PressTV ngày 19/2 cho biết Iran đã thiết lập phòng xét nghiệm phân tử hoàn toàn tự động đầu tiên để phục vụ cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Phòng xét nghiệm này được đặt ở thủ đô Tehran và có khả năng xử lý được hơn 10.000 mẫu xét nghiệm PCR mỗi ngày.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Massoud Mardani đến từ Trung tâm quốc gia chống dịch COVID-19 của Iran cho biết việc thiết lập các phòng thí nghiệm chuyên môn quy mô lớn để tiến hành các xét nghiệm phân tử đang là một nhu cầu cấp thiết.

Phòng xét nghiệm ở thủ đô Tehran là chiếc đầu tiên thuộc loại này trong khu vực và do các nhà đầu tư tư nhân xây dựng với tổng kinh phí 2 triệu USD. Theo thống kê, trong ngày 19/2 Iran đã có thêm 8.017 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc đến nay lên hơn 1.558.000 người.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Lancet, vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech hiệu quả 85% trong việc phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khoảng 2-4 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên.

Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra vắcxin nói trên hiệu quả 95% một tuần sau mũi tiêm thứ hai. Nghiên cứu được tiến hành với hơn 9.000 nhân viên y tế tại bệnh việm Sheba lớn nhất của Israel, nơi đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà từ ngày 19/12/2020 với tốc độ nhanh nhất thế giới.

Khoảng 7.000 người trong số này được tiêm liều đầu tiên vắcxin Pfizer/BioNTech và những người còn lại không được tiêm. 170 người được chẩn đoán mắc COVID-19 sau khi tiến hành xét nghiệm những người có triệu chứng bệnh hoặc đã tiếp xúc với người mang virus. 52% trong số này thuộc nhóm chưa tiêm phòng.

So sánh hai nhóm, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Sheba đã tính toán rằng vắcxin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 47% trong 1-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên và tăng lên 85% sau 15-28 ngày.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Gili Regev-Yochay cho biết: "Điều chúng tôi thấy là hiệu quả thực sự cao ngay sau 2 tuần, trong vòng 2-4 tuần sau khi tiêm, có thể giảm 85% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng”. Ông cũng cho biết thêm rằng dù vắcxin "có hiệu quả tuyệt vời", các nhà khoa học vẫn nghiên cứu xem liệu những người được tiêm vắcxin đầy đủ có thể truyền virus cho người khác hay không.

Trong diễn biến khác, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 19/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, Đức và các nước công nghiệp giàu có cần phải phân bổ lượng vắcxin đã đặt mua cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Merkel cho biết vấn đề cơ bản là công bằng và thế giới chỉ có thể chiến thắng được đại dịch COVID-19 khi mọi người trên thế giới đã được tiêm chủng.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết các nước G7 hiện vẫn chưa thảo luận tỉ lệ cụ thể kho vắcxin của mỗi nước có thể phân bổ cho các nước nghèo. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng cho biết Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ bổ sung 1,5 tỉ euro giúp các nước nghèo tiếp cận với vắcxin phòng COVID-19.

Khoản tài chính của Đức sẽ giúp hỗ trợ các chương trình như sáng kiến phân bổ vắcxin COVAX và Chương trình Hợp tác Toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) trong việc phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vắcxin, thuốc điều trị, công cụ xét nghiệm, phương pháp điều trị và chẩn đoán trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, với khoản tài chính bổ sung, Đức là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến đẩy lui đại dịch COVID-19 khi tổng khoản cam kết của Đức lên tới 2,2 tỉ euro.

Liên quan tới chính quyền mới ở Mỹ, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh sự chuyển đổi chính quyền ở Mỹ đã giúp củng cố chủ nghĩa đa phương khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy hợp tác quốc tế. Bà nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nhau của các nước trên thế giới. Sáng kiến ACT-A cho đến nay đã cam kết được 10,3 tỉ USD, trong đó 7,5 tỉ USD là của các nước G-7.

Theo Thủ tướng Đức, các nước G7 cũng sẽ giải quyết vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu sau đại dịch một cách "tốt hơn và bền vững hơn", cụ thể là việc củng cố các tổ chức quốc tế.

Liên quan vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng khẳng định những cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19 cần phải được ứng phó với một câu trả lời toàn cầu và Chính phủ Đức chủ trương hướng tới một cách tiếp cận chung, đa phương, như sáng kiến ACT-A do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối.

Theo Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ), các nước giàu cho đến nay đã đảm bảo có được 2/3 tổng lượng vắcxin toàn cầu, dù các nước này chỉ chiếm 16% dân số thế giới.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252487/toan-the-gioi-co-tren-111-trieu-ca-mac-covid-19.html