Tôi đã thấy công bằng xã hội ở Bắc Âu
Suốt những năm tháng lang thang khá nhiều thành phố như New York, Paris, Berlin, Rome, Madrid, Vienna, Stokhom, Thượng Hải, Bắc Kinh tôi chỉ thấy sự giàu có, lộng lẫy, nhưng không cảm nhận được chút gì về chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của tôi, cho đến một lần đứng chờ xe buýt ở dưới chân núi Alps tôi thấy ở trạm chờ có một túi nylon đựng báo, giá mỗi tờ 1 euro, tương đương một ổ bánh mì; bên cạnh có một hộp nhỏ để nhét tiền.Để tạo ra phúc lợi xã hội, mọi người dễ nhìn thấy ở tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp ở các quốc gia Bắc Âu khá cao. Nhưng chỉ dừng lại như vậy chưa đủ, mà phải phân tích sâu hơn về các loại thuế, kỹ thuật đánh thuế, các điều kiện để được hưởng trợ cấp xã hội.
Mọi người có thể lén đọc báo rồi nhét lại như cũ, thậm chí cuỗm luôn hộp tiền mà chả có camera giám sát hay ai đó nhìn thấy vì phố núi rất hoang vắng. Nhưng không ai lấy cắp cả. Tôi chợt ngộ ra, phúc lợi xã hội đã tốt đến mức lòng tham và nỗi sợ đã giảm xuống gần bằng 0 tại đây. Chủ nghĩa xã hội hiện thực là đây.
Một kiểu Chủ nghĩa xã hội hiện thực tại Bắc Âu
Các thảo luận dẫn tới sự hình thành nên tư tưởng về chủ nghĩa xã hội nổ ra ở châu Âu trong giai đoạn “chủ nghĩa tư bản dậy thì” chưa thành công với rất nhiều trục trặc bất ổn. Nổi bật là tác phẩm Zur Kritik der politischen Oekonomie của triết gia thành Trier. Tư tưởng này sau đó trải qua nhiều lần phân nhánh và được diễn giải áp dụng khác nhau bởi các chính trị gia ở các quốc gia khác nhau vào các thời kỳ khác nhau. Một trong phân nhánh đó là trường phái Menshevik.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, các quốc gia Bắc Âu tái thiết đất nước, tuy không tuyên bố đi theo đường lối Menshevik hay dựa vào niềm tin Menshevik, nhưng họ đã thiết lập, thúc đẩy, kiểm soát nền kinh tế thị trường theo những gì mà trường phái Menshevik nêu ra: ghi nhận công sức và trí tuệ của mỗi con người đối với sản phẩm họ tạo ra, bảo vệ trước sự xâm phạm của người khác bằng khái niệm “tư hữu”; thừa nhận quy luật vận hành khách quan của kinh tế thị trường để thúc đẩy hiệu quả tạo ra của cải vật chất của loài người. Điểm khác biệt của họ so với các nền kinh tế thị trường ở bên kia bờ Đại Tây Dương nằm ở thành tố chủ nghĩa xã hội: chú trọng giảm khoảng cách giàu nghèo, tạo cơ hội bình đẳng cho người nghèo bằng phúc lợi về giáo dục y tế vượt trội. Nhưng họ cũng khác với những người Melshevik ở chỗ, họ không tìm thấy cơ sở để xây dựng niềm tin rằng sẽ tiến tới xóa bỏ quyền tư hữu thì của cải trong xã hội sẽ nhiều hơn, nhân loại sẽ no đủ và hạnh phúc hơn.
Hết ám ảnh ăn, mặc, ở, được tự do theo đuổi đam mê
Nhờ của cải của dân tộc được tích tụ qua hàng thế kỷ phát huy ưu điểm của quyền tư hữu và kinh tế thị trường, cùng với các chính sách phù hợp về tái phân phối thu nhập, tạo phúc lợi xã hội qua thuế, các loại quỹ và các thể chế chống tham nhũng thành công, phúc lợi xã hội tại các quốc gia Bắc Âu rất lớn.
Hầu hết các quốc gia tại đây duy trì chính sách miễn học phí từ mầm non đến tiến sĩ cho những người có thu nhập trung bình trở xuống; bảo đảm 100% công dân có nhà ở xã hội, thậm chí còn mở rộng quyền này sang cho những người tị nạn, không quốc tịch; các nhu yếu phẩm, nhu cầu tinh thần cơ bản được ngân sách hỗ trợ một khoản xấp xỉ học bổng mà chính phủ các quốc gia đang phát triển dành cho các nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ tại Bắc Âu.
Không chỉ mình không sợ bị đói, không sợ bị vô gia cư mà con mình, bạn mình, người thân của mình đều đã có lưới an sinh xã hội nâng đỡ, họ sẽ ít lòng tham, bởi các nhu cầu cơ bản trong tháp nhu cầu Maslow đã được bảo đảm bởi phúc lợi xã hội. Biểu hiện ra bên ngoài, tỷ lệ tội phạm liên quan tài sản thấp hơn so với mô hình kinh tế thị trường laissezfaire ở bên kia bờ đại dương; và hiện tượng bức xúc dồn nén, xả súng giết người vô cớ ít diễn ra.
Học tập miễn phí, không bị ám ảnh bởi nỗi sợ đói, vô gia cư, khiến cho tỷ lệ sinh viên phải chọn, phải học những nghề mình không yêu thích, không hợp sở trường sẽ thấp đi; mức độ hạnh phúc tăng lên, tỷ lệ “đúng người, đúng việc, đúng đam mê” tăng lên và vì vậy hiệu quả sử dụng lao động tổng thể trong xã hội tăng lên để bù đắp một vài sở thích hay sự phiêu lưu nghề nghiệp trong quá trình dò tìm đam mê, sở trường.
Chính sách thuế thông minh; kiểm soát chặt chẽ gigan-techs
Để tạo ra phúc lợi xã hội, mọi người dễ nhìn thấy ở tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp ở các quốc gia Bắc Âu khá cao. Nhưng chỉ dừng lại như vậy chưa đủ, mà phải phân tích sâu hơn về các loại thuế, kỹ thuật đánh thuế, các điều kiện để được hưởng trợ cấp xã hội.
Khi so sánh với pháp luật các quốc gia đang ở giai đoạn tư bản điên cuồng, có thể thấy một số điểm nổi bật:
Thứ nhất, muốn có quỹ nhà ở xã hội đầy đủ, quốc gia đó phải hạn chế được hiện tượng đầu cơ bất động sản. Để đạt được điều này, họ thực hiện nhiều chính sách đồng thời: (a) ưu tiên cho các dự án bất động sản cho thuê thay vì bán đứt; (b) đánh thuế sở hữu bất động sản đối với căn nhà thứ hai; (c) bất kỳ ai sở hữu bất động sản thì phúc lợi xã hội sẽ bị giảm về gần zero; con cái phải đóng học phí, viện phí… cao hơn mức bình thường; (d) pháp luật bảo vệ quyền lợi ổn định của người thuê nhà, ví dụ: giá thuê hàng năm không được tăng cao hơn so với tỷ lệ lạm phát; không bị chấm dứt hợp đồng thuê nếu không có hành vi vi phạm…
Thứ hai, đánh thuế thừa kế, thuế đối với tiền lãi ngân hàng, một mặt tạo nguồn thu, giảm khoảng cách giàu nghèo, một mặt hạn chế hiện tượng “tiền nhàn rỗi” không tham gia đầu tư.
Thứ ba, cùng là thực phẩm, những thứ cơ bản như sữa, trứng, thịt heo, thịt gà, bắp cải, bánh mì thường thì thuế VAT gần bằng zero; bắt đầu từ thịt bò, hải sản tươi sống, trứng cá… thuế suất VAT sẽ tăng lên rõ rệt. Điều này làm cho cuộc sống của người nghèo trở nên rất dễ chịu.
Cũng bởi vì phúc lợi xã hội nói chung và phúc lợi giáo dục nói riêng tốt, nên tỷ lệ tầng lớp trung lưu ở xã hội Bắc Âu cao hơn phía bên kia bờ Đại Tây Dương; các đảng cánh tả, các khuynh hướng, phong trào bảo vệ môi trường, quyền riêng tư… giành được vị thế tốt trong chính trường. Từ đó luật pháp của các nước Bắc Âu có khuynh hướng khắt khe và kiểm soát các gigan-techs (những công ty khổng lồ về công nghệ) chặt chẽ hơn; nguy cơ lạm dụng của các gigan-techs giảm xuống tương ứng, con người được sống giống người nhiều hơn là robot.
Chủ nghĩa xã hội được hiện thực ở Bắc Âu bởi vì nó đích thực dựa trên các quy định pháp luật có tác dụng giảm khoảng cách giàu nghèo.
——–
(*) Trọng tài viên VIAC, Hiệu trưởng GDU
PGS.TS. Võ Trí Hảo (*)
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/toi-da-thay-cong-bang-xa-hoi-o-bac-au/