Tội ác mang tên thực phẩm bẩn
Tẩm ướp hóa chất độc hại vào thực phẩm được xem như tội ác với đồng loại. Cái chết không đến tức thời mà nó âm ỉ, len lỏi tàn phá sức khỏe của người dùng. Nhưng, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn bất chấp...
“Làm đẹp” thực phẩm bằng hóa chất
Ngày 7-5-2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt quả tang Công ty TNHH Hoàng Vương ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có hành vi dùng hóa chất độc hại để ngâm cá khô. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 750kg cá đã thành bã được ngâm trong hóa chất Hydrogen peroxide interox ST50.
Trong khuôn viên công ty, các trinh sát phát hiện 2 thùng nhựa màu xanh loại 35kg/thùng, có giấy thông tin bằng chữ Thái Lan và dòng chữ "Interox ST50" to, đậm trên giấy, một thùng đã hết nguyên liệu bên trong, thùng còn lại vẫn đầy chất lỏng. Trên các giấy này ghi dòng nhãn phụ "hóa chất dùng trong công nghiệp dệt, sát trùng...", với thành phần định lượng là "hydrogen peroxide" nhỏ hơn hoặc bằng 50%.
Làm việc với Cơ quan công an, đại diện công ty này thừa nhận sử dụng loại hóa chất trên để ngâm, tẩy rửa cá hơn một năm qua. Từ đầu năm 2021 đến nay mua gần nửa tấn hóa chất trên. Quy trình chế biến cá được thực hiện qua các bước ngâm cá nguyên liệu 3 ngày trong bể nước muối rồi vớt ra cắt đầu, bỏ nội tạng. Sau đó, dùng một bồn nhựa pha trộn 800 lít nước với 1,5 lít hóa chất "hydrogen peroxide interox ST50" bỏ cá sơ chế vào ngâm khoảng 30 phút, rồi đưa ra phơi khô, đóng thùng đưa đi tiêu thụ. Công ty có thâm niên 15 năm sản xuất chế biến cá khô, công suất thiết kế khoảng 30 tấn sản phẩm/năm.
Khi người dân còn chưa hết bàng hoàng thì ngày 18-5, cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh bắt quả tang một cơ sở kinh doanh ngâm 1,8 tấn ốc trong các thùng nhựa hóa chất nhằm làm cho thịt ốc nở ra, bóng đẹp, tăng ký, cùng 700kg hóa chất đựng trong các can nhựa không có nhãn mác. Hàng tấn ốc này sẽ được đưa đi tiêu thụ ở các chợ, sau đó đến các nhà hàng, quán ăn và hộ gia đình.
Là người nghiện ăn đồ khô, đặc biệt là cá, tôm, mực, ông Lê Phúc Thắm (58 tuổi, ngụ P. Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) không khỏi bàng hoàng khi biết tin về cá, ốc tẩm hóa chất. Từ nhiều năm nay, gia đình ông Thắm đều mua thực phẩm khô về ăn, ông lo lắng không biết đã ăn bao nhiêu con cá khô có dính hóa chất rồi. Ông Thắm nói, mình già rồi không sợ chết, chỉ sợ bệnh tật làm khổ con cái. “Con cá từ thối rữa chuyển sang thơm tho, từ đen chuyển sang trắng thì cái bao tử của con người dù tốt đến mấy cũng sẽ bị phá hoại bởi các chất tẩm ướp. Chúng tôi là công nhân, người lao động, đi làm tối mặt tắt đèn, kiến thức xã hội hạn chế, không biết chọn lựa thực phẩm sạch ở đâu, bằng cách nào cho an toàn”, ông Thắm nói.
Thực phẩm bẩn, ngoài hệ lụy lâu dài cho sức khỏe con người, còn gây ra các vụ ngộ độc tức thời, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người dùng. Các vụ ngộ độc xảy ra với triệu chứng nặng như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương, vụ ở Kon Tum khi người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp, bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này nặng bởi nhiễm độc tố của botulinum - độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Thật giả chay - mặn
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh An Giang tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh “Phan Thị Bích Tuyền” do bà Phan Thị Bích Tuyền (SN. 1983, địa chỉ kinh doanh: Tổ 8, ấp Hậu Giang 1, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) làm chủ.
Kiểm tra đã phát hiện hộ kinh doanh “Phan Thị Bích Tuyền” kinh doanh thực phẩm chay không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và các giấy tờ có liên quan đến hàng hóa. Trị giá hàng hóa khoảng 200 triệu đồng với số lượng trên 3 tấn gồm các loại chả chay.
Thực phẩm chay không rõ xuất xứ, nguồn gốc tràn ra các khu chợ, rồi tới gian bếp người dân. Trên bao bì đưa ra vốn để trống hạn sử dụng để các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tự ghi lên đó và mặc sức bán quanh năm mà không bao giờ hết hạn sử dụng. Khi nào món ăn lên men, thiu thối, mốc xanh mốc đỏ họ sẽ chuyển cho các hộ trồng rau và nấm làm phân hữu cơ. Bà Trần Thị Minh (54 tuổi, ngụ Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh) ăn chay trường được hơn 10 năm nay. Bà cho biết, sau 2 lần ăn phải xương cá và lông heo trong chả lụa chay, bà sợ đến sởn gai ốc, từ đó không bao giờ dám mua chả nấm hay chả lụa gắn mác chay nữa.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (26 tuổi, ngụ Q.7, Tp. Hồ Chí Minh) là một người trẻ đang tập ăn chay. Để cải thiện bữa ăn, chị thường mua các loại giò chả chay đông lạnh ở các khu chợ hoặc trên các trang bán hàng online có số lượng người theo dõi lớn. Vì mới tập ăn nên chị Nga không hề có kinh nghiệm về mùi vị cũng như hợp chất có trong sản phẩm. Cứ thấy ngon là ăn và ăn rất nhiều.
Một hôm, vô tình chị Nga nhai trúng một vật gì sần sật, dai dai. Nghĩ nó là cọng nấm nhưng nhai mãi không đứt, chị Nga nhả ra xem thì tá hỏa phát hiện một sợi da heo còn... lổn nhổn lông. Chị Nga đã nhờ người bạn làm trong ngành kiểm định chất lượng đi kiểm tra sản phẩm. Kết quả sản phẩm chả nấm chay có hàm lượng động vật, chất tồn dư lên tới 40%. Chị Nga đã đưa lên các diễn đàn, hội nhóm của người ăn chay cảnh báo.
Một thời gian sau, bị người tiêu dùng tẩy chay, cơ sở chế biến đã “phù phép” cho sản phẩm một tên gọi mới, mặc lớp áo mới và tiếp tục len lỏi vào thị trường thực phẩm chay. Lần này, anh Lê Hoài Phương (25 tuổi) người ăn chay trong nhóm của chị Nga phát hiện. Anh Phương ăn chay từ trong bụng mẹ nên hễ ăn trúng thịt, cá hoặc chất tanh là anh bị đau đầu, chóng mặt rồi nôn mửa. Sau khi ăn hết tô bún Huế chay, anh Phương bắt đầu có các triệu chứng như trên nhưng nghĩ do trời nắng nóng, làm việc căng thẳng nên anh chỉ nằm nghỉ ngơi. Hơn một tiếng sau, anh vẫn nôn thốc nôn tháo, khuôn mặt sưng tấy. Người nhà đưa anh tới bệnh viện cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm.
Anh Phương cho rằng, mình không bị ngộ độc mà là bị dị ứng với chất đạm, cụ thể là thịt động vật và nghi ngờ thủ phạm chính là miếng giò chay trong tô bún Huế. Anh âm thầm quay trở lại quán bún, mua một phần mang về và lấy miếng giò chay đi kiểm tra chất lượng. Kết quả có tới 50% chất đạm động vật.
Thực tế, vì lợi nhuận, một số cơ sở chế biến sản phẩm không từ một thủ đoạn nào để kiếm tiền. Họ lợi dụng lòng tin của người ăn chay, đánh trúng khẩu vị ngon ngọt, vừa miệng, dễ ăn để bán thật nhiều sản phẩm. Các chất thịt cá trộn trong miếng chả chay kia liệu là thịt sạch hay thịt bẩn?
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để đảm bảo an toàn, phòng ngộ độc. Đặc biệt những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng, nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn.
Khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Đối với hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn, cần phải lên án, phê phán và có chế tài thật nặng. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xử lý hình sự đúng người đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có tính răn đe tốt hơn. Những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người dân. Chưa kể những chất độc hại tích tụ sẽ di hại về sau mà không ai định lượng được.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/toi-ac-mang-ten-thuc-pham-ban-643078/