Tọc mạch cùng quá khứ

Tôi không phải là người chơi đồ cổ, cũng rất ít am hiểu về chúng.

Tôi chỉ là người tọc mạch với những gì của quá khứ mà mình bắt gặp nên những ghi chép sau đây không mang tính kinh viện mà chỉ là những ký ức riêng tư.

Viên ngói cũ ở Bà Nà

Năm 1995, khi lang thang bên những ngôi nhà cổ còn sót lại trên đỉnh Bà Nà, tôi lội vào một đống đổ nát của biệt thự Hoàng Lan và bất ngờ tìm thấy những viên ngói cũ.

Nhặt lấy một viên ngói còn nguyên lành nhất, tôi thấy đó là viên ngói móc sản xuất tại Faifo - Hội An hồi năm 1905 của xưởng ngói Lê Minh et fils. Tôi im lặng lấy tờ báo cũ gói lại rồi để vào túi xách mang về... Ít ra ngôi biệt thự xưa này cũng được xây dựng vào năm đó, điều mà khi nghiên cứu tài liệu về khu du lịch Bà Nà của viên đại úy thủy quân lục chiến Debay lúc đó tôi chưa tìm thấy.

Sau này, khi đọc "Bà Nà du ký" của nhà văn Huỳnh Thị Bảo Hòa, cũng không có ghi chép gì, mặc dù bà viết loạt phóng sự này từ năm 1931 khá chi tiết và đã từng được in trên Nam Phong tạp chí!

Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa năm 1931 lên Bà Nà và viết đoạn mô tả sau đây: "... Đỉnh núi chia ra từng cụm, cụm nào cũng nhà cửa nguy nga lộng lẫy, đó là các biệt thự của các quan chức đại Pháp, các tòa sở như: Khâm sứ, Đốc lý, Thương chánh, Bưu điện, Y tế; lại còn đồn lính Lê Dương, có nhà giam tù quốc phạm, vân vân. Việc cai trị An Nam thì có viên Bang tá, coi việc tuần phòng dân phu... Còn về sự thương mại ở đây có hãng Morin Frères là đắc thể hơn cả, nhà hotel hai tầng nằm trên đỉnh núi cao chót vót, đứng trên trông được khắp mọi nơi...".

Tuyệt nhiên không có dòng nào đề cập đến kiến trúc hay xây dựng tại đây! Do vậy, việc tôi nhặt được viên ngói cũ trở nên quý giá. Nó chứng tỏ việc xây dựng Bà Nà từ đầu thế kỷ trước đã có bàn tay của người Việt từ Hội An. Tiếc là từ đó đến nay, nhiều lần tôi đến Hội An, kể cả ở khu vực làng gốm cổ Thanh Hà, để hỏi thăm xưởng ngói cũ nhưng vẫn chưa có kết quả.

Cái cối đá bị thương

Quê bà nội tôi ở làng La Thọ, bây giờ là xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nghe kể thời vua Minh Mạng, nhà vua cho đào một nhánh sông nối từ sông La Thọ để cấp thêm nước cho sông Thanh Quýt. Việc đào sông này đã bồi thêm màu mỡ cho cánh đồng trước nhà bà. Cá, cua các loại sinh sôi, dân làng bắt không xuể. Ông bà cố đã sắm cái cối đá dành riêng cho việc giã các loại cua đồng bắt được để chế biến các món ăn.

Trải qua hơn 200 năm, lòng cối mòn nhẵn thành một hố sâu. Chung quanh miệng cối nhiều chỗ đã mòn vì những lần mài dao.

Trong cuộc chiến tranh từ năm 1960-1975, vùng đất La Thọ bao lần bị máy bay ném bom và những trận giao chiến ác liệt của các phe. Chiếc cối đã nhiều lần bị đạn bắn, bể một tay cầm và nhiều vết đạn bắn thẳng bên hông. Không còn sử dụng được nữa, chiếc cối bị vứt bỏ sau hè nhà, lấm lem bùn đất.

Mùa đông năm 1980, tôi về ăn giỗ ông cố. Lúc lân la sau hè, tôi vô tình phát hiện ra chiếc cối bị "thương tích" ấy, mang đi rửa sạch và được một người anh em thúc bá của bà nội tôi kể lại lai lịch của nó.

Chỉ là câu chuyện về một vùng quê nghèo và chiếc cối đá ngỡ như vô tri ấy nhưng tôi nghe và hình dung ra những thế hệ ông bà mình đã trải qua suốt hơn 2 thế kỷ, kể từ khi con sông đào La Thọ xuất hiện để dẫn nước nối từ sông Vu Gia xuống sông Vĩnh Điện Hà để nhập vào sông Hàn, tạo ra một thủy lộ vận chuyển hàng hóa nối Hội An đến cửa Hàn. Chiếc cối đá ấy đã thấm đẫm bao dấu tay, bao mồ hôi và có khi là cả máu của ông cha đã chảy xuống trong những cuộc chiến tranh.

Tôi xin chiếc cối đá ấy về đặt trang trọng trong phòng viết của mình như một vật gia bảo gắn liền số phận một gia đình với lịch sử của vùng đất quê nhà.

Kỷ vật nhà ngoại

Trong vườn nhà tôi vẫn đang giữ cái chum đựng lúa đúc bằng xi-măng và chiếc cối giã gạo. Cái chum do ông cậu tôi đúc khoảng năm 1930, còn cái cối tạc bằng đá Non Nước, mẹ tôi kể do ông ngoại tôi mua từ chân núi Ngũ Hành Sơn và thuê người khiêng về từ cuối thế kỷ 19!

Thuở nhỏ, tôi thường ở bên nhà ngoại với cậu mợ và các chị vì là con đầu và hai nhà nội ngoại lại sống gần nhau.

Sau chiến tranh, chị con dâu trưởng của cậu Hai tôi về xây dựng lại căn nhà tranh trên nền nhà cũ của ngoại. Chị kể nhà cửa thì cháy rụi nhưng rất lạ là cả cái cối đá và cái chum thì còn nguyên, không một dấu sứt mẻ dù bom đạn. Cũng nhờ chúng mà suốt những năm bao cấp, chị tôi đã đi mua lúa về chứa và giã gạo gánh đi bán khắp các xóm thôn để nuôi bầy con.

Cậu mợ giã gạo trong cái cối đá đó, nấu cháo cho tôi ăn cho đến lúc 5 tuổi. Những hôm trời lạnh còn được bồng vào nằm trong chum để khỏi mưa lạnh. Mùa lụt, tôi được ưu tiên leo vào lòng chum đang trôi nổi trong ngôi nhà ngang của cậu cho an toàn khi nước lụt vào nhà. Mẹ tôi là con út, lấy chồng trong xóm nên tôi được cậu mợ thương lây.

Ảnh: NGUYỄN SANH QUỐC HUY

Ảnh: NGUYỄN SANH QUỐC HUY

Trước khi chị dâu qua đời, một lần tôi nói đùa: "Em gắn bó với nhà ngoại vậy chị cho em hai vật ni để giữ lại làm kỷ niệm?". Chị dâu tôi đồng ý ngay.

Thời gian trôi qua, câu nói nửa đùa ấy tưởng đã quên, nào ngờ khi chị dâu tôi qua đời độ nửa tháng, đứa con đầu của chị dùng xe bò kéo cả chum và cối ra nhà tôi. Cháu nói: "Mẹ dặn chở ra cho chú!".

Nước mắt tôi lăn dài trên má khi nghe câu nói đó...

Tôi vịn tay vào chiếc chum và cái cối đá, mà ngỡ như có dòng máu nóng của cả gia đình nhà ngoại tôi trong đó. Trong hơi nóng ấy, có cả mơ ước của gia đình ngoại tôi dành cho con cháu đời sau.

Từ viên ngói trên đỉnh Bà Nà đến cái cối đá và cái chum cũ mà tôi vì tọc mạch đã nhìn thấy và giữ gìn cho đến ngày nay như được nối lại từ một dòng chảy của quá khứ. Chúng vẫn im lìm nằm đâu đó và đang chờ cất lên tiếng nói của con người, của lịch sử. Cho nên, có lúc tôi đã trầm ngâm ngắm nhìn và hồi tưởng, một mình...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/toc-mach-cung-qua-khu-196250113153644827.htm