Tôi đi tìm DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm: Điều lạ ở trụ sở Dream Republic và Sheen Mega...
Phóng viên VietTimes đã tìm đến địa chỉ đăng ký trụ sở của Dream Republic và Sheen Mega – 2 trong số 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm. Lạ kỳ là ngay trong giờ hành chính, cả hai nơi đều vắng bóng người.
Như VietTimes đã đưa tin, Cục thuế TP. HCM đang thực hiện các thủ tục để hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm của 4 doanh nghiệp, bao gồm: CTCP Dream Republic (Dream Republic), CTCP Sheen Mega (Sheen Mega), Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt) và Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh (Bình Minh).
Trong đó, Dream Republic và Sheen Mega đã quá hạn nộp tiền thanh toán các nghĩa vụ thanh toán hợp đồng đấu giá đất tới 180 ngày.
Theo đại diện Cục thuế TP. HCM, từ ngày 6/5 – 7/7, cơ quan này đã tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền tài khoản ngân hàng đối với hai doanh nghiệp này.
Song, số tiền nhà chức trách cưỡng chế được từ tài khoản ngân hàng của Dream Republic chưa tới 1 triệu đồng, cụ thể là 820.916 đồng, còn Sheen Mega là 40,45 triệu đồng.
Thông tin ngay lập tức khiến truyền thông xôn xao và làm nóng khắp các diễn đàn mạng xã hội.
Số tiền cưỡng chế quá ư khiêm tốn (so với mức giá trúng kỷ lục ở khu đất Thủ Thiêm) làm dấy lên những băn khoăn về tiềm lực và cả sự nghiêm túc của giới chủ đứng sau hai pháp nhân này.
Có một kịch bản khả dĩ, đó là Dream Republic và Sheen Mega chỉ đóng vai trò là những SPC (Segregated Portfolio Company - công ty với danh mục đầu tư riêng biệt) để tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.
Vậy đứng sau những Dream Republic và Sheen Mega là 'tay chơi' nào?
Dream Republic Corporation và loạt 'corporation' cùng được gộp trong một bảng tên riêng biệt
Những cái tên ‘lạ’ ở nơi Dream Republic đặt trụ sở
Phóng viên VietTimes đã tìm đến địa chỉ trụ sở của Dream Republic tại tòa nhà VVA Tower trên đường Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, Quận 1, Tp. HCM.
Ngay ở sảnh lễ tân, danh sách các doanh nghiệp đang mở văn phòng tại đây được treo ở hai tấm bảng với kích thước và cách trình bày tương đối khác biệt.
Trong đó, ‘Dream Republic Corporation’ được đề tên ở tấm bảng nhỏ hơn, không ghi rõ tầng, cùng với loạt ‘corporation’ khác như: Tuong Vinh Phat Investment Corporation (TVPI), Ben Thanh Que Huong Investment Corporation (BTQH), An Dong Cho Lon Real Estate Corporation (ADCL).
Dream Republic Corporation, nên biết, chính là tên công ty viết tắt bằng tiếng nước ngoài của Dream Republic.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Dream Republic đã hoàn tất thay đổi địa chỉ trụ sở chính trên đăng ký kinh doanh, từ Bitexco Financial Tower về VVA Tower, vào cuối tháng 3/2020.
Sẽ thú vị khi biết những TVPI, BTQH và ADCL, trước khi đồng loạt chuyển về VVA Tower, đều đặt trụ sở tại tầng 47 Bitexco Financial Tower. Động thái ‘chuyển nhà’ của các doanh nghiệp này, đáng chú ý, chỉ diễn ra sau Dream Republic ít ngày làm việc.
Nối bước Dream Republic, Tuong Vinh Phat Investment Corporation, Ben Thanh Que Huong Investment Corporation , An Dong Cho Lon Real Estate Corporation đều chuyển trụ sở về tòa VVA Tower ở số 277 - 279 Lý Tự Trọng, Quận 1, Tp. HCM
Nên biết, Ben Thanh Que Huong Investment Corporation (BTQH) là tên nước ngoài của CTCP Đầu tư Bến Thành Quê Hương.
Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 4/2018, với quy mô vốn điều lệ 50 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: ông Ngô Thanh Tuấn (sinh năm 1975, sở hữu 30% vốn điều lệ), ông Thái Minh Duy (sinh năm 1982, sở hữu 40% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Đồng (sinh năm 1974, nắm giữ 30% vốn điều lệ).
Đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện của BTQH từ những ngày đầu thành lập là ông Chung Hán Lương (SN 1978). Tới tháng 7/2022, vai trò CEO của vị doanh nhân người Hoa ở BTQH đã được thay thế bởi bà Huỳnh Thị Thanh Trúc (SN 1984).
Chia sẻ với VietTimes, nhân viên tòa nhà VVA Tower cho biết, văn phòng ở tầng 6 của Dream Republic không có người. Dù thời điểm mà VietTimes ghi nhận vẫn đang trong giờ làm việc hành chính.
Nhân viên này cho biết Dream Republic đã thuê văn phòng tại đây được 2 năm nhưng chỉ thỉnh thoảng mới có người tới văn phòng và không tiếp khách thường xuyên. “Họ chỉ có mấy người. Hồi đó đến giờ chưa tới 5 người” - vị này nói.
Một chi tiết mà có lẽ ít người để ý, đó là Công ty TNHH Speed Pro (Speed Pro) – công ty con do Dream Republic thành lập từ tháng 10/2017 – cũng đăng ký địa chỉ trụ sở ở tòa nhà VVA Tower. Tuy vậy, tên doanh nghiệp này không được đề cập trong bảng danh sách được đặt ở khu vực lễ tân của tòa nhà.
Trụ sở Sheen Mega ở số 32 Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM
SPID, APD và Sheen Mega
Cách đó vài khu phố là trụ sở của Sheen Mega. Địa chỉ trụ sở trên đăng ký kinh doanh của công ty này là một số nhà trên đường Lê Lợi (phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM).
Tuy nhiên, ở thời điểm phóng viên VietTimes có mặt, cũng trong giờ hành chính, căn nhà này lại ‘cửa đóng, then cài’.
Phía mặt tiền đường Lê Lợi của căn nhà này không hề có biển hiệu của công ty Sheen Mega, thay vào đó là biển hiệu của CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Sài Gòn (SIPD) và Công ty TNHH Tư vấn phát triển dự án và quản lý tài sản (APD).
Cả SIPD và APD, theo dữ liệu của VietTimes, đều do ông Nguyễn Tuấn Anh làm người đại diện theo pháp luật (SN 1972).
Ông Tuấn Anh, theo tìm hiểu, còn đứng tên tại một loạt pháp nhân khác, như: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Sài Gòn Vũng Tàu, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Savina, CTCP Bất động sản Việt An và CTCP Tư vấn đầu tư New Everest.
Như VietTimes từng đề cập, có dấu hiệu về mối liên hệ giữa Dream Republic và Sheen Mega với một ‘đế chế’ bất động sản danh tiếng, sở hữu nhiều khu ‘đất vàng’ ở vùng lõi Tp. HCM.
Được biết, ông Chung Hán Lương – cựu CEO BTQH – từng là cộng sự của ông Lý Chánh Đạo ở Hội đồng quản trị của CTCP Khách sạn Sài Gòn (Mã CK: SGH). Mà ông Lý Chánh Đạo, nên biết, là cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp) – chủ sở hữu khách sạn Khách sạn Daewoo (Hà Nội).
Từ khách sạn Daewoo, phóng tầm mắt qua phía bên kia ngã tư Liễu Giai – Đào Tấn là Capital Place. Tòa nhà văn phòng hạng A này mới được ViVa Land – ‘tay chơi’ địa ốc mới nổi được cho là có liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan – chi 550 triệu USD để thâu tóm từ CapitaLand vào đầu năm nay.
Mà đâu chỉ Hà Nội, Tp. HCM hay các đô thị lớn ở Việt Nam, Viva Land còn vươn cả ra quốc tế. Họ vừa khiến báo giới Singapore được phen trầm trồ với thương vụ thâu tóm đất vàng được cho là tạo "benchmark" mới cho làng bất động sản đảo quốc sư tử./.