'Tóc trắng nắng mai'- một chặng đường thơ Bùi Kim Anh
Sau hai năm lặng lẽ viết, nhà thơ Bùi Kim Anh cho ra mắt độc giả tập sách mới tinh những tâm sự bằng thơ 'Tóc trắng nắng mai'. Tập thơ là những nỗi niềm, những mảnh ghép về cảm nhận và suy nghĩ về cuộc sống thường nhật, không gian và thời gian quanh nhà thơ.
Câu thơ mang nặng dấu ấn thời gian
Dấu ấn thời gian là những gì dễ nhận thấy nhất trong tập thơ thứ 11 của nhà thơ Bùi Kim Anh. Ngay tựa đề tác phẩm Tóc trắng nắng mai cũng là một câu thơ trong bài kết tập sách đã nói hộ phần nào tâm trạng về tuổi tác, về thời gian của nhà thơ. Một lời giới thiệu thực sự chân thành bằng những câu thơ hàm chứa nhiều ý, lại rõ về hình Soi vào tinh khôi sợi tóc/ để rồi gặp được chính ta - Ta chính là nhà thơ đã ngoài 70 nhưng tuổi tác không phải là cái gì đáng kể đối với nhà thơ bởi thấy sức viết của bà vẫn trường sức lắm. Bằng chứng là ngoài những tập thơ ra mắt độc giả thơ bà vẫn đều đặn cho ra đời những bài viết ở các thể loại khác, đăng đều đều ở các báo cũng như tập hợp thành sách.
Với Tóc trắng nắng mai, không chỉ ở tựa đề, thời gian cũng hiện hữu ở nhiều bài khác trong tập thơ: ngoài những câu thơ ta chẳng còn gì; trắng òa trên mái tóc; lên lão; một mai về chốn sa mù; ta chỉ sợ dở dang ham muốn; kìa mưa; ngày đang sống; khi tuổi đã bảy mươi; bao giờ giời gọi thì đi; rũ màu thời gian… mà mỗi bài thơ là một trạng thái thời gian khác nhau, một cách tác giả mượn để nói lên những điều cảm nhận về thời gian hiện hữu trong suy nghĩ, ý niệm, cũng như trong cuộc sống của bà. Thời gian cứ trôi đi với bà lão ngoại thất thập này. Thế nhưng đọc tập thơ còn thấy rõ, tuổi tác là một điều gì đó có sức nặng ghê gớm. Tuổi tác khiến tác giả phải cân nhắc hành động của mình khi mình muốn làm một việc gì đó, một điều gì đó dù với người trẻ thì họ sẵn sàng dấn thân và dễ dàng thực hiện: cách tân thời ta cách tân/ thương câu lục bát mãi lần lối đi/ ngắt dòng e chẳng ra gì/ bỏ nếp cũ sợ nhỡ khi sai đường/…/ người đi bước thấp bước cao/ ta so nếp áo ướm vào thời gian (thời ta cách tân).
Ngoài những bài thơ mang đậm dấu ấn thời gian, tuổi tác, tìm trong tập thơ mới của nhà thơ Bùi Kim Anh còn thấy bất ngờ bởi những quan niệm về thơ của bà. Trò chuyện với tác giả, khi đặt câu hỏi về tiêu chí làm thơ đối với bà là gì? Ngay lập tức nhận được câu trả lời mà bà chẳng hề mảy may suy nghĩ: làm thơ cần gì tiêu chí/ thích làm thơ thì viết thôi/…/ như khi mình gặp nhau vậy/ muốn yêu thì yêu người ơi (tiêu chí ư). Tác giả cũng thường mượn những vần thơ để nói rằng mình vẫn đang sống trong không gian thực, một thời gian thực nhưng ẩn hiện trong đêm, những ký ức xưa vẫn hiện về: người đàn bà giữ yên mái nhà mình/ quanh quẩn với điệu vần thi tứ…/ ký ức thơ ngây lặn trong vất vả/ giấc mơ đêm thảng thốt lối đi về; có một mùa đang hết/ gọi về ngày xưa ơi.
Đọc thơ, so sánh thơ với tuổi tác, bà viết khi ta già thơ cũng già theo/ người ngắn lại và thơ co lại hoặc "né tránh" bằng cách mỗi ngày ta lại tự lừa dối mình bằng những trang viết/ và những câu thơ có lúc cũng lừa dối ta để tồn tại; hay thơ mang trái tim đàn bà khóc lời yếu đuối/ run nhịp đập khi nghe tiếng bạo tàn… và nhà thơ cũng chua xót thơ phú đâu thay đổi được gì. Mặc dù trong những câu chuyện của mình, nhà thơ cho rằng mình là người sống cùng với hiện tại và những gì mình viết cũng là cảm nhận, suy nghĩ về cuộc sống hiện tại nhưng nhiều bài thơ trong tập sách không 'giấu' được những hoài niệm về quá khứ, những gì đã xảy ra như ru cái ngày xưa, lạc câu kinh sám hối, nhớ và quên, có một mùa đang hết.
Nơi nào nhà thơ đi qua là lại "lên thơ"
Nhà thơ Bùi Kim Anh là một người chịu khó dịch chuyển, bắt đầu từ những bài thơ về Hà Nội - nơi bà sinh sống, học tập, trưởng thành và dành phần cuối cuộc đời ở đó. Hà Nội hiển hiện trong tập thơ là những vần thơ đầy hình ảnh phố phường, sắc màu của bốn mùa xuân-hạ-thu-đông: anh quên một mùa xuân/ hoa Hàng Lược/ người đàn bà bán cành đào góc phố (góc phố xuân); Hà Nội ơi thanh lịch đã xa rồi/ trầm mặc Hồ Gươm khoác sắc màu rực sáng (ra phố đi thư thả kẻo rồi); Ô Quan Chưởng có thể thế nào đây/ cổng gạch rêu phong chật đường lối mới… một Hà Nội xưa không có nữa rồi/ người đã thay đi bao thế hệ (dấu vết xưa nép vào đâu kỷ niệm); Hà Nội sớm nay rét xo ro/ đông chưa hết mà cơn rào đã tới; Hà Nội chỉ có đêm mới lặng lẽ phố xưa/ hoa sữa chỉ còn đêm mới nồng nàn hương mát gió.
Mở rộng không gian trong tập thơ là những ký sự thơ về Hà Giang, Lai Châu, Mộc Châu, Chợ Viềng, Nha Trang, Cần Thơ, Đất Mũi, xứ Lạng, miền Trung, phương Nam… Song song đó là những mùa mưa bão, ta đi nhặt chiếc lá mùa thu/ cho thơ, gió mùa đông bắc, tháng Ba, tháng Tư, tháng Mười…
Nhưng tựu chung lại, tập thơ là lời tự sự về cuộc đời mà ta thương ta cứ một đời quẩn quanh/…/ ta như chiếc lá trên cành sang thu; những bài thơ cứ neo vào lòng người đọc, định hình một người thơ. Nhà thơ đã cố gắng khép mình sau cánh cửa của ngôi nhà- nơi giữ những niềm yêu va sự an ủi bình an nhưng dẫu vậy vẫn cứ giông bão. Đóng nhưng mở lòng đón nhận mọi sự quanh mình. Để rồi khép tập thơ lại hiển hiện hình ảnh một bà lão bên cốc cà phê, lặng lẽ nhìn dòng người ngược xuôi để vẽ lên bức tranh nặng hồn phố thị.
Với lối viết quen thuộc, dùng thể thơ lục bát, thơ tự do để sáng tác, dường như các ý thơ, những vần thơ cứ thế tự tìm đến tác giả. Qua những câu thơ, tác giả muốn và đã để người đọc thấy được những gì tốt đẹp cũng như những gì đang tồn tại, hiện hữu trong cuộc sống này, đó là sự khéo léo của nhà thơ. Không cầu kỳ, hoa mỹ, những từ ngữ rất giản dị, mộc mạc, sâu sắc như chính con người của tác giả, dễ đi vào lòng người đọc.
Có những nhà thơ hôm nay cố làm mới mình mà không thể nhưng với nhà thơ Bùi Kim Anh, Tóc trắng nắng mai là tập thơ mà gây ấn tượng từ câu từ tới cách trình bày, hiện đại và khác biệt so với những tập đã xuất bản trước đó. Thoạt nhìn cứ ngỡ là tác phẩm của một tác giả trẻ nào đó nhưng mở tập sách ra, bắt gặp những vần thơ đầy sự chiêm nghiệm, từng trải - một tập thơ vừa chất lại được trình bày đẹp, phải chăng đó cũng đã là thành công của một nhà thơ trong cảnh nhà nhà làm thơ, người người làm thơ hôm nay.