Tôi có điên rồ khi đặt mục tiêu quá sức?

Vài năm trước, tôi chợt có ý tưởng điên rồ là tham gia cuộc thi chạy marathon. Tôi chạy chậm, luyện tập đơn giản. Đó có phải điều bất khá thi với tôi?

Ngay cả khi phải trải qua thời điểm khó khăn trong cuộc sống cá nhân, gặp vấn đề trong việc hoàn thành các mục tiêu công việc đúng thời hạn hoặc tăng số lần lặp đi lặp lại, các động tác và cường độ trong mỗi buổi tập, chúng ta đôi khi vẫn có thể làm được những điều tưởng như bất khả thi chỉ bằng cách đơn giản là đặt hết tâm trí vào những công việc đó và thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn nhận thức của chính mình.

Nhưng nếu như không đặt niềm tin vào sức mạnh tiềm ẩn bên trong, chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy ngại phải đối mặt với các thử thách, không nhận ra toàn bộ năng lực của bản thân, hoặc vội từ bỏ giấc mơ của chính mình - tất cả đều có thể là ngọn nguồn của những hối tiếc sau này. Rốt cuộc thì thất bại hay không phụ thuộc vào việc chúng ta sẵn sàng tin tưởng tuyệt đối vào bản thân và khả năng của chính mình.

Câu chuyện là thế này: Vài năm trước, tôi chợt có một ý tưởng điên rồ là sẽ tham gia một cuộc thi chạy marathon. Trước hết, tôi không phải là một vận động viên thi chạy gì cả. Thường thì vào những tháng đẹp trời, tôi chỉ có thể chạy khoảng 2 km mỗi tuần. Thêm vào đó, tôi chạy thật sự, thật sự rất chậm.

Với việc tôi đăng kí tham gia cuộc thi chạy marathon “Rock ‘n’ Roll” vài tháng trước khi cuộc đua bắt đầu chỉ vì một ý thích chợt nảy ra, có thể nói tôi đã ảo tưởng trong việc thiết lập mục tiêu chạy 42 km.

Kế hoạch tập luyện của tôi rất đơn giản: “Chạy xa hơn đoạn đường bây giờ tôi có thể chạy". Trong tuần đầu tiên, tôi chạy một loạt lượt chạy cự ly ngắn mỗi ngày.

 Hãy tin tưởng vào sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình. Nguồn: pond5.

Hãy tin tưởng vào sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình. Nguồn: pond5.

Đến cuối tuần đó, tôi quyết định tham gia một cuộc thi chạy 13 km để kiểm tra sức chịu đựng của bản thân. Phải nói thật rằng chạy được khoảng 8 km thì tôi tưởng như mình sắp chết. Trong những ngày tiếp theo, toàn bộ cơ thể tôi đau nhức và tôi chỉ có thể đi bộ.

Không cân nhắc gì thêm, tôi gác luôn chuyện tham gia chạy marathon sang một bên. Tôi đã thuyết phục bản thân mình rằng đó không phải là sở trường của tôi. Trên thực tế, tôi đã không nghĩ gì cho đến đêm trước cuộc đua.

Tối đó, bạn bè trêu đùa tôi về việc đăng ký tham gia một cuộc đua mà tôi chẳng bao giờ có thể thực hiện được, tôi chợt cảm thấy tội lỗi và hối tiếc sâu sắc. Tôi đã đặt ra cho mình một thử thách lớn, sau đó, lại sợ hãi vì không tin tưởng bản thân có thể thật hiện được. Tôi đi ngủ với gánh nặng đó trong tâm trí.

Buổi sáng ngày hôm sau, tôi thức dậy lúc 5 rưỡi sáng, thậm chí không cần đặt đồng hồ báo thức. Khi nằm trong bóng tối, tôi đã nghĩ thật kỳ quặc làm sao khi tôi thức dậy vào đúng lúc tôi cần phải dậy nếu như tôi định tham gia cuộc thi chạy marathon đó, hai câu hỏi cháy bỏng cứ lởn vởn trong đầu tôi: (1) Liệu tôi có hối tiếc nếu không tham gia cuộc đua? Và (2) Nếu như tôi không từ bỏ, tôi cần làm gì để hoàn thành cuộc đua?

Chắc chắn rằng với việc không tập luyện, hoàn toàn không có một thể trạng tốt và thức muộn vào đêm hôm trước, tôi rất khó thành công. Nhưng giống như cảnh “Chạy đi, Forrest, chạy đi” trong bộ phim Forrest Gump, tôi đột nhiên có cảm hứng muốn chạy. Tôi nhanh chóng vơ lấy đôi giày chạy và chiếc áo phông cũ rồi hướng đến cuộc đua.

Sự phấn khích khi làm một điều tưởng như vô lý đã giúp tôi chạy được nửa đầu chặng marathon. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi dần mất năng lượng. Tốc độ rùa bò vốn có của tôi thậm chí còn trở nên chậm hơn, đến mức một người phụ nữ lớn tuổi chống gậy đi bộ tham gia cuộc đua còn vượt qua cả tôi.

Vào thời điểm đó, tôi phải lựa chọn hoặc từ bỏ cuộc đua và sống với nỗi hối tiếc vì không thể hoàn thành nó, hoặc tìm ra sức mạnh tiềm ẩn bên trong để thúc đẩy bản thân. Tôi cảm thấy khó chịu ở dạ dày, chóng mặt và hụt hơi.

Nhưng tôi lấy sức, cố gắng chạy nhanh hơn một chút và tự nhủ với bản thân rằng tôi sẽ hối tiếc đấy nếu như không tiếp tục tiến lên. Mặc dù tôi mất sáu tiếng và 13 phút để hoàn thành cuộc đua - gấp đôi thời gian so với những người chạy khác - tôi đã thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình là chạy được đến vạch đích cuối cùng.

Tham gia một cuộc thi chạy marathon mà không tập luyện không phải là một ý tưởng sáng suốt. Nhưng trải nghiệm lần đó đã cho tôi thấy rằng khi chúng ta tin tưởng vào sức mạnh tiềm ẩn bên trong, mọi thứ đều có khả năng xảy ra.

Trải nghiệm ấy cũng chỉ ra rằng chúng ta có thể hoàn toàn tránh được nỗi hối tiếc nếu không nản lòng, không đầu hàng quá sớm, hoặc không tự đánh giá thấp bản thân.

Bất cứ khi nào bạn phải đối mặt với một thách thức khó khăn, hoặc một cơ hội dường như là ngoài tầm với, hãy ghi nhớ rằng mỗi chúng ta đều có khả năng chiến thắng những giới hạn và nỗi sợ hãi mà ta tự tạo ra.

Hãy tin tưởng vào bản thân và khả năng của chính mình, quan trọng nhất là tin tưởng vào sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình.

Marc Muchnick / Tân Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-co-dien-ro-khi-dat-muc-tieu-qua-suc-post1322086.html