Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ sẽ bị xử phạt như thế nào?

* Bạn đọc Nguyễn Đức Huy ở phường An Hồng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 305, Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể như sau:

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10kg đến dưới 30kg;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30kg đến dưới 100kg;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

c) Làm chết 2 người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100kg trở lên;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

c) Làm chết 3 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

* Bạn đọc Lê Diệu Linh ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc sử dụng pháo hoa?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 17, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Cụ thể như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/toi-che-tao-tang-tru-van-chuyen-su-dung-mua-ban-trai-phep-hoac-chiem-doat-vat-lieu-no-se-bi-xu-phat-nhu-the-nao-808864