'Toát mồ hôi' vì Nga, châu Âu quyết tâm 'ly hôn' khí đốt, đòn của Moscow có còn làm khó EU?
Đang vật lộn với giá năng lượng cao kỷ lục, châu Âu sẽ phải đối mặt với nỗi đau lớn hơn khi Nga đóng cửa vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1).
Châu Âu khó chồng khó
Dòng chảy khí đốt thấp hơn từ Nga trước và sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 đã đẩy giá năng lượng tại châu Âu tăng gần 400% trong năm qua. Điều này cũng khiến chi phí điện tăng vọt, đánh mạnh vào “túi tiền” của người dân khu vực này.
Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng, gọi đây là "cuộc chiến kinh tế" giữa Moscow với phương Tây do hậu quả từ cuộc xung đột Ukraine. Ngược lại, Moscow đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật của phương Tây đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung khí đốt.
Trước đây, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chạy dưới Biển Baltic tới Đức cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu. Hiện tại, đường ống này chỉ chạy ở mức 20% công suất và đang bị ngừng vào tuần trước để bảo trì.
Theo các nhà phân tích, sau khi Nga tuyên bố sẽ đóng cửa vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 vì phát hiện ra lỗi trong quá trình bảo trì, giá khí đốt có thể tiếp tục tăng phi mã.
Chi phí điện năng cao ngất trời liên quan đến giá khí đốt tăng cao đã buộc một số ngành công nghiệp trong tình trạng "đói" năng lượng. Trên khắp châu lục, các nhà sản xuất phân bón, xi măng, thép và luyện kẽm cũng đang ngừng hoạt động vì giá điện quá cao.
Điều này khiến các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) phải bơm hàng tỷ USD để trợ giúp người dân. Đơn cử như tại Đức, ngày 4/9, quốc gia này thông báo sẽ áp thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất điện và dùng nguồn thu này để trang trải cho một gói hỗ trợ trị giá 65 tỷ Euro dành cho người dân đang phải chịu lạm phát cao và hóa đơn năng lượng tăng vọt.
Jacob Mandel, cộng sự cấp cao về hàng hóa tại Aurora Energy Research nhận định, tác động của việc cắt giảm nguồn cung khí đốt mới nhất sẽ phụ thuộc vào khả năng của châu Âu trong việc tìm kiếm nguồn cung từ bên ngoài.
Ông Jacob Mandel nói: "Nguồn cung rất khó kiếm và việc thay thế từng chút khí đốt không đến từ Nga ngày càng trở nên khó khăn hơn".
Cú hích giúp EU nhanh chóng "ly hôn" khí đốt Nga?
Thông tin Nga đóng cửa vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 được đưa ra vài giờ sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thông qua quyết định đặt mức trần giá dầu nhập khẩu Moscow.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải chuẩn bị cho viễn cảnh nguồn cung khí đốt bị cắt giảm trong nhiều tuần và cố gắng tìm cách cắt giảm nhu cầu.
Với việc ngành công nghiệp đã đóng cửa và đồng Euro trượt giá, động thái mới nhất từ phía Nga khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Khi mùa Đông đến gần, quyết tâm của châu Âu về việc "ly hôn" khí đốt Nga có thể được thực hiện.
Nhận định về vấn đề này, ông Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của Economist Intelligence Unit nói: "Châu Âu đang đứng trước một mùa Đông khó khăn, có lẽ là hai năm thay đổi với nhiều nỗi đau kinh tế. Nhưng sau đó, họ sẽ trở nên độc lập hơn với những sự kết hợp đa dạng các nguồn cung năng lượng".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng viết trên Twitter rằng: "Sử dụng khí đốt làm vũ khí sẽ không thay đổi quyết tâm của EU. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh con đường hướng tới sự độc lập về năng lượng".
Với giá khí đốt cao gấp 4 lần so với một năm trước, EU đang xem xét các biện pháp can thiệp "chưa từng có" vào thị trường năng lượng, bao gồm giới hạn giá, giảm nhu cầu điện và thuế thu nhập.
Bên cạnh đó, châu Âu đang xây dựng kho dự trữ khí đốt - bộ đệm cho mùa Đông lạnh giá - một nỗ lực chuẩn bị cho viễn cảnh Nga cắt giảm nguồn cung hoàn toàn. Tuy nhiên, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều khi kho dự trữ khí đốt chưa được lấp đầy.
Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan quản lý năng lượng của nước này cho hay:“Tình hình đang căng thẳng. Tuy nhiên, nguồn cung cấp khí đốt tại Đức hiện đang ổn định và an ninh nguồn cung tiếp tục được đảm bảo".
Trong nhiều thập niên, Đức đã xây dựng sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga. Quốc gia này đang cố gắng trang bị lại chính sách năng lượng chỉ trong vài tuần để bảo vệ nền kinh tế.
Berlin đang xem xét việc mở lại các nhà máy hạt nhân và nỗ lực thiết lập, vận hành các cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Các cơ sở dự trữ khí đốt ở Đức hiện ở mức 85%.
Theo ông Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, Đức ngày càng có vẻ sẽ vượt qua được mùa Đông mà không cần phân bổ khí đốt theo định mức, ngay cả trong trường hợp xấu nhất là Nga ngừng vĩnh viễn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Ông Ian Bremmer nhấn mạnh: "Đó là tin tốt. Ảnh hưởng của năng lượng Nga đối với châu Âu đã gần kết thúc".
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng tuyên bố, nước này hoàn toàn không thể dựa vào Nga về khí đốt.
Ông Robert Habeck khẳng định rằng: “Chúng tôi nhận thấy sự không đáng tin cậy của Nga trong vài tuần qua. Do đó, chúng tôi đã đưa ra các biện pháp nhằm củng cố tính độc lập, tránh phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Đức đã chuẩn bị tốt hơn đáng kể so với một vài tháng trước. Đây là thời khắc khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị”.
Lo lắng vẫn còn
Về LNG, Đức đã bắt đầu phát triển các thiết bị cho phép nước này tiếp nhận khí đốt từ các nhà cung cấp toàn cầu.
Ông Jacob Mandel nhận thấy: "Châu Âu có thể thay thế khí đốt Nga bằng cách tăng nhập khẩu LNG, nhưng khi thời tiết chuyển lạnh và nhu cầu bắt đầu tăng vào mùa Đông ở châu Âu và châu Á, châu Âu sẽ không thể nhập khẩu đủ LNG".
Klaus Mueller, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cũng cho rằng, ngay cả khi các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy 100%, Berlin cũng phải đối mặt với khó khăn trong khoảng 2,5 tháng nếu dòng khí đốt của Nga bị ngừng hoàn toàn.
Tuần trước, châu Âu đã sớm đạt mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt. Theo dữ liệu tồn kho của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), dự trữ khí đốt ở EU đã được lấp đầy lên đến 79,4% vào ngày 27/8 so với mục tiêu 80% vào ngày 1/11.
EU đã củng cố các quy tắc dự trữ vào đầu năm nay sau khi mức dự trữ vào mùa Đông năm ngoái thấp hơn những năm trước, đặc biệt là tại các địa điểm dự trữ của Đức phụ thuộc vào tập đoàn năng lượng Gazprom.
Tuy nhiên, theo Reuters, giá khí đốt sẽ cần đạt mức trung bình 400 Euro/MWh trong khoảng thời gian từ tháng 9/2022 đến cuối tháng 10/2023 để khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng gửi khí đốt đến các kho dự trữ của EU.
Khí đốt của Nga hiện vẫn đang chảy tới châu Âu thông qua các đường ống dẫn qua Ukraine, nhưng hiện đang có nhiều đồn đoán về việc liệu dòng chảy này có thể bị dừng lại hay không.
James Huckstepp, nhà phân tích khí đốt EMEA tại S&P Global Platts nhận định "Chúng tôi đang chuyển trọng tâm sang vấn đề khí đốt có tiếp tục chảy đến châu Âu qua Ukraine hay không?"