Tôi đề nghị được hy sinh!
Năm nào cũng vậy, đúng ngày giỗ Phúc, Liễu cẩn thận lấy ra từ trong tủ một cái tráp. Trong cái tráp ấy là một chiếc túi vải nhỏ đựng đôi nhẫn bằng đá. Chúng tôi trân trọng đặt đôi nhẫn lên ban thờ trước di ảnh của anh. Những lúc ấy, câu chuyện năm mươi năm về trước lại hiện rõ về trong tôi.
Chúng tôi gồm năm người được chọn từ các đơn vị về, đều là những người khỏe mạnh, quen đi rừng và biết ít nhiều tiếng Lào, để nhận một nhiệm vụ quan trọng: Đưa một đoàn cán bộ cao cấp từ Lào về Việt Nam.
Đội trưởng Phúc là một chàng trai trạc tuổi tôi, vạm vỡ, nước da bánh mật. Mái tóc húi cua khiến anh trông như một tay anh chị. Vậy mà anh rất hiền, ít nói và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Nghe nói xa xưa gia đình anh làm nghề kim hoàn, làm ăn khó khăn nên dạt sang thị xã Xiêng Khoảng. Phúc rất khéo tay. Cứ rảnh việc là anh lại lôi trong ba lô ra mấy thứ đồ nghề chăm chú mài mài, dũa dũa. Mấy hôm trước là hai viên đá to bằng ngón chân cái, vậy mà hôm nay đã thành đôi nhẫn, cái nào cũng sáng bóng lấp lánh vân xanh vân đỏ.
-Đẹp quá!-Tôi xuýt xoa-Anh làm nhẫn cưới à?
- Ừ. Lần này xong việc mình sẽ xin phép về cưới vợ. Nhà mình không có điều kiện sắm nhẫn vàng, nên mình làm đôi nhẫn cưới này. Hai viên đá tình cờ tìm thấy trên đường công tác. Loại đá này vân đẹp, nhưng không dòn. Mình tin cô ấy sẽ hài lòng.
- Cô ấy đẹp không?
- Khá đẹp, đặc biệt là nước da trắng và ngón tay thon, dài, chiếc nhẫn này chắc sẽ hợp lắm, nếu có điều kiện, mình sẽ đưa cậu về thăm gia đình cô ấy. Cô là Liễu, người Vinh. Bọn mình quen và yêu nhau trong một chuyến công tác của mình ở Nghệ An-Phúc vừa nói vừa xoa miếng vải nhám lên hai chữ PL trên mặt nhẫn khiến nó càng sáng bóng.
Đến ngày lên đường thì vừa lúc Phúc hoàn thành đôi nhẫn. Anh lấy hai mảnh vải gói từng chiếc một, bỏ chúng vào một cái túi nhỏ. Cái túi ấy lại được bọc ngoài bằng chiếc khăn quàng cổ màu sặc sỡ. Cái bọc ấy được để giữa lớp quần áo trong ba lô. “Như thế này thì yên trí dù có va đập thế nào chúng cũng không thể vỡ” Phúc nói.
Buổi tối, một người cao gầy đeo xà cột, có hai bảo vệ đi cùng, đến gặp chúng tôi. Ông giao nhiệm vụ: “Thu đông năm 1947 vừa rồi, quân và dân ta đã đập tan cuộc tiến công của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc tạo điều kiện cho chúng ta mở rộng mối quan hệ với các nước bạn. Theo chỉ thị của cấp trên, các đồng chí phải dẫn đường và bảo vệ một đoàn mười một người vượt biên giới, lên chiến khu Việt Bắc gặp cơ quan Trung ương Đảng ta. Các thành viên trong đoàn là những cán bộ cao cấp của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, cán bộ cao cấp của Đảng ta trên đất bạn. Đây là một đoàn rất quan trọng, các đồng chí tuyệt đối không được để xẩy ra sơ suất!”. Nhận một nhiệm vụ như vậy, tất cả chúng tôi đều cảm thấy vinh dự, nhưng không khỏi lo lắng, nhất là câu “Tuyệt đối không được để xẩy ra sơ suất”.
Chúng tôi lên đường vào buổi sáng. Những tia nắng yếu ớt cuối cùng của mùa khô cố lách qua đám mây, nhưng cũng chỉ đủ nhợt nhạt đậu lên các ngọn cây. Ông N, trưởng đoàn, trạc ngót bốn mươi, cao gầy, mắt sáng, tóc húi cao, trầm tính. Là người lãnh đạo của bạn nhưng ông nói được tiếng Việt và rất thân tình với chúng tôi. Dọc đường đi, ông sẵn sàng giúp đỡ mọi người và bàn bạc với chúng tôi chọn những con đường tránh sự kiểm tra của địch. Mặc dù vậy, đến bản Lắc thì chúng tôi vẫn đụng một tốp địch. Trận tao ngộ chiến xảy ra ngoài ý muốn. Phúc cử ba người dẫn đoàn thoát nhanh lên phía trước, còn anh và tôi ở lại chặn địch. Cuộc đụng độ xảy ra ở ngã ba đường nên anh nói tôi im lặng nằm phục trên lối rút của đoàn và chỉ được nổ súng khi địch đi theo lối đó, còn anh vừa bắn vừa dụ địch sang lối khác. Phúc bình tĩnh điểm xạ từng loạt tiểu liên. Địch cũng dồn hỏa lực về phía anh. Có mấy tiếng kêu ré. Chắc có đứa trúng đạn nên tiếng súng của chúng thưa dần. Cho đến khi tất cả trở lại yên tĩnh, tôi lần theo lối mòn tìm Phúc. Từ sau một tảng đá, anh khẽ gọi: “Quảng ơi. Mình ở đây”. Phúc đã bị thương ở chân phải. Máu chảy thành vũng, ướt đẫm lớp băng quấn quanh đùi. “Chắc mình bị gãy xương rồi, không thể đứng lên được”, Phúc thều thào. “Không sao, tôi sẽ cõng anh đi cho kịp đoàn”, tôi trấn an. Đi chừng vài trăm mét thì gặp mấy người trong đội trở lại tìm chúng tôi. Từ lúc đó, đoàn có thêm một chiếc cáng. Mấy cán bộ trong đoàn yêu cầu cho họ tham gia cáng thương binh, nhưng chúng tôi kiên quyết từ chối. Bốn anh em chúng tôi thay nhau cáng Phúc. Chắc anh đau lắm vì thỉnh thoảng tôi nghe tiếng nghiến răng trên võng. Những dòng suối mùa mưa giờ không còn trong mát nữa. Dù trời quang đãng, nước cũng quá đầu gối, chúng tôi phải vất vả lắm mới giữ cho võng anh nằm không bị ướt. Những đoạn đường dốc, việc di chuyển càng khó khăn hơn. Có những đoạn đôi dép của người đi trước tưởng như ngay trước mặt người đi sau, khiến cho cái võng Phúc nằm như muốn trôi xuống. Hết một ngày, chúng tôi chỉ đi được chừng hơn một cây số. Tối hôm đó, Phúc gọi tôi lại:
- Cả ngày nay các cậu vất vả quá, mình thành thật xin lỗi.
- Sao anh nói vậy. Đây là nhiệm vụ và là đồng đội của nhau mà.
- Bây giờ không chỉ là chuyện của mấy anh em trong đội, mà nhiệm vụ của chúng ta là phải đưa đoàn vượt biên giới cho kịp và an toàn.
Đúng lúc đó, ông N đến bên võng hỏi thăm:
- Đồng chí đã đỡ đau chưa?
- Dạ. Tôi đã đỡ rồi. Nhưng cả ngày hôm nay, tôi làm phiền cả đoàn quá.
- Đồng chí đã chiến đấu vì cả đoàn mà bị thương. Chúng tôi biết ơn đồng chí. Mong đồng chí cố gắng chịu đựng. Gặp một bản nào giữa đường, chúng tôi sẽ gửi đồng chí lại để dưỡng thương.
- Thưa đồng chí. Con đường này tôi đã đi một lần. Người khỏe cũng phải hai ngày nữa mới tới bản gần nhất. Càng gần biên giới, đường càng cheo leo hiểm trở. Nếu đoàn còn phải cáng theo tôi thì phải cả mất cả tuần. Đó là chưa kể suối lũ chắn đường và địch đuổi theo phía sau, chúng ta không thể kịp vượt qua biên giới theo kế hoạch, thậm chí có thể gặp nguy hiểm. Như vậy chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, xin phép đồng chí…
Nói đến đây, phúc dừng lại. Ông N thân mật nắm tay anh động viên:
- Đồng chí có sáng kiến gì xin cứ nói.
- Tôi đề nghị được hy sinh!
Tôi bàng hoàng vì câu nói đó của anh. Còn ông N thì lặng đi. Từ đôi mắt từng trải, những giọt nước tràn ra lăn trên má:
- Sao có thể như thế được! Chúng ta đã sống chết có nhau cả tuần nay rồi. Đồng chí đã vì chúng tôi mà đổ máu. Ý nghĩ ấy của đồng chí khiến chúng tôi cảm thấy mình có lỗi. Xin đồng chí hứa với tôi không nhắc lại câu này một lần nữa. Được không?
Phúc gật đầu. Ông N nắm tay anh nghẹn ngào: “Chúng ta sống chết có nhau, đồng chí Phúc ạ”.
Ông N trở lại võng của mình. Phúc nói tôi ngồi lại bên anh:
- Quảng này. Vượt qua biên giới là sang tỉnh Nghệ An, quê hương của Liễu rồi. Nếu mình không qua khỏi, cậu hãy mang đôi nhẫn về trao cho Liễu và nếu được, hãy giúp mình chăm sóc cho cô ấy.
- Chết, sao anh lại nói vậy-Tôi thảng thốt-Anh đã hứa với ông N rồi cơ mà.
- Mình bị thương nặng, máu lại ra nhiều nên không thể nói trước được điều gì đâu-Rồi anh trầm ngâm-Chỉ sợ mình chết vào đêm tối hoặc khi trời mưa lũ thì khổ cho đoàn lắm. Cậu nhớ nhé. Trong mọi điều kiện phải gắng mà hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi khóc:
- Chúng tôi không để anh chết đâu! Xin anh tranh thủ ngủ đi để mai có sức.
- Thôi, đừng khóc nữa. Đã là bộ đội thì sống chết là thường tình mà. Cậu cũng đi ngủ đi. Đường ngày mai gian nan lắm. Khu vực này nhiều thú dữ, lại phải đề phòng địch đuổi theo từ phía sau, nên mấy anh em mình phải canh gác hết sức cẩn thận. Cậu đưa mình khẩu súng. Nếu lâm sự thì có thêm một tay súng bảo vệ đoàn.
Tôi nghẹn ngào trao khẩu súng vào tay anh, rồi ra vị trí gác. Tôi thương anh, lo cho đoàn nên trong lòng nặng trĩu. Đêm Trường Sơn đã trùm lên một màu tối đen đặc. Tiếng “Thú thí thù thì”, “bắt cô trói cột” của những loài chim rừng đêm thỉnh thoảng vọng ra từ các bụi cây nghe càng não lòng. Có lẽ vì quá mệt qua một ngày đường vất vả, sau phiên gác, tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ...
Và cuối cùng chúng tôi đã đến đích theo đúng lịch trình nhưng rất tiếc trong đoàn không còn đồng chí Phúc.
* * *
Trước bàn thờ, Liễu vẫn đang chắp tay nghẹn ngào trong nước mắt. Nhìn mái tóc bạc của vợ, tôi nhận ra chúng tôi đã đến tuổi xế chiều. Chỉ có Phúc mãi mãi là một chàng trai hai mươi lăm tuổi. “Tôi đề nghị được hy sinh!” câu nói ấy của anh mãi nằm lòng mỗi thành viên trong đoàn và nó là một minh chứng cho tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/toi-de-nghi-duoc-hy-sinh-598131