Tội danh tham nhũng, tham ô: Tử hình hay chung thân không giảm án?
Trước thực trạng nhức nhối của xã hội, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề có nên giữ hình phạt tử hình cho các tội danh tham nhũng, tham ô.

Trong bối cảnh xã hội đang lên án mạnh mẽ các hành vi tham nhũng, việc có nên duy trì hình phạt tử hình cho các tội danh này hay không đã trở thành một câu hỏi lớn, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các nhà làm luật. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ngày 27/5, Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã chứng kiến những tranh luận gay gắt của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề hình phạt đối với tội tham nhũng, tham ô.
Trong bối cảnh xã hội đang lên án mạnh mẽ các hành vi tham nhũng, việc có nên duy trì hình phạt tử hình cho các tội danh này hay không đã trở thành một câu hỏi lớn, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các nhà làm luật.
Chuộc tội tử hình bằng tiền?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đưa ra một ví dụ cụ thể về vụ án Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB, trong đó bị cáo đã gây thất thoát "cả triệu tỷ đồng" và ông cho rằng nếu bà Lan khắc phục được hơn nửa phần tiền này, thì Việt Nam xây dựng được tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam được 50%.
“Trước giờ, tội tham nhũng, tham ô thì chưa tử hình một ai. Tuy nhiên, có những vụ án Viện Kiểm sát đề nghị tử hình đối với một số đối tượng (như vụ SCB và một vụ khác). Song, khi Viện Kiểm sát đề nghị tử hình thì vài hôm sau gia đình mang tiền ra để chuộc tội," ông Hòa nhấn mạnh.
Do đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị phải giữ lại hình thức tử hình đối với tội tham nhũng, hối lộ. Theo ông, quy định tội tử hình là để phòng ngừa, răn đe cảnh tỉnh. Đặc biệt là tội tham nhũng - Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là phải trừng trị thích đáng những đối tượng này.
Cùng chung quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự không đồng tình với việc bỏ tội tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ. Ông cho rằng cần phải giữ hình phạt này để có tác dụng răn đe và hiệu quả cao trong thu hồi tài sản.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang bày tỏ sự không đồng tình với việc bỏ tội tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ông Sang dẫn chứng hai vụ án gần đây (bao gồm vụ án AVG thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và vụ án chuyến bay giải cứu) đồng thời cho biết cả hai vụ này đều có một đặc điểm chung là sau khi tuyên án tử hình, bị cáo và gia đình bị cáo mới nộp khắc phục toàn bộ hậu quả.
Theo ông Sang, những ví dụ này là minh chứng cho thấy tác dụng răn đe của hình phạt tử hình đối với tội phạm tham nhũng. Ông đặt câu hỏi liệu việc bỏ tử hình có làm tăng hiệu quả thu hồi tài sản hay không và đề nghị đánh giá tác động của việc này đối với những loại tội phạm này.
"Tù chung thân không giảm án" liệu có đủ sức răn đe?
Một trong những giải pháp đưa ra để thay thế cho hình phạt tử hình là hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Tuy nhiên, một số đại biểu đã bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của hình phạt này.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng việc áp dụng hình phạt chung thân không xét giảm án chưa hẳn là nhân văn hơn đối với hình phạt tử hình. Bà phân tích rằng nếu bị tuyên án tử hình, phạm nhân vẫn còn cơ hội xin ân xá, đặc xá của Chủ tịch nước và có thể được giảm xuống chung thân. Trong khi đó, phạm nhân bị tuyên án tù chung thân không xét giảm án sẽ phải ở trong tù suốt đời.
Vì vậy, bà Dung lo ngại rằng hình phạt này sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc cải tạo, giáo dục phạm nhân.
"Những người bị tuyên án tù chung thân không xét giảm án sẽ hiểu rằng suốt cuộc đời phải ở trong tù nên có thể sẽ phát sinh việc chống đối, quậy phá, không tham gia lao động, giả ốm đau hoặc phát sinh ý nghĩ, hành vi tiêu cực. Bởi vì, họ nghĩ có cải hối cũng không thể được trở lại hòa nhập với cuộc sống của cộng đồng," bà Dung nói.

Ông Nghĩa cho rằng khi thiết kế pháp luật cần phải chú ý đến việc bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tại nghị trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) kêu gọi sự cân bằng trong việc bảo đảm quyền lợi giữa phạm nhân và nạn nhân.
"Chúng tôi đề nghị có một sự cân bằng trong việc bảo đảm quyền lợi giữa phạm nhân và nạn nhân. Nạn nhân trong một số trường hợp có thể là một vài cá nhân, nhưng trong một số trường hợp là hàng vạn và có thể hàng triệu người vô tội, trẻ em, người ốm, phụ nữ, người già…," ông Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng khi thiết kế pháp luật (nhất là luật hình sự) cần phải chú ý đến việc bảo vệ những người yếu thế trong xã hội, những người ít có phương tiện để tự bảo vệ mình và tin tưởng dựa vào pháp luật./.