Tội danh nào cho kẻ 'làm bẩn nhà' người khác?
Khóa cửa nhà người khác, ném 'bom bẩn', quả nổ... những việc 'chơi xấu' như thế có bị coi là ' hành vi tội phạm'?
Những tình huống trả thù... dở khóc dở cười
Mới đây, tại TP.Nha Trang, một tình huống khá lạ đã xảy ra với một số hộ dân ở phường Tân Lập: Đang đêm ngủ bị kẻ xấu khóa cửa ngoài, sáng dậy phải kêu thợ đến phá khóa mới ra khỏi nhà được.
Ngày 23/3, chị V. ở hẻm số 5 Tô Hiến Thành, phường Tân Lập, TP. Nha Trang (Khánh Hòa), đã đến cơ quan công an trình báo sự việc gia đình chị bị kẻ xấu khóa cửa ngoài trong đêm, sáng dậy phải gọi thợ khóa đến mới phá khóa được.
Nhờ gia đình chị có trang bị hệ thống camera bảo vệ, khi xem đoạn phim ghi lại xác định, khoảng 1 giờ ngày 21/3, có hai đối tượng đi xe máy đến khóa cửa với loại khóa thường (trị giá khoảng vài chục nhìn đồng), chúng hành động một cách chớp nhoáng rồi tẩu thoát. Trước đó, hai ngày, nhà anh P kế bên, cũng bị khóa tương tự.
Còn chị H., ở đường Nguyễn Trãi, cho biết nhà chị bị kẻ xấu khóa cửa, xong chúng còn xịt thêm keo vào khóa, phải dùng đến dụng cụ cắt khóa mới xong. Những hộ dân này và các hộ dân kế cận đó đang rất hoang mang, tức giận. Bởi, hạnh động như trên, nếu bình thường có thể sẽ là trò đùa gây phiền toái, nhưng nếu trong nhà có người xảy ra bệnh nguy cấp, hoặc hỏa hoạn thì hậu quả khó lường.
Trước đó, tháng 1/2014, tại Hà Nội, một gia đình đã có đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng vì liên tục bị ném phân bẩn vào nhà. Theo bà Lục, trú tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội, nạn nhân của vụ việc, thì do mâu thuẫn của bà với bà hàng xóm về việc hàng xóm lấn chiếm đất công.
Người hàng xóm đã rất nhiều lần chửi bới, xúc phạm gia đình bà. Và gần đây nhất là phân, chất thải được ném liên tục vào nhà bà Lục, và cho dù không bắt tận tay, bà Lục khẳng định thủ phạm chính là người hàng xóm hung dữ của mình, đồng thời trình báo đến cơ quan chức năng can thiệp.
Tại TP.HCM, một ngày thuộc tháng 10/2013, nhiều người dân gần nhà bà N.T.A. (số 232/5/6 đường Bà Hạt, quận 10, TP.HCM) nghe một tiếng động chát tai, ngay sau đó người dân thấy một đám thanh niên khoảng 8 tên mặt mày côn đồ, bỏ chạy theo hướng đường Lý Thái Tổ, quận 10. Tiếng động phát ra ở nhà bà A. được xác định là một quả nổ tự chế.
Những người dân gần đó cho biết, trước đó thấy có khoảng 8 đối tượng hung hãn đi trên 4 xe gắn máy dừng trước hẻm 232. Một đối tượng xuống xe đi bộ vào nhà bà A. và đứng cách nhà bà A. khoảng 3 mét ném một vật thể lạ vào nhà rồi bỏ chạy ra ngoài leo lên xe của đồng bọn tẩu thoát.
Vật thể lạ lăn vào trong nhà phát ra một tiếng nổ lớn. Nghe tiếng nổ và thấy khói bốc lên cao nên nhiều người dân trong hẻm hoảng hốt chạy vào nhà chốt cửa lại vì nghĩ hai nhóm giang hồ bắn nhau.
Tại hiện trường nơi quả "bom" phát nổ, một số vật dụng bị hư hỏng, rất may lúc này một số người trong nhà không có ở khu vực quả nổ rơi vào nên không nguy hại đến tính mạng.
Cũng trong thời điểm giữa và cuối năm 2013, tại nhiều địa phương đã rộ lên hành vi trả thù bằng... chất bẩn. Với nhiều lý do: Đòi nợ, trả đũa, dằn mặt... nhiều kẻ đã có hành vi ném chất thải, chất bẩn vào nhà nạn nhân của mình nhằm gây hoang mang, sợ hãi cho nạn nhân.
Tháng 8/2013, tại Hà Nội, bà Hứa Phương Minh đã bị cơ quan điều tra công an quận Cầu Giấy triệu tập vì hành vi thuê người ném mắm tôm vào nhà bà H., người làm thuê theo giờ trước đây của mình, chỉ vì nghi ngờ bà H... đi nói xấu gia đình bà.
Nhiều tội danh cho các hành vi “trả đũa”
Nhiều trường hợp khác, có những nạn nhân bị ném rác, bom bẩn, xác súc vật hoặc... vàng mã vào nhà. Ngoài những đối tượng mà "kẻ giấu mặt" nhắm đến, có không ít trường hợp "tai bay vạ gió", chủ nhà không thể hiểu nổi mình có thù oán gì với ai, lý do gì mà bị "trả đũa" như thế.
Hậu quả của những hành vi này chưa quá lớn, nhưng hầu hết đã gây phiền phức, tổn hại tài sản và hoang mang, sợ hãi cho các nạn nhân.
Phân tích các hành vi trên, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Văn phòng Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Những hành vi “khủng bố” tinh thần người khác như: Khóa trái cửa, ném “bom” bẩn, xác súc vật, chất nổ tự tạo… vào nhà người khác để đòi nợ, trả đũa, dằn mặt… thời gian gần đây có xu hướng phổ biến hơn. Tất cả những hành vi này tuy mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng đều trái với quy định của pháp luật.
Về sự việc xảy ra tại Nha Trang, hành vi khóa trái cửa nhà của người khác nhốt họ trong nhà là xâm phạm đến quyền tự do đi lại của người khác . Hành vi này có thể bị truy tố và phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm về “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo điều 123 BLHS.
Những trường hợp dùng chất nổ để “khủng bố” tinh thần của người khác nhằm đòi nợ, trả đũa, đe dọa… hoặc nhiều lý do khác là hành vi cực kỳ nguy hiểm. Hành vi này có thể phạm vào một trong các tội hoặt cùng lúc phạm nhiều tội trong các tội: “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo điều 143 BLHS, mức phạt có thể từ 6 tháng tù đến tù chung thân; “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại điều 104 BLHS, khung hình phạt từ 6 tháng tù đến tù chung thân; tội “giết người” theo điều 93 BLHS, khung hình phạt từ 7 năm tù đến tử hình; “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” theo điều 232 BLHS, khung hình phạt từ một năm tù đến tù chung thân.
Về những trò trả thù như ném “bom” bẩn vào nhà người khác là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng theo Điểm a Khoản 2 Điều 7 của nghị định của chính phủ số 167/2013/NĐ-CP.
Nếu hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ức chế rất lớn đến tâm lý của người bị hại nên với mức phạt như thế này thì khó có thể đủ sức răn đe. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cơ quan pháp luật nên ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hành vi này làm cơ sở truy tố tội “xâm phạm chỗ ở của công dân” với khung hình phạt từ 3 tháng tù đến 3 năm tù mới đủ sức răn đe.
Như vậy, theo phân tích của Luật sư Hiệp, các hành vi nói trên đã đủ cấu thành các tội danh và có chế tài xử phạt hẳn hoi, cần có bàn tay luật pháp xử lý để răn đe, giúp cho hiện tượng này giảm bớt, không còn gây hoang mang, sợ hãi cho nhiều bộ phận người dân./.