Tôi đã có 'cuộc hẹn 9+' với ngôi nhà chung
Không gì nhanh bằng thời gian, tôi đã gắn bó với Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội tròn 9 năm. Từ hình ảnh cô phóng viên (PV) thực tập chập chững bước vào nghề báo, tôi được rèn giũa, được giữ lửa, say nghề với những trang báo sống động cùng thời cuộc.
9 năm thanh xuân
9 năm qua, tôi vẫn “đóng đinh” với màu sắc của trang văn hóa, xã hội. Dù tên gọi của phòng tôi có sự thay đổi lớn từ Phòng Văn hóa, Tổ Văn Xã, nay được đổi tên là Tổ Xã hội thuộc Ban Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị). Sự thay đổi về cơ chế hoạt động cũng là dấu mốc để PV văn hóa chúng tôi được “đá sân” thêm các lĩnh vực khác nhau. Nổi bật là các PV văn hóa tham chiến trong các loạt bài phóng sự.
Tôi nhớ thời điểm Cty bảo hiểm nhân thọ Manulife và Ngân hàng SCB bị hàng loạt khách hàng “tố” về việc “hô biến” tiền gửi tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Hình ảnh người dân điêu đứng trước khoản tiền tiết kiệm có nguy cơ bị “mất trắng” cùng với đó là thông tin khó hiểu từ các điều khoản ràng buộc cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, sau khi được Phó Trưởng ban Nguyễn Tuyết Mai phân công, tôi nhanh chóng thực hiện loạt bài “Cảnh giác “bẫy ngầm” từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”.
Trước đề tài “nóng”, tôi đã gấp rút việc triển khai phỏng vấn các đại lý bảo hiểm, GĐ chi nhánh của Cty bảo hiểm nhân thọ Manulife. Dưới danh nghĩa là một khách hàng từng mua sản phẩm bảo hiểm của Cty này, tôi đã nắm bắt thêm một số “luật ngầm” trong tư vấn của các đại lý bảo hiểm nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng.
Loạt bài 4 kỳ đã mô tả sắc nét về các “chiêu trò” của các đại lý trong phương thức ký hợp đồng bảo hiểm, cùng với việc lên án tình trạng “bán bia kèm lạc”, là việc khách hàng bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng.
Sau loạt bài bảo hiểm nhân thọ, tôi tiếp tục thực hiện loạt bài 3 kỳ về “Tình cảnh của bệnh nhân nghèo mùa nắng nóng”. Thời điểm triển khai đúng lúc Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm, nền nhiệt ngoài trời xấp xỉ 40 độ C. Sau cuộc họp cơ quan, khoác vội áo chống nắng, vai đeo balo với lỉnh kỉnh bút, sổ viết, máy ảnh, tôi phóng xe máy đến ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) hay còn gọi là “xóm chạy thận”. 11h30, các bệnh nhân chạy thận từ BV Bạch Mai, BV Đống Đa cũng đã trở về phòng trọ.
Chứng kiến hình ảnh phòng trọ tồi tàn, xập xệ, có căn phòng chỉ rộng chừng 4m2 với giá thuê 900.000 đồng/phòng cũng là giá thuê rẻ nhất tại “xóm chạy thận”. Gọi là phòng trọ cho “sang” chứ chiều cao với tay là đến trần nhà, các vật dụng sinh hoạt được tối giản với nồi cơm điện, cái xoong, chiếc quạt và mấy chiếc xô, chậu nhỏ. Cuộc sống tạm bợ khiến cho những người bệnh vốn đau yếu càng thêm lay lắt vì nắng nóng. Rời “xóm chạy thận” với bao cảm xúc bộn bề, tôi tiếp tục tìm đến những gia cảnh bệnh nhân nghèo tại BV Nhi Trung ương, BV K cơ sở Tân Triều…
Đằng sau những câu chuyện, phận đời nghèo khó là những nghị lực chống chọi với bệnh tật, là chương trình thiện nguyện ý nghĩa, là chương trình “Đổi sao lấy quà” của Phòng Công tác xã hội BV Nhi Trung ương, là chương trình “Tủ quần áo từ thiện” từ BV K Tân Triều trở thành “liều thuốc” của niềm tin giúp những bệnh nhân xoa dịu nỗi đau bệnh tật.
Khát khao cống hiến
Bên cạnh các loạt bài phóng sự chạy theo thời cuộc, tôi vẫn thực hiện tuyến bài chuyên sâu các vấn đề chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể là loạt bài 3 kỳ về “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” do UBND phường Trúc Bạch triển khai. Đây cũng là mô hình đầu tiên TP Hà Nội, là điểm sáng mô hình chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính, nhận được sự ghi nhận tích cực từ phía người dân.
Có dịp theo chân các tình nguyện viên “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” phường Trúc Bạch xuống hỗ trợ người dân trong công tác dịch vụ công, tôi thấu hiểu được những vất vả, khó khăn của mỗi cán bộ cơ sở. Bất kể thời tiết nắng nóng, làm việc ngoài giờ hành chính, cả ngày nghỉ cuối tuần, chỉ cần người dân gọi điện, các cán bộ trẻ, mẫn cán lại sắp xếp công việc chuyên môn để lên đường hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, tạo bước đột phá trong việc thay đổi thói quen khó bỏ của người dân khi phát sinh dịch vụ công từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến.
Hà Nội là vùng đất có truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến, kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử, việc giữ lửa nghệ thuật truyền thống không chỉ là bảo tồn mà còn phải phát huy giá trị văn hóa đến với cộng đồng.
Qua loạt bài “Giữ lửa nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại”, bài viết đã khắc họa dấu ấn đặc biệt của Nghệ nhân Nhân dân Phan Kim Dung trong việc gìn giữ nét đẹp âm nhạc dân tộc của ngôi làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Đó là hành trình “truyền lửa” âm nhạc dân tộc của Chủ nhiệm CLB Cầm ca Lê Hà Thu. Đó là màu sắc nghệ thuật đường phố và nỗ lực xây dựng “Thành phố sáng tạo”, trở thành “đòn bẩy” phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội.
Với thông điệp ý nghĩa, loạt bài “Giữ lửa nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại” từng lọt chung khảo giải “Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” năm 2022 do Thành ủy Hà Nội tổ chức và giải Khuyến khích Cuộc thi phóng sự, ký, ghi chép năm 2023 do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức.
Nghề báo đã giúp tôi được đi, gặp gỡ, được thỏa sức đam mê, rong ruổi với nhiều đề tài khác nhau. Có những chuyến đi lưu giữ nhiều kỷ niệm về nghề như đợt công tác Lý Sơn năm 2014; phỏng vấn chiến sĩ Đinh Văn Dương - người sống sót duy nhất trong vụ chiếc máy bay Mi-171 bị rơi cháy tại Thạch Thất năm 2015.
Có những câu chuyện cảm động về người thầy khiếm thị Phạm Đình Thắng, là hành trình thiện nguyện của bà Phan Thị Bính - người phụ nữ bán đất tiền tỷ làm từ thiện, là nghị lực vươn lên của các “gương mặt vàng” thể thao Hà Nội như Dương Thúy Vi (Wushu), Đinh Văn Thành (Thể dục dụng cụ), Bùi Thị Thu Thảo (Điền kinh),…
Từ những câu chuyện đời của các nhân vật đã “truyền lửa” đam mê nghề báo để tôi có thêm nỗ lực cống hiến, vượt qua thử thách trong thời đại báo chí công nghệ số 4.0.
9 năm gắn bó với nghề báo cũng là 9 năm thanh xuân và trưởng thành tại “ngôi nhà chung” Pháp luật và Xã hội. Tháng 7 này, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội kỷ niệm 17 năm thành lập. Tôi xin được gửi lời tri ân đến các đồng nghiệp và chúc cho ấn phẩm Pháp luật và Xã hội ngày càng phát triển và tạo dấu ấn với bạn đọc xa, gần.