'Tôi bất ngờ tại Bát Tràng bán gốm của Trung Quốc'
Tăng 2 bậc năm 2018, song giá trị thương hiệu Việt vẫn còn ở mức khiêm tốn và cần phải có sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.
Tại “Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức, sáng 17-4, tại Hà Nội, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia, cho biết: Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.
Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ" - ông Phú nhấn mạnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc gia tại Italy, ông Antonio Tedesco, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cho biết, thương hiệu “Made in Italy” đứng thứ 3 trên thế giới về độ nổi tiếng, chỉ sau Coca-Cola và Visa.
Thành quả này có được nhờ sự phối hợp đồng bộ của hệ thống thể chế từ Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Cơ quan thương mại Italy. Giá trị thương hiệu “Made in Italy” tăng đều qua từng năm.
Có được kết quả này, theo ông Antonio Tedesco còn nhờ vào việc xây dựng mạng lưới phủ sóng rộng rãi từ đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa Italy, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp.
Cùng với đó, Italy cũng đặt ra những ưu tiên cho nhóm sản phẩm hàng đầu. “Italy có những thị trường ưu tiên và Việt Nam cũng được liệt vào danh sách này”, ông Antonio Tedesco nói.
Tuy nhiên, khó khăn nhất đó là công tác gìn giữ và bảo vệ thương hiệu để tránh sản phẩm bị làm giả trên thị trường. Ông Antonio cho rằng không quá sớm để Việt Nam nghĩ đến công tác bảo vệ thương hiệu.
“Tôi đã đến Bát Tràng mua gốm và tôi đã khá bất ngờ khi Bát Tràng có bán các sản phẩm gốm của Trung Quốc. Như vậy là sản phẩm gốm của các bạn đã bị làm giả rồi”, ông Antonio Tedesco nói.
Để biến các mục tiêu thành hiện thực thông qua mạng lưới rộng khắp, Italy tổ chức theo chu trình khép kín tại nhiều quốc gia với sự phối hợp của đông đảo Hiệp hội ngành nghề.
Theo ông Bastien Faugeroux, Cố vấn thương mại cao cấp, Trưởng phòng Công nghệ & Dịch vụ, Tổ chức Business France tại Việt Nam cho biết, Pháp có Chương trình mang tên La French Tech. Chương trình tạo ra một cộng đồng lớn mạnh, thúc đẩy sự tăng trưởng của các DN khởi nghiệp và quốc tế hóa hệ sinh thái. Chương trình La Frentech được triển khai để quảng bá DN khởi nghiệp của Pháp ra nước ngoài.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương, Việt Nam vẫn chưa có những thương hiệu uy tín nên giá trị thu được rất thấp.
Ông cũng cho rằng tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và đến nay Việt Nam vẫn chỉ được xem là nước xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công, lắp ráp cung cấp các yếu tố đầu vào cho các tập đoàn lớn để họ tạo nên những thương hiệu lớn. Do vậy việc xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày nay càng trở thành yêu cầu cấp bách đối với đất nước và doanh nghiệp Việt Nam.
Có ý kiến gợi ý nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Diễn, cam Canh, vải Thanh Hà... là thương hiệu vùng mà trong thời gian tới có thể xem xét công nhận là thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá các đặc sản vùng miền của Việt Nam ra thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/toi-bat-ngo-tai-bat-trang-ban-gom-cua-trung-quoc-828457.html