'Tôi có phải người da đen ở Mỹ đâu mà lên tiếng chuyện biểu tình?'

Nhiều ngôi sao hiphop Trung Quốc từ chối lên tiếng ủng hộ phong trào Black Lives Matter dù chính họ đang thừa hưởng văn hóa âm nhạc từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Năm 2017, chỉ sau chương trình The Rap of China đình đám, cả thế hệ trẻ Trung Quốc bỗng nhiên đam mê với dòng nhạc hiphop. Kéo theo đó, hàng chục ngôi sao hiphop ra đời, với hàng tỷ lượt streaming trên thị trường nhạc số.

Tuy nhiên, những nghệ sĩ hiphop Trung Quốc cùng các fan hâm mộ lại lặng thinh trước làn sóng ủng hộ phong trào Black Lives Matter, mặc dù chính họ đang thừa hưởng văn hóa âm nhạc từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi.Trong số đó, Kris Wu, một ca sĩ kiêm rapper sở hữu 50,9 triệu người theo dõi trên Weibo và 7,3 triệu người trên Instagram, không đưa ra bất cứ bình luận nào về cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. GAI, quán quân của rap show nói trên, cũng giữ im lặng.

Một số nghệ sĩ như Higher Brothers, Vava, Edison Chen và Jackson Wang đã lên tiếng nhưng chỉ trên Twitter hoặc Instagram, những nền tảng vốn bị chặn ở Trung Quốc.

Sun Bayi, một rapper 29 tuổi đến từ Bắc Kinh, cho rằng anh không có quyền bình luận về phong trào Black Lives Matter.

“Tôi hiểu phân biệt chủng tộc là như thế nào. Tuy nhiên, thật khó để đồng cảm khi tôi không phải người da đen hay sống tại Mỹ. Tôi nên nói thế nào bây giờ?”, anh cho biết.

Sự lặng thinh của giới hiphop Trung Quốc trái ngược hoàn toàn động thái của các nghệ sĩ khác trên thế giới, dù họ là người da đen hay không phải người da đen.

 Nhóm nhạc nam Kpop BTS quyên góp 1 triệu USD cho chiến dịch Black Lives Matter. Ảnh: Getty Images.

Nhóm nhạc nam Kpop BTS quyên góp 1 triệu USD cho chiến dịch Black Lives Matter. Ảnh: Getty Images.

Loạt ngôi sao như Kanye West, Lil Baby, BTS... sẵn sàng xuống đường tham dự biểu tình, viết các ca khúc cho phong trào cũng như quyên góp ủng hộ quỹ chống phân biệt chủng tộc.

Tuy hiphop ở Trung Quốc đạt được những thành công lớn, nó đang bị tách rời khỏi nguồn gốc văn hóa da đen. Điều này thu hút không ít những chỉ trích cả trong và ngoài ngành âm nhạc.

Nền hiphop Trung Quốc "mất gốc"

Hiphop vốn bắt nguồn từ Bronx (New York) vào những năm 1970 như một cách để thế hệ trẻ da đen bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Lời ca đa phần nói về sự phân biệt chủng tộc, bạo lực và nghèo đói.

Hơn 20 năm sau, dòng nhạc này xuất hiện ở giới underground Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ, dù có một đóng góp vào nền âm nhạc đất nước tỷ dân, hiphop vẫn chưa được công nhận rộng rãi do ca từ mang tính bạo lực và suy đồi.

 Nhờ có show The Rap of China, nền hiphop ở Trung Quốc mới bắt đầu được đón nhận rộng rãi. Ảnh: AFP.

Nhờ có show The Rap of China, nền hiphop ở Trung Quốc mới bắt đầu được đón nhận rộng rãi. Ảnh: AFP.

Cho tới khi chương trình thực tế The Rap of China tạo tiếng vang lớn, hiphop mới được công chúng biết đến rộng rãi. Các nhà kiểm duyệt Internet và kênh truyền hình Trung Quốc cuối cùng cũng cho loại hình âm nhạc này phát triển, miễn là mang tư tưởng ủng hộ nhà nước cầm quyền.

Nathanel Amar, một nhà nghiên cứu về nhạc pop Trung Quốc, cho biết hiphop ở quốc gia này “mất gốc”, tức nó không có mối liên hệ nào với sự bất công và phân biệt chủng tộc.

Cụ thể hơn, dòng nhạc này vốn gắn liền với những cuộc đấu tranh vì quyền công dân của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Nhưng những nghệ sĩ hiphop Trung Quốc chỉ coi nó là một xu hướng âm nhạc thế giới.

Rapper Sun Bayi thường xuyên viết những ca khúc hiphop về cuộc sống thường ngày ở Trung Quốc, từ chuyện giới trẻ gặp áp lực khi phải kết hôn sớm cho đến việc ca ngợi những nỗ lực của chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Anh cho rằng loại hiphop biểu tình không phù hợp với quốc gia của anh.

 Rapper Sun Bayi "không đồng cảm" với phong trào chống phân biệt chủng tộc. Ảnh: Handout.

Rapper Sun Bayi "không đồng cảm" với phong trào chống phân biệt chủng tộc. Ảnh: Handout.

“Người da đen sử dụng âm nhạc như một công cụ chống lại sự bất bình đẳng màu da. Tôi nghĩ đó là một điều đúng đắn vì họ đang bảo vệ quyền lợi cho chủng tộc. Nhưng ở Trung Quốc chúng tôi không cần phải nổi dậy bởi người dân đang sống trong yên bình”, Bayi nói.

Trên thực tế, ngay chính người da đen sống tại Trung Quốc cũng bị kỳ thị và áp đặt nhiều định kiến.

Năm 2018, khi bị tẩy chay vì những ca khúc cổ súy sử dụng ma túy và phân biệt giới tính, rapper người Trung PG One đổ lỗi cho việc “bị ảnh hưởng xấu từ văn hóa người da đen”.

Stephanie Shonekan, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Đại học Massachusetts (Mỹ), cho biết lịch sử người da đen thường không được biết tới nhưng các sản phẩm văn hóa của họ lại được đón nhận và lan rộng trên toàn cầu.

“Nhắc đến nền âm nhạc phương Tây, chúng ta không thể bỏ qua Beethoven và Mozart. Tương tự, khi nói tới phong trào Black Lives Matter, chúng ta nên nhận thức được rằng lịch sử của những nhà sáng tạo và thiên tài da đen cũng quan trọng không kém”, cô nói.

 Nếu không lên tiếng, các nghệ sĩ hiphop quốc tế không khác gì đang chiếm dụng văn hóa người da đen. Ảnh: Getty Images.

Nếu không lên tiếng, các nghệ sĩ hiphop quốc tế không khác gì đang chiếm dụng văn hóa người da đen. Ảnh: Getty Images.

Giáo sư hy vọng có nhiều nghệ sĩ và người hâm mộ hiphop lên tiếng hơn nữa nhất là khi họ đang sử dụng loại hình âm nhạc do người Mỹ gốc Phi sáng tạo. Không chỉ riêng hiphop, di sản văn hóa của người da đen còn có nhạc blues, soul, jazz và R&B.

“Tôi tin rằng các nghệ sĩ hiphop và fan của họ đều có trách nghiệm cất tiếng ủng hộ. Nếu không, họ cũng chẳng khác gì những người da trắng thượng đẳng đang chiếm dụng văn hóa và áp bức dân tộc người da đen”, Shonekan cho biết.

Rapper Nasty Ray là một trong số những nghệ sĩ trẻ chưa được biết đến nhiều. Tuy nhiên, chàng trai này đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên cả Weibo và WeChat.

“Hiphop không chỉ là một dòng nhạc, nó là cả nền văn hóa và phong cách sống. Khi thấy có sự việc bất công xảy ra, xin ai có lương tâm thì hãy lên tiếng”, anh nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-co-phai-nguoi-da-den-o-my-dau-ma-len-tieng-chuyen-bieu-tinh-post1098209.html