Toàn thế giới đã ghi nhận trên 237,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 237.704.109 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.852.523 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 214.773.006 người.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jabalpur, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jabalpur, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 730.313 ca tử vong trong tổng số 45.023.804 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 450.277 ca tử vong trong số 33.922.917 ca. Brazil đứng thứ 3 với 599.865 ca tử vong trong số 21.532.558 ca.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 605 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 330 người và CH Bắc Macedonia với 326 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,4 triệu ca tử vong trong trên 45,2 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có trên 69 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 76,8 triệu ca. Bắc Mỹ có trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận trên 213.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 3.100 người.

Số ca lây nhiễm COVID-19 tại Lào đang tăng trở lại. Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 731 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong. Trong số các ca mắc mới có tới 726 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh khi ghi nhận 450 trường hợp trong một ngày, buộc các nhà chức trách đưa 178 bản tại 7 quận vào danh sách vùng đỏ.

Hầu hết các ca tử vong do COVID-19 tại Lào đều chưa được tiêm phòng vaccine và đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 27.607 ca, trong đó có 24 người tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này có 18 ca tử vong và 203 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 9 ca nhập cảnh. Như vậy, ngày 8/10 là ngày thứ 8 liên tiếp số ca mắc COVID-19 ở Campuchia ở mức trên dưới 200 ca/ngày. Đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 114.351 ca mắc COVID-19, trong đó 106.839 người đã khỏi bệnh và 2.459 người tử vong.

Chiến dịch tiêm phòng COVID-19 của Campuchia đã đạt cột mốc mới với trên 11 triệu người đã hoàn thành hai mũi tiêm và trên 900.000 người được tiêm mũi tăng cường. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định trong 15 ngày liên tiếp tính từ sau khi kết thúc dịp nghỉ Lễ Pchum Ben từ ngày 5 - 7/10, nước này sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn và người dân sẽ phải điều chỉnh cuộc sống theo hướng bình thường mới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã cấp phép có điều kiện đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech làm mũi tiêm tăng cường đối với người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên và được tiêm ít nhất sau 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai. Theo giới chức Malaysia, việc tiêm mũi tăng cường sẽ không bắt buộc, nhưng đặc biệt khuyến nghị tiêm đối với những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc kết hợp các loại vaccine khác nhau cũng sẽ được phép áp dụng với mũi tiêm tăng cường.

Ngoài vaccine của hãng Pfizer, Malaysia cũng đang sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 của các hãng AstraZeneca (Anh), Sinovac và CanSino Biologics (Trung Quốc) trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Đến nay, khoảng 64% trong tổng số 32 triệu dân của Malaysia đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, trong đó người trưởng thành chiếm 89%.

Thời gian cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh Indonesia sẽ được rút ngắn từ 8 ngày xuống còn 5 ngày. Chính sách này được thực thi dựa trên các cơ sở: thời gian ủ bệnh của các biến thể virus SARS-CoV-2 trung bình là 3,7 - 3,8 ngày; độ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cũng như các kết quả đạt được trong công tác xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Trước đó, Thông tư số 74 năm 2021 của Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia quy định rằng du khách nhập cảnh nước này phải cách ly bắt buộc 8 ngày tại các cơ sở được chỉ định và trải qua hai lần xét nghiệm PCR có kết quả âm tính.

Trong một diễn biến tương tự, ngày 8/10, Hàn Quốc và Singapore đã nhất trí dỡ bỏ hoặc nới lỏng quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, từ ngày 15/11, hành khách đã tiêm phòng đến từ Hàn Quốc nhập cảnh Singapore sẽ không bắt buộc phải thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định hiện hành ở Singapore. Khách nhập cảnh sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ từ trước đó ít nhất hai tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ hoặc 72 giờ qua. Ngoài ra, quy định này cũng chỉ áp dụng đối với hành khách đã ở lại quốc gia khởi hành ít nhất hai tuần trước khi rời đi và với các chuyến bay trực tiếp.

Đây là thỏa thuận đầu tiên mà Hàn Quốc ký với một quốc gia khác về việc công nhận chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 lẫn nhau. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc và Singapore cho phép nhập cảnh tất cả hành khách đã tiêm các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, cũng như những hành khách tiêm kết hợp hai loại vaccine.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 8/10, New Zealand thông báo nước này có thêm 44 ca nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng, nâng tổng số ca lây nhiễm trong đợt bùng phát dịch tại cộng đồng lần này lên 1.492 ca. Theo Bộ Y tế, trong số các ca nhiễm mới, 41 ca ở thành phố lớn nhất Auckland và 3 ca gần Waikato. Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, New Zealand ghi nhận tổng số 4.169 ca nhiễm COVID-19.

Giới chức New Zealand cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp siết chặt theo mức độ Cảnh báo 3 tại vùng Northland kể từ đêm 8/10, sau khi khu vực này xác nhận một ca dương tính với SARS-CoV-2 trong quá trình làm xét nghiệm tại đây. Theo cảnh báo mức độ 3, các dịch vụ bán hàng mang về và công trình xây dựng được phép hoạt động song phải đảm bảo phòng dịch, các dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa trong khi học sinh, sinh viên phải chuyển sang học trực tuyến.

Tại châu Âu, Nga ghi nhận 936 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua - con số thống kê theo ngày cao nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 214.485 người. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 27.246 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh này lên con số 7,7 triệu người. Tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Nga bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 9. Nhà chức trách Nga cho rằng thực trạng này là do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tính đến ngày 5/10 vừa qua, mới chỉ có gần 33% trong số 146 triệu người dân Nga đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 29% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một sáng kiến của cơ quan này nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022. Ông nêu rõ theo chiến lược này, đến cuối năm 2021 mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 40% dân số và đến giữa năm 2022 đạt tỷ lệ 70%, thông qua việc ưu tiên phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp, nhất là những nước ở châu Phi. Theo ông Tedro, để đạt được mục tiêu trên sẽ cần ít nhất 11 tỉ liều vaccine và đây là vấn đề về phân bổ chứ không phải vấn đề về nguồn cung. Tổng Giám đốc WHO khẳng định "sản lượng vaccine toàn cầu hiện nay là gần 1,5 tỷ liều/tháng, đủ cung cấp để đạt được mục tiêu trên, miễn là vaccine được phân phối công bằng".

Số liệu của WHO cho thấy hơn 6,4 tỷ liều vaccine hiện đã được sử dụng trên toàn cầu và hơn 30% dân số thế giới đã hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, các nước có thu nhập thấp tiếp nhận chưa tới 0,5% lượng vaccine của thế giới. Tại châu Phi, chưa tới 5% dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Đầu năm nay, WHO đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 9/2021, mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 10% dân số. Tuy nhiên, 56 nước trên thế giới không đạt được mục tiêu này.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/toan-the-gioi-da-ghi-nhan-tren-2377-trieu-ca-nhiem-virus-sarscov2-20211008215544095.htm