Toan tính của ông Kim Jong Un

Chuyên gia cho rằng Triều Tiên không có ý khiêu khích khi thực hiện các vụ thử tên lửa gần đây. Đó là hoạt động bình thường của quy trình phát triển vũ khí.

Vào tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đề ra tham vọng về chiến lược vũ khí mới kéo dài 5 năm, với công nghệ hiện đại đầy hứa hẹn mà thế giới chưa từng thấy trước đây.

Ông Kim cho biết mục đích của chiến lược này là đặt khả năng chiến đấu và khả năng răn đe của Triều Tiên “ở cấp độ cao nhất”, theo Wall Street Journal.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA ngày 1/10 đưa tin Triều Tiên đã bắn một tên lửa phòng không mới được phát triển trong cuộc thử nghiệm mới nhất diễn ra hôm 30/9.

Cuộc thử nghiệm cho thấy "hiệu suất chiến đấu đáng nể” của tên lửa “đã được kiểm chứng, với sự ra đời của các công nghệ then chốt”, hãng thông tấn KCNA cho biết thêm.

Trước đó, nước này đã tiến hành 3 cuộc thử tên lửa khác, gần nhất là tên lửa siêu thanh mới, với hệ thống nhiên liệu giúp việc triển khai nhanh hơn và cơ động hơn, truyền thông nhà nước của Bình Nhưỡng đưa tin hôm 29/9.

 Triều Tiên ngày 30/9 đã bắn thử một tên lửa phòng không "mới được phát triển". Ảnh: AFP.

Triều Tiên ngày 30/9 đã bắn thử một tên lửa phòng không "mới được phát triển". Ảnh: AFP.

Chương trình vũ khí tham vọng của ông Kim Jong Un

Trong bài phát biểu hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ đưa ra thông tin tương đối chi tiết về các khí tài quân sự đang được phát triển, trong đó có đề cập đến “đầu đạn siêu vượt âm”.

Ông Kim cũng đề cập đến tiến độ chế tạo tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đa đầu đạn. Phần lớn những vũ khí này đã được ra mắt trong cuộc duyệt binh vào tháng 1.

KCNA cho biết cuộc thử nghiệm ngày 1/10 do Học viện Khoa học Quốc phòng, một nhà phát triển vũ khí quân sự, tiến hành nhằm xác nhận về chức năng thực tế của bệ phóng tên lửa, radar, phương tiện chỉ huy chiến đấu toàn diện và hiệu suất chiến đấu.

Hãng thông tấn KCNA dẫn nguồn tin từ học viện: “Cuộc thử nghiệm tổng thể có ý nghĩa rất thiết thực trong việc nghiên cứu và phát triển các hệ thống tên lửa phòng không triển vọng khác nhau”.

Trong khi đó, tên lửa siêu thanh phóng hôm 28/9 được đặt tên là “Hwasong-8”, cùng tên với dòng vũ khí tầm xa hơn của Triều Tiên. Đó là một trong năm nhiệm vụ cấp bách nhất mà chính sách vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên đặt ra.

Tuy nhiên, Wall Street Journal dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết vũ khí mới của Bình Nhưỡng dường như đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, cần thời gian đáng kể trước khi sẵn sàng triển khai. Loại vũ khí này có thể bị Hàn Quốc và Mỹ phát hiện và đánh chặn.

Nhìn chung, tên lửa siêu thanh có thể bay với tốc độ 1 dặm/giây (khoảng 1,6 km/s), tức là gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể điều khiển được.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết tên lửa của nước này có thể điều khiển được, hay có khả năng "kiểm soát điều hướng".

Các chuyên gia vũ khí cho rằng tên lửa này cũng được thiết kế để cuối cùng trở thành tên lửa hạt nhân.

 Một bản tin thời sự Hàn Quốc đưa tin về vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên hôm 28/9. Ảnh: Reuters.

Một bản tin thời sự Hàn Quốc đưa tin về vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên hôm 28/9. Ảnh: Reuters.

Bruce Bennett - chuyên gia cấp cao về quốc phòng của Rand Corp., tổ chức tư vấn có trụ sở tại Santa Monica, California, Mỹ - cho biết nếu được đầu tư phát triển hơn nữa, tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể sẽ khó bị bắn hạ hơn vì có khả năng đi theo quỹ đạo phức tạp.

“Vì vậy, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ triển khai ở Hàn Quốc sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, đánh chặn một tên lửa siêu thanh như vậy", ông Bennett nói.

Scott LaFoy - chuyên gia về tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân tại công ty tư vấn về quản lý rủi ro Exiger Federal Solutions - cho biết công nghệ tên lửa mới của Triều Tiên có thể được áp dụng cho các tên lửa tầm xa, nhằm tiết kiệm thời gian quý giá trong quá trình chuẩn bị phóng.

Chuyên gia này cho biết tên lửa mới có quy trình tiếp nhiên liệu tối ưu hơn, so với phương pháp cũ tương đối lâu và dễ bị tình bảo đối phương phát hiện ra hơn.

Vẫn còn "chỗ trống" cho giải pháp hòa bình?

Tính đến nay, chính quyền Bình Nhưỡng đã tiến hành bốn cuộc thử nghiệm vũ khí trong những tuần gần đây, sau nhiều tháng im ắng. Hai cuộc thử nghiệm khác với tên lửa tầm ngắn được phóng từ tàu hỏa, và tên lửa hành trình có tầm bay thấp hơn, được thiết kế để tránh radar phòng thủ.

Triều Tiên cho rằng họ chỉ đang thực hiện quyền an ninh quốc phòng.

Trong bối cảnh phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu lương thực, Bình Nhưỡng dồn trọng tâm giải quyết nhiều vấn đề đối nội trong năm nay. Chính quyền nước này đã từ chối nỗ lực tiếp cận của Mỹ và Hàn Quốc.

Gordon Flake, chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Perth USAsia ở Australia, cho rằng việc tăng cường thử nghiệm vũ khí trong những tuần qua không phải là cách Triều Tiên phản ứng với chính sách đối ngoại của Washington hay Seoul, mà là để hiện thực hóa cam kết về chương trình vũ khí của ông Kim Jong Un.

“Tôi không cho rằng đây là vở kịch có tính chu kỳ của Triều Tiên để khiêu khích. Đây chỉ là việc Triều Tiên thực hiện quy trình phát triển và thử nghiệm vũ khí. Họ thử tên lửa vì đây là một phần trong quy trình đó", chuyên gia Flake nhận định.

 Hình ảnh về cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa hồi giữa tháng 9 của Triều Tiên do KCNA công bố ngày 13/9. Ảnh: Reuters/KCNA.

Hình ảnh về cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa hồi giữa tháng 9 của Triều Tiên do KCNA công bố ngày 13/9. Ảnh: Reuters/KCNA.

Trong khi đó, đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa có tiến triển. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi Washington và Seoul từ bỏ "chính sách thù địch" đối với Triều Tiên, bao gồm các cuộc tập trận chung, biện phát trừng phạt kinh tế và vành đai an ninh của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trong những ngày gần đây, Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, tuyên bố nếu Seoul thể hiện sự tôn trong lẫn nhau, Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng khôi phục mối quan hệ liên Triều.

Điều đó cho thấy Triều Tiên luôn để lại chỗ trống cho các giải pháp hòa bình, tránh vượt qua "lằn ranh đỏ" của Mỹ là các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa hạt nhân.

“Tôi không nghĩ rằng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ giải pháp ngoại giao vì họ cần cải thiện mối quan hệ với Mỹ", Ku Yang-mo, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Norwich, nói với The Diplomat.

Jessica J. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Quincy Institute for Responsible Statecraft ở Washington, cho rằng Hàn Quốc có thể đóng vai trò lớn hơn để tái khởi động quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Nhưng đầu tiên, Bình Nhưỡng và Washington cần phải có thiện chí để xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Trong bài bình luận ngày 20/9, The Diplomat cho rằng nếu những cuộc thử tên lửa nói trên chỉ nằm trong quy trình bình thường đã được định ra từ trước, thì các bên liên quan nên tái khởi động quá trình phi hạt nhân hóa dài hạn theo từng giai đoạn.

"Làm như vậy có thể ngăn bán đảo Triều Tiên trở thành đấu trường tiếp theo của Chiến tranh Lạnh. Nếu Mỹ tiếp tục do dự thực hiện những bước đi táo bạo để khởi động quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo, Triều Tiên sẽ được lợi về thời gian", The Diplomat viết.

Những hành động hiếm thấy của ông Kim Jong Un tại lễ duyệt binh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dường như rơi nước mắt trong cuộc duyệt binh vào rạng sáng 10/10. Ông còn xin lỗi vì đã không thể cải thiện đời sống người dân tốt hơn.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toan-tinh-cua-ong-kim-jong-un-post1267824.html