Toàn thế giới đã ghi nhận trên 134,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 9/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 134.743.276 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.918.688 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 108.450.880 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 573.928 ca tử vong trong tổng số 31.724.850 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 345.287 ca tử vong trong số 13.286.324 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 167.839 ca tử vong trong số 13.093.471 bệnh nhân.
Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ghi nhận tới trên 7.400 ca nhiễm mới - mức tăng theo ngày cao nhất trong năm nay. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng 8,1%, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh đang vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trong cuộc họp trực tuyến với các thủ hiến bang, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ đạo tất cả các bang và vùng lãnh thổ liên bang tập trung vào việc xét nghiệm và phong tỏa cục bộ để hạn chế sự lây lan của virus SARS CoV-2. Hiện nhiều bang đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế để kiểm soát dịch bệnh.
Tại Nhật Bản, tổng số ca nhiễm ở nước này đã vượt 500.000 người, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19. Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản khá nhanh, chỉ mất hai tháng để số ca nhiễm tăng thêm 100.000 ca từ mức 400.000 ca hồi đầu tháng 2.
Trong 3 ngày liên tiếp, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản đều ở mức hơn 3.000 người. Do đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định cho phép chính quyền thủ đô Tokyo, tỉnh Kyoto và tỉnh Okinawa áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 12/4 tới. Dự kiến, các biện pháp này sẽ được dỡ bỏ ở các tỉnh Kyoto và Okinawa vào ngày 5/5 và ở thủ đô Tokyo vào ngày 11/5.
Giới chức y tế Hàn Quốc cũng cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với làn sóng dịch mới mạnh hơn, với khả năng số ca lây nhiễm theo ngày có thể tăng gấp đôi trong những tuần tới. Mặc dù vậy, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ không nâng mức giãn cách xã hội mà tiếp tục duy trì các hạn chế như hiện nay trong 3 tuần nữa.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận 671 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 644 ca lây nhiễm cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 108.269 ca. Số ca mắc mới giảm so với mức cao nhất trong 3 tháng là 700 ca, nhưng vẫn ở mức trên 668 ca. Số ca tử vong do COVID-19 của Hàn Quốc là 1.764 ca.
Mông Cổ cũng đã quyết định ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc sau khi số ca mắc mới trong nhiều ngày qua ở mức trên 500 ca/ngày, chủ yếu tại thủ đô Ulan Bator với 3,3 triệu dân. Biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 10/4 đến ngày 25/4.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong một ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 576 ca, trong đó có thủ đô Phnom Penh (544 ca), tỉnh Svai Rieng (16 ca), Preah Sihanouk (12 ca), Siem Reap (2 ca), Kandal (1 ca), Kampong Cham (1 ca).
Trước tình hình lây nhiễm nghiêm trọng hiện nay, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vadine kêu gọi người dân nên đón Tết Khmer truyền thống ở nhà (từ ngày 14 - 16/4), thực hiện triệt để các hướng dẫn về phòng chống dịch gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với người khác.
Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm giải trí, tiệm massage và những tụ điểm ban đêm khác tại 41/77 tỉnh trên toàn quốc trong ít nhất 14 ngày, kể từ ngày 10/4. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đợt bùng phát gần đây của dịch COVID-19 lây lan từ các quán rượu và câu lạc bộ ở khu vực Thong Lor của thủ đô Bangkok. Biện pháp này sẽ được áp dụng cho tới ít nhất ngày 23/4.
Trong khi đó, Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết số ca tử vong COVID-19 tại châu Âu đã vượt quá 1 triệu ca, cụ thể là 1.001.313 người đã tử vong. Theo số liệu của worldometers.info, tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 của "Lục địa Già" hiện là 41.201.266 người.
Tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại nhiều nước như Đức, Pháp, Séc... Hiện Pháp có số người nhiễm bệnh cao nhất châu lục - trên 4,9 triệu người, trong đó hơn 98.000 người đã tử vong. Tổ chức các bệnh viện AP-HP của Pháp dự báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 trong nước sẽ lên tới đỉnh dịch vào ngày 20/4 tới. Tổ chức này cũng ước tính rằng sẽ chỉ có khoảng 2.000 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại các khu vực chăm sóc đặc biệt ở thủ đô Paris trong giai đoạn đỉnh dịch.
Với 2,9 triệu bệnh nhân và tốc độ lây lan gia tăng trong những ngày qua, giới chức Đức không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để dập tắt làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay càng sớm càng tốt.
Hungary cũng đã quyết định lùi thời điểm mở cửa trở lại các trường trung học cơ sở tới ngày 10/5, tức là thêm 3 tuần nữa, sau khi giáo viên và học sinh đề nghị chưa mở cửa lại trường học do lo ngại dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc mở cửa lại các trường tiểu học cơ sở.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phải nộp phạt vì vi phạm quy định giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 khi tổ chức một buổi gặp mặt gia đình mừng sinh nhật. Khoản tiền phạt là 20.000 krone Na Uy, tương đương 2.352 USD. Tháng trước, Thủ tướng Solberg đã lên tiếng xin lỗi người dân vì đã tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình cùng 13 người thân trong gia đình tại một khu nghỉ dưỡng hồi cuối tháng 2 vừa qua, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người.
Trong khi đó, một nghiên cứu do Cơ quan Y tế công vùng England (Anh) thực hiện và công bố cho thấy trong tháng 3 vừa qua, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai nhanh chóng tại vùng này đã góp phần ngăn ngừa hơn 10.000 ca tử vong ở những người ngoài 60 tuổi.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đang có “sự mất cân bằng nghiêm trọng” về phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới và hầu hết các nước không có đủ vaccine cho các nhóm nguy cơ cao. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO nêu rõ nếu ở những nước thu nhập cao, trung bình cứ 4 người thì có xấp xỉ 1 người đã nhận vaccine COVID-19, thì ở những nước thu nhập thấp, tỷ lệ là hơn 500 người mới có 1 người.
Vì vậy, Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) Di Cương kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại "chủ nghĩa dân tộc vaccine" và hợp tác về chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 để có thể sớm kiềm chế đại dịch và thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Mặc dù "hộ chiếu vaccine" đang được xem là một trong những giải pháp giúp khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới, nhưng vấn đề này lại làm gia tăng vấn nạn "hộ chiếu vaccine" giả. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo các "hộ chiếu vaccine" đang được bày bán tràn lan trên mạng với mức giá "bèo bọt", làm dấy lên lo ngại về mức độ đáng tin cậy của những chứng nhận tiêm chủng này.
Theo ông Beenu Arora, nhà sáng lập công ty tình báo mạng Cyble, hàng trăm trang web tối (dark web) đã mọc lên để bán các "hộ chiếu vaccine" giả với giá rẻ mạt... chỉ khoảng 12 USD, khiến cuộc sống của cộng đồng gặp rủi ro.
Tuần trước, 45 quan chức tư pháp hàng đầu tại Mỹ đã ký bức thư kêu gọi những người đứng đầu các trang Twitter, eBay và Shopify khẩn trương hành động nhằm ngăn chặn các nền tảng của họ bị lợi dụng để bán các tấm thẻ vaccine ngừa COVID-19 giả mạo.