Toàn thế giới đã ghi nhận trên 226,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h00 ngày 14/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 226.848.211 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.666.397 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 203.608.297 người.

Học sinh đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt để phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Học sinh đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt để phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức khó lường, do sự hoành hành của biến thể Delta cùng nguy cơ có thể có thêm nhiều biến thể mới xuất hiện trong thời gian tới, nhiều nước trên thế giới đã chuyển từ phương châm phòng, chống dịch bệnh sang chiến lược sống chung an toàn với COVID-19.

Tại Campuchia, hàng trăm trường trung học trên nhiều tỉnh thành đã chính thức mở cửa trở lại trong bối cảnh gần 2 triệu thanh thiếu niên trên cả nước đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Theo quy định, toàn bộ các giáo viên, nhân viên trường học và học sinh phải xuất trình thẻ tiêm chủng trước khi được vào trường. Các giáo viên và nhân viên trên 50 tuổi chưa được tiêm vaccine vì lý do sức khỏe và những học sinh có bệnh nền nên chưa chủng ngừa bắt buộc phải dạy và học online.

Để ngăn ngừa nguy cơ có thể lây lan trong trường học, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã đề ra các hướng dẫn quy định an toàn sức khỏe chặt chẽ cùng những phương án xử lý tình huống. Theo đó, mỗi trường học phải tổ chức một phòng y tế riêng, có đủ trang thiết bị sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; các trường được phép cho ngừng hoạt động lớp học nếu phát hiện có dịch lây lan trong học sinh; kiểm tra thân nhiệt toàn bộ học sinh, nhân viên, giáo viên và du khách trước khi vào trường. Đeo khẩu trang liên tục là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả giáo viên, học sinh và nhân viên khi vào trường học... Hoạt động bán thức ăn trong và ngoài trường bị cấm cho tới khi có thông báo mới.

Dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương tại Bangkok, Thái Lan,ngày 8/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương tại Bangkok, Thái Lan,ngày 8/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn Thái Lan đang chuẩn bị cho giai đoạn hai mở cửa lại đất nước và mở cửa trường học trong thời gian tới. Theo đó, thủ đô Bangkok cùng các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch từ ngày 1/10. Sau đó, 21 tỉnh khác sẽ mở cửa vào ngày 15/10.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Bộ Y tế Thái Lan đã nhất trí về một bộ quy định và hướng dẫn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại các trường học, theo đó, các trường học cũng sẽ phải đảm bảo rằng ít nhất 85% học sinh và nhân viên được tiêm chủng trước khi được phép mở cửa lại. Ở những khu vực có tốc độ lây truyền và các ca bệnh đặc biệt cao, như tại 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm bao gồm cả Bangkok, số lượng học sinh trong lớp học sẽ được giới hạn ở mức 25 học sinh, đồng thời nhân viên và học sinh sẽ được xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm kháng nguyên (ATK). Ngoài ra, các trường học cần lập khu vực cách ly để ngăn chặn lây lan nếu phát hiện ra các ca nhiễm bệnh.

Thái Lan ngày 15/9 ghi nhận 13.798 ca mới và 144 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên hơn 1,42 triệu ca, trong đó có 14.765 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Malaysia, các cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch nổi tiếng chuẩn bị mở cửa đón khách du lịch trong tuần này, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tiến tới hồi phục kinh tế sau khủng hoảng COVID-19. "Thiên đường du lịch” Langkawi, gồm 99 hòn đảo nhỏ tại Eo Malacca, sẽ mở cửa đón những du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ ngày 16/9, theo kế hoạch “bong bóng du lịch” nội địa. Mô hình này học hỏi kế hoạch mở cửa du lịch trở lại của Thái Lan thử nghiệm đối với hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket. Tuy nhiên, hiện Malaysia chưa mở cửa đón khách du lịch nước ngoài.

Tại Singapore, kể từ ngày 15/9, hầu hết những người từ 12-50 tuổi mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, không có bệnh lý nền nghiêm trọng và đã được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ sẽ được điều trị tại nhà. Những người này sẽ nhận được lệnh cách ly 10 ngày và có thể phải đeo thiết bị giám sát điện tử để đảm bảo luôn ở trong phòng riêng tại nhà.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại nhà sẽ được một nhà cung cấp dịch vụ y tế từ xa đánh giá vào ngày đầu tiên của quá trình điều trị nhằm đảm bảo rằng họ vẫn khỏe mạnh về mặt lâm sàng. Trong vòng 24 giờ, bệnh nhân sẽ nhận được tin nhắn và đường link để được hướng dẫn cụ thể cách điều trị tại nhà và có nhân viên y tế theo dõi hàng ngày.

Trong quá trình điều trị tại nhà, bệnh nhân có thể liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ y tế từ xa được chỉ định để làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 6 để kết thúc thời gian điều trị tại nhà sớm hơn. Nếu kết quả xét nghiệm đáp ứng các tiêu chí "xuất viện" - xét nghiệm âm tính hoặc lượng virus trong cơ thể thấp - bệnh nhân có thể được kết thúc điều trị tại nhà vào ngày thứ 7. Nếu không, thời gian điều trị tại nhà sẽ kết thúc vào ngày thứ 10 mà không cần xét nghiệm thêm, miễn là bệnh nhân khỏe mạnh. Sau khi kết thúc thời gian điều trị tại nhà, bệnh nhân sẽ không còn phải chịu bất kỳ hạn chế di chuyển nào, mặc dù theo khuyến cáo của Bộ Y tế, họ vẫn nên giảm thiểu các tương tác xã hội 7 ngày tiếp theo.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Bắc Sumatra, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Bắc Sumatra, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Indonesia đang cảnh giác nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19, sau khi vừa trải qua làn sóng thứ 2 đầy thảm khốc. Theo người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Wiku Adisasmito, nguyên nhân khiến nước này cần cảnh giác là do một số quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Ông nêu rõ Indonesia phải cảnh giác và duy trì kỷ luật trong việc thực hiện các giao thức y tế để không phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 3 trong vài tháng tới. Ngày 15/9, Indonesia có thêm 3.948 ca mới và 267 ca tử vong, nâng tổng số lên 4.178.164 ca trong đó có 139.682 ca tử vong.

Còn giới chức thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales của Australia, đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại các điểm nóng dịch COVID-19 ở thành phố này, trong bối cảnh số ca mắc mới giảm và tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh. Theo đó, lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ được dỡ bỏ tại các điểm nóng kể từ ngày 15/9. Người dân Sydney hy vọng đây là dấu hiệu bắt đầu chấm dứt tình trạng phong tỏa kéo dài. Dự kiến, chính quyền bang New South Wales sẽ nới lỏng thêm nhiều biện pháp khác khi 70% người dân tiêm phòng đủ liều, nhiều khả năng vào tháng 10 tới.

Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng toàn cầu nhằm ngăn chặn bùng phát một đại dịch ở những người không tiêm chủng trong bối cảnh có sự chênh lệch về tiêm chủng giữa các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu với các nước nghèo hơn. Các nước giàu đã tiêm vaccine cho phần lớn dân số, trong khi các quốc gia nghèo hơn đang phải chật vật tìm nguồn cung vaccine. Bà cho rằng với chưa đến 1% số liều vaccine toàn cầu được tiêm ở các nước thu nhập thấp, “mức độ cấp bách là rất rõ ràng".

Tính tới cuối tháng 8, khoảng 70% dân số trưởng thành tại 27 nước thành viên EU đã được tiêm đủ liều vaccine, song cũng có sự khác biệt lớn ngay trong khối khi có sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước thành viên. Theo bà, 19 nước thành viên sẽ phục hồi kinh tế về mức tiền đại dịch trong năm nay, trong khi những nước còn lại có thể phải đến năm sau.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Pierre-Benite, Pháp ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Pierre-Benite, Pháp ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Pháp, kể từ ngày 15/9, nhân viên bệnh viện, lái xe cứu thương, nhân viên viện dưỡng lão, bác sĩ tư nhân, lính cứu hỏa và những người chăm sóc người già hoặc người ốm tại nhà - tổng cộng khoảng 2,7 triệu người - phải có chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc sẽ bị tạm thời phải nghỉ việc hoặc không được trả lương.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra tối hậu thư từ 2 tháng trước, song hàng chục nghìn người trong diện này vẫn chưa tiêm vaccine. Một trong những công đoàn khu vực công lớn nhất của Pháp, CGT, đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ đình chỉ một số lượng lớn nhân viên y tế và cấm các bác sĩ khu vực tư nhân hành nghề.

Minh Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/toan-the-gioi-da-ghi-nhan-tren-2268-trieu-ca-nhiem-virus-sarscov2-20210915222452657.htm