Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số tăng nhanh qua các năm

Trên cơ sở lý luận của các tổ chức quốc tế và thực trạng nguồn thông tin của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đã có đề xuất về phương pháp đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam. Kết quả tính toán thử nghiệm sơ bộ cho thấy, tốc độ tăng trưởng của kinh tế số giai đoạn 2019 - 2022 lần lượt là 6,3%, 11,27%, 7,07% và 7,3%.

Đo lường giá trị gia tăng từ cả phía cung và phía cầu

Sáng 12/9, Tổng cục Thống kê đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đề xuất phương pháp đo lường kinh tế số ở Việt Nam”. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã giới thiệu về khái niệm, phạm vi và phương pháp đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam.

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP của một số địa phương cao do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử. Ảnh: TL

Giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP của một số địa phương cao do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử. Ảnh: TL

Phạm vi kinh tế số bao gồm ngành kinh tế số hỗ trợ các hoạt động kinh tế (kinh tế số lõi) và ngành kinh tế được hỗ trợ bởi kinh tế số (hoạt động số hóa của các ngành kinh tế khác).

Theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC) 2018, các ngành kinh số lõi gồm: hoạt động thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động thuộc nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình; hoạt động thuộc nhóm ngành thông tin truyền thông.

Các ngành được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế số lõi chính là các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, gọi chung là số hóa của các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế theo VSIC 2018. Giá trị số hóa của các ngành kinh tế khác là giá trị tăng thêm mà ngành đó đạt được nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hay quản lý điều hành.

Thái Nguyên, Bắc Ninh dẫn đầu về giá trị tăng thêm

Kết quả tính toán thử nghiệm theo phương pháp này của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,82% (chiếm 60,85%), số hóa các ngành khác đóng góp 5,03% (chiếm 39,15%), bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt khoảng 11,53%.

Tỷ trọng số hóa có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương

Các đầu tàu kinh tế, chính trị của cả nước là TP. Hà Nội có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP là 15,64%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 70% và TP. Hồ Chí Minh là 12,93%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 63%. Nhìn chung, tỷ trọng số hóa của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương.

Giai đoạn 2019-2022, quy mô của kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,49% năm 2019 lên 6,74% năm 2022.

Các ngành có hoạt động số hóa cao bao gồm: thương mại; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; hoạt động phát thanh, truyền hình; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; hoạt động dịch vụ tài chính; hoạt động kinh doanh bất động sản. Năm 2019, giá trị tăng thêm tạo ra do hoạt động số hóa của ngành thương mại theo giá hiện hành lớn nhất đạt 106,8 tỷ đồng và tăng lên 1,5 lần vào năm 2022.

Một số ngành có hoạt động số hóa thấp, gần như không có số hóa như: hoạt động thú ý, trợ giúp xã hội, hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình và hoạt động phục vụ cá nhân khác.

Hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế số lõi chiếm khoảng 60% trong tổng giá trị tăng thêm kinh tế số của cả nước, trong đó riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm khoảng 37% và tập trung ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...; giá trị số hóa của các ngành kinh tế khác trung bình cả nước chiếm khoảng 40% và tập trung ở các khu vực dịch vụ, tuy nhiên do đặc thù kinh tế nên tỷ trọng này ở các tỉnh/ thành phố là khác nhau.

Một số tỉnh có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như: Bắc Ninh (50,73%), Thái Nguyên (39,92%), Bắc Giang (30,31%), Hải Phòng (26,81%), Vĩnh Phúc (24,23%)… Đây là những địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, thu hút FDI, sản xuất các ngành kinh tế số lõi phát triển với cơ cấu chiếm khoảng 90% giá trị gia tăng của kinh tế số của địa phương.

Theo Tổng cục Thống kê, xu thế số hóa đã tạo cơ hội cho các quốc gia trên thế giới chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khẩn trương và quyết liệt trong việc tìm kiếm, khuyến khích các ngành, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức

Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Cùng với đó, Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”.

Tuy nhiên, hiện nay việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP/GRDP. Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc chưa ban hành phương pháp luận và tài liệu hướng dẫn để thống nhất thực hiện biên soạn chỉ tiêu này trên toàn thế giới.

Để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành cần quan tâm, thực hiện một số giải pháp, trong đó, có giải pháp nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế. Hiện nay, nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính

trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cần kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số; quan tâm xây dựng thể chế để bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế và quản lý, điều hành…

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/toc-do-tang-truong-cua-kinh-te-so-tang-nhanh-qua-cac-nam-135661.html