Tôi 60 tuổi, phượt 3 nước Đông Dương và trekking 39 ngọn núi

Bước sang ngưỡng 50, khi con cái trưởng thành, tôi bắt đầu đi phượt và chinh phục các ngọn núi. Hiện tại, ở tuổi 60, tôi đã khám phá hết 3 nước Đông Dương và chạm đỉnh 39 ngọn núi.

 Tôi tự hào khi đi đủ 3 nước Đông Dương, chinh phục nhiều ngọn núi mà thời trẻ từng mơ ước.

Tôi tự hào khi đi đủ 3 nước Đông Dương, chinh phục nhiều ngọn núi mà thời trẻ từng mơ ước.

Tôi là Nguyễn Thị Bích Vân, một người nội trợ hiện sống tại thị xã An Khê (Gia Lai). Thời trẻ, tôi thích đi phượt và leo núi, nhưng cuộc đời được "lập trình" theo thứ tự đi học, đi làm, lấy chồng sinh con và chăm chút gia đình. Ước mơ của tôi cũng đành gác lại.

Cách đây 8 năm, tôi phát hiện con trai không có hứng thú học tập và chỉ thích vẽ. Bạn bè khuyên tôi nên cùng con đi khắp nơi, ngắm danh lam thắng cảnh để con có những cảm nhận cơ bản trước khi bước vào ngành kiến trúc. Cũng từ đây, niềm đam mê của tôi "sống dậy", ở độ tuổi mà chính tôi còn không nghĩ đến.

Trước mỗi chuyến đi, tôi luôn chuẩn bị kĩ vì sức khỏe không dẻo dai như các bạn trẻ.

Trước mỗi chuyến đi, tôi luôn chuẩn bị kĩ vì sức khỏe không dẻo dai như các bạn trẻ.

Phượt khắp Việt Nam, Lào và Campuchia

Để chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên, tôi mua điện thoại, máy ảnh và sửa soạn hành trang. Tôi và con trai phượt từ Gia Lai lên Buôn Mê Thuột, đổ đèo Phượng Hoàng đến Phú Yên. Sau đó tiếp tục đến Khánh Hòa, khám phá đảo Bình Hưng, Bình Ba và Điệp Sơn.

Mỗi dịp hè, mẹ con tôi lại rồ máy xe, chạy dọc miền Trung và miền Tây. Tôi đèo con trai trên chiếc xe máy, người khệ nệ balo, bơm xe khiến ai đi đường cũng ngoái nhìn. Có thể nói, hành trình phượt Việt Nam là thời gian để mẹ con tôi hiểu nhau hơn, xóa bỏ khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và con cái. Từ đó, con trai trở thành bạn đường, cùng tôi phượt 24 tỉnh Campuchia và 17 tỉnh Lào.

Đến hiện tại, tôi vẫn nhớ rõ con người thân thiện và không khí yên bình tại Lào.

Đến hiện tại, tôi vẫn nhớ rõ con người thân thiện và không khí yên bình tại Lào.

Phong cách phượt của tôi khá từ tốn. Khi đặt chân đến một đất nước, tôi sẽ đi hết các tỉnh để nhìn cách người dân tạo dựng kiến trúc và sinh hoạt, không đơn thuần là chạy lướt qua. Trong chuyến phượt Campuchia, tôi di chuyển bằng chiếc PCX 125 cùng tôi 3 lần xuyên Việt.

Trong mắt tôi, Lào là đất nước nhiều cảm mến. Ban đầu, đi từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), tôi khá sợ khi thấy người dân Lào với khuôn mặt hoang dã và quần áo rách rưới. Tôi đến bắt chuyện, họ cũng rụt rè. Nhưng dần vào thành phố, tôi mới cảm nhận được sự cởi mở, nét cười hiền hòa của người dân. Tỉnh Luang Prabang rất bình yên, khác hẳn với cảm giác khi đến Campuchia. Nơi đây giữ gìn được bản sắc dân tộc, kiến trúc chùa chiền đặc trưng. Mỗi buổi sáng trong lành, đoàn khất thực vẫn đi dọc trên các con đường.

Khi con trai vào đại học, không còn thời gian rong ruổi, tôi quyết định độc hành. Cuối tháng 3, tôi phượt đến Đà Lạt (Lâm Đồng) để tham gia giải chạy cự ly 15 km. Tôi đi qua Trường Sơn Đông - cung đường được đánh giá khó đi bởi diện tích hẹp và rừng núi hẻo lánh. Dù ở tuổi trung niên, tôi vẫn ưa trải nghiệm phiêu lưu hơn là an toàn.

Kết thúc giải chạy, tôi từ Đà Lạt về Nha Trang (Khánh Hòa). Tôi quen phượt trong mưa, nhưng lại chủ quan sương mù nên đổ đèo Khánh Lê trong lớp sương trắng mịt, xe phải liên tục bấm đèn báo động. Tôi đi rất cẩn thận vì xe ga phanh không linh hoạt và đường trơn. Đến đoạn ôm cua, tôi hoang mang khi thấy nhiều người nhốn nháo, vẫy xe bảo dừng lại, trước mắt tôi là chiếc ô tô lật ngửa do trượt bánh. Đi hết đèo, trời bắt quang, tôi tăng tốc về Nha Trang.

Tôi đổ đèo Khánh Lê, đèo Cả trong sương mù và gió mạnh.

Tôi đổ đèo Khánh Lê, đèo Cả trong sương mù và gió mạnh.

Ban đầu, tôi định chạy theo cung đường ven biển, nhưng mưa ngày càng to, gió rít từng cơn, quật mạnh vào sườn xe đến lảo đảo nên tôi dừng lại ở Đại Lãnh (Khánh Hòa). Hôm sau, tôi nương theo lực gió qua đèo Cả đến Tuy Hòa (Phú Yên). Tuy nhiên, sức gió vẫn mạnh, tôi đành đánh lái gần 100 km qua Sông Hinh (Phú Yên) để về Gia Lai.

Mỗi chuyến đi đều có khó khăn và trải nghiệm riêng. Niềm vui lớn nhất là tôi được chiêm ngưỡng cảnh quan của đất nước, điều mà thời trẻ tôi bỏ lỡ. Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện khiến tôi cảm thấy trẻ, khỏe hơn vì tinh thần được bồi dưỡng.

Chinh phục 39 ngọn núi từ Bắc vào Nam

So với các bạn trẻ, tôi hạn chế nhiều về tuổi tác và sức khỏe, nhưng tôi lại là tỷ phú thời gian. Mỗi ngày, tôi đều tập leo thang bộ, chạy bộ dầm mưa để tăng sức bền.

Đến hiện tại, tôi chinh phục thành công "tứ đại đỉnh đèo" gồm Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Vạ và Pha Đin, 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Ngũ Chỉ Sơn (2.858 m), Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m), Pusilung (3.083 m), Khang Su Văn (3.012 m), Pờ Ma Lung (2.967 m), Chung Nhía Vũ (2.918 m), Lùng Cúng (2.913 m)...

Tôi đam mê leo núi, tuổi tác chưa bao giờ là rào cản.

Tôi đam mê leo núi, tuổi tác chưa bao giờ là rào cản.

Tôi chinh phục đỉnh Tà Xùa (Yên Bái) đầu tiên. Sau 6 ngày lái xe đến Trạm Tấu, tôi bắt đầu leo. Đến đoạn sống lưng khủng long, khớp gối tôi mỏi nhừ, bước không nổi và định bỏ cuộc, nhưng lại tự nhủ rằng phải tiếp tục cố gắng. Tôi đến đỉnh lúc 17h, trời đã sầm tối. Hôm đó, tôi ngủ ngoài trời, không chăn chiếu dưới cái lạnh của vùng cao. Đến đêm, trời đổ mưa to, tôi ngủ tại lều hoang, xung quanh là tiếng côn trùng rỉ rả.

Chờ tạnh mưa, tôi tiếp tục leo 9 tiếng để hoàn thành cung đường. Chính tôi cũng bất ngờ trước sức mạnh sinh tồn của bản thân. Đứng trên đỉnh núi mới thấy thiên nhiên Tây Bắc quá đẹp. Trước mắt tôi là cảnh mặt trời mọc, tỏa ra hàng nghìn tia nắng lấp lánh. Tôi cảm giác mình sờ được vào mặt trời, chạm được vào mây.

Đỉnh núi khiến tôi nhớ nhất là Fansipan cao 3.143 m. Khi trời tờ mờ sáng, tôi đã chuẩn bị hành trang leo núi. Tôi nghỉ đêm tại một quán cà phê gần khu cáp treo, nhiệt độ hạ xuống -4 độ C nên tay chân cóng buốt, giấc ngủ cũng chập chờn.

Sáng hôm sau, đúng khoảnh khắc mặt trời ló rạng, tôi đứng phất lá cờ đỏ sao vàng. Bình minh trên đỉnh Fansipan đẹp ngẩn ngơ, nhưng thời tiết quá lạnh, tôi phải nhảy lên nhảy xuống để làm ấm cơ thể.

Tôi cũng chinh phục số ít ngọn núi ở Lào và Campuchia.

Tôi cũng chinh phục số ít ngọn núi ở Lào và Campuchia.

Cuối năm 2023, tôi tiếp tục chinh phục các đỉnh núi thuộc miền Trung và Nam như Bà Đen (Tây Ninh), Chứa Chan (Đồng Nai), Tà Cú (Bình Thuận), Hoàng Ngưu Sơn (Khánh Hòa)… Cùng với đó là các đỉnh thuộc Tây Nguyên như Chư Nâm, Chư Yang Lak, Chư Mư…

Đầu năm nay, tôi đã leo thành công đỉnh Miêu Thạch Sơn, Tim Nà Nọi và thác Nậm Lúc trong 5 ngày liên tục. Trong đó, Miêu Thạch Sơn là một trong những ngọn núi khó, nguy hiểm vì độ dốc hàng nghìn mét.

Tôi không nghỉ chân, mỗi năm, tôi đều tìm hiểu thêm ngọn núi mình có hứng thú để chinh phục. Sau này, tôi có thể dõng dạc nói với các cháu rằng bà đã thật sự hạnh phúc khi chạm đỉnh thành công hàng chục ngọn núi, vượt khỏi giới hạn của tuổi tác và truyền cảm hứng đến nhiều người.

Trúc Hồ (ghi)

Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-60-tuoi-phuot-3-nuoc-dong-duong-va-trekking-39-ngon-nui-post1545257.html