'Tộc người ma' gây tranh cãi: để lại 'kho báu' nhưng... bốc hơi?
Các nhà khoa học đang nỗ lực giải câu đố về 1.930 mảnh đá vôi có hình dạng như những mũi giáo được chế tác tỉ mỉ: có thực sự là bằng chứng về tộc người ma khai phá Trung Mỹ 30.000 năm trước hay đơn giản là một trò đùa của tự nhiên?
Theo Gizmodo, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ James Chatters từ công ty khảo cổ Applied Paleosicence vừa có công trình phản bác lại kết luận của nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Ciprian Ardelean từ Đại học Zacatecas (Mexico) về 1.930 mảnh đá vôi bí ẩn được khai quật tại Hang động Chiquihuite ở Zacatecas (Mexico).
Trong khi nhóm của tiến sĩ Ardelean khẳng định các mảnh đá do bàn tay con người tạo thành công cụ từ 30.000 năm trước, nhóm của tiến sĩ Chatters lại kết luận chúng có thể được hình thành do quá trình tự nhiên.
Theo Science Alert, tiến sĩ Chatters cho rằng giả thuyết về kho báu khảo cổ do một nhóm dân cư cổ xưa để lại không đứng vững. Việc xem xét các mô hình bong tróc trên đá cho thấy đó nó trùng khớp với sự va chạm ngẫu nhiên giữa các viên đá mà thành hơn là tác động do bàn tay con người đục đẽo. Ngoài ra, những công cụ này lại mới nguyên: khá là vô lý nếu như những người cổ đại tạo ra cả một kho vật dụng giá trị mà không sử dụng. Vì nếu sử dụng, công cụ phải có vết nứt và vết bị mài mòn.
Ngoài ra, tất cả "công cụ" này đều làm từ cùng một loại đá, điều sẽ khá vô lý nếu như do một nhóm người tạo thành, bởi con người sẽ thử nghiệm với rất nhiều loại đá họ có thể tìm thấy trong khu vực. Gần đó có một mỏ đá mã não phong phú, có tiềm năng tạo nên nhưng công cụ tốt, dễ khai thác nhưng hoàn toàn không được đụng đến.
Trước đó, nhóm từ Đại học Zacatecas cho rằng đây là công cụ thuộc về những người đầu tiên khai phá Trung Mỹ, nhưng đó như một "tộc người ma". Ngoài số mẩu đá giống công cụ này, hoàn toàn không có hài cốt hoặc dấu tích sinh sống nào của con người trong hang động. Do vậy, sự tồn tại của họ vẫn gây tranh cãi.