Tôi đi chợ

Con bé cột hai bím tóc và cái mũ nan rộng vành ngơ ngác, phố Trần Hưng Đạo xe cộ nườm nượp. Nó hoa mắt với hàng quán đầy ắp hàng hóa, người chen chúc như đi hội. Đó là lần đầu vô phố tôi đi chợ Đông Ba.

Rồi tôi làm dâu Huế. Mẹ chồng đi chợ lại cho tôi theo. Mẹ dạy tôi mua sắm dụng cụ cho nhà bếp, làm răng để biết cá tươi, mua bó rau thơm biết đâu là rau vườn Huế. Chợ gần, chợ xa, chợ làng ngoại, chợ bên phố nhà nội... Chuyện xưa mạ kể có tên làng, tên phố đều luôn gắn với một khu chợ nào đó, mới biết người ta lớn lên rồi già đi, chợ vẫn còn đó để người trở lại như với một phần ký ức thân thương.

Được xây dựng gần 150 năm trước, cái tên chợ Đông Ba Huế bắt đầu xuất hiện từ năm 1887 dưới thời vua Đồng Khánh. Cơ duyên nhà gần chợ, tôi chỉ cần dăm phút chạy xe qua cầu.

Sáng tinh mơ đến chiều tối không ngưng nghỉ, chợ như một người khổng lồ ôm trên tay đủ thứ hàng hóa vật dụng thức ăn đủ màu - mùi - vị. Rồi hàng hóa đồng loạt theo các dòng xe cộ đổ về các khu chợ nhỏ lân cận, đôi khi còn lên tàu hỏa, máy bay chở đi vùng miền khác.

Khách xem chừng đi lạc giữa hàng ngàn lô hàng với đủ chủng loại. Cả một dãy hàng quán ven bờ sông kéo dài gần ngàn mét bán toàn các loại rau củ, thực phẩm tươi sống. Hàng trệt hoa mắt với hàng trăm món đồ thủ công mỹ nghệ được chế tác với sự tinh tế. Không phải riêng người Huế mà du khách các nơi đến đều chọn những món đồ do chính người Huế làm. Nón bài thơ dịu dàng, gốm Phước Tích màu men mộc và lạ, đồ mây tre từ Dạ Lê, Phú Thứ, đến những món đồ tinh xảo của làng kim hoàn Kế Môn...

Người ta tìm thấy sự giao thoa giữa lối sinh hoạt cung đình và nếp sống của người Huế trên những sạp vải nhung gấm tơ lụa hoàng gia bên cạnh những xấp vải màu sắc và chất liệu mới mẻ. Các món ăn xưa chỉ dành cho ông hoàng, bà chúa trong cung, các món dân dã cho những người kéo xe làm chài lưới…, tất cả đều được bày bán trong các gian ẩm thực, không hề có sự phân chia và giá tiền cũng thật bất ngờ.

Mạ kể, lên ba tôi đã theo mạ đi chợ. Con bé ngồi trong đôi gióng thúng mạ gánh lắc lư qua những con đường ngoằn ngoèo bên sườn đồi. Chợ quê bày bán mùa nào thức đó. Chỉ là đôi ba gánh măng tre, chục trứng gà đổi lấy cá biển, mắm muối.

Ở phố tôi vẫn thích đi chợ sớm. Con đường bên chân cầu Trường Tiền ra dọc bờ sông là vòng ngoài của chợ Đông Ba, năm giờ sáng đã nhộn nhịp. Hàng hoa đủ sắc trên xe đạp, đôi gánh quẩy lên từ Phú Vang, Hương Thủy. Trái cây vườn Kim Long, Hương Hồ mới hái về. Cá tôm mực từ biển Thuận An lên, rau muống, cải non, rau thơm từng đọt còn ướt sương vừa hái... Những người đi chợ sớm như gom góp mùi hương của những cánh đồng, những khu vườn đắp bồi phù sa tần tảo. Mua một mớ rau non, ít tép đồng, dăm ba con cá biển lưng còn chấp chới, bỗng thấy lòng vui giữa bộn bề tất bật vẫn có bữa cơm đạm bạc, ấm cúng cho gia đình.

Đang thời hội nhập, hệ thống siêu thị phát triển, nhưng chợ vẫn còn đó. Vẫn là nơi hội họp, buôn bán đông đúc, tiện lợi. Bao năm nay tôi chỉ ra chợ một mình. Mạ tôi ngoài 80, mẹ chồng tôi cũng đã rời cõi tạm...

Tôi vẫn đi chợ mỗi ngày dù chỉ kiếm cớ mua vài món chưa cần dùng tới. Đôi khi đứng lặng chợt nhớ con bé trong đôi quang gánh của mạ năm xưa, rồi nhìn mình qua mắt chợ chiều. Ờ thì, chợ không già đi mà tóc mình chừng đã bạc.

Bạch Diệp

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/toi-di-cho-131945.html