'Tối hậu thư 50 ngày' và đàm phán hòa bình Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump ra 'tối hậu thư' cho Nga trong vòng 50 ngày để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, liệu động thái này có thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev?
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế mạnh tay nếu Nga không ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày, đồng thời công bố một kế hoạch mới nhằm duy trì dòng viện trợ vũ khí cho Kiev thông qua các đồng minh châu Âu.
Tuyên bố của ông Trump được Moscow và các bên xem như “tối hậu thư” với Nga. Trong khi Ukraine và phương Tây kỳ vọng động thái của Mỹ sẽ thúc đẩy những chuyển biến nhanh chóng cho tiến trình đàm phán Nga-Ukraine, Moscow đến nay vẫn chưa cho thấy sự thay đổi trong lập trường về cuộc chiến.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) cùng các thành viên trong nội các Mỹ tiếp Tổng thư ký NATO Mark Rutte (thứ hai từ trái sang) tại Nhà Trắng ngày 14-7. Ảnh: Doug Mills/THE NEW YORK TIMES
Tiến trình đàm phán hòa bình Nga-Ukraine
Lần gần nhất Nga và Ukraine tổ chức đàm phán hòa bình là vào ngày 2-6, tại TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), kể từ đó, Moscow thường xuyên nhắc lại rằng nước này sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy.
Ngày 27-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga sẵn sàng tham gia vòng đàm phán thứ ba với Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc đối thoại nên tập trung vào những thỏa thuận được đề xuất nhằm giải quyết xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Nga cho biết các trưởng đoàn đàm phán của hai bên vẫn duy trì liên lạc, thường xuyên trao đổi qua điện thoại.
Sang ngày 29-6, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nhắc lại rằng lập trường của Nga về việc giải quyết xung đột ở Ukraine là rõ ràng. Tiến trình đàm phán phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của Kiev cũng như hiệu quả trong nỗ lực làm trung gian của Mỹ, theo hãng thông tấn TASS.
Gần đây, vào ngày 10-7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia, hai bên trao đổi “những ý tưởng mới” nhằm tổ chức đàm phán hòa bình về Ukraine, theo lời ông Rubio.
“Tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận mới và khác biệt. Tôi không cho rằng điều này đảm bảo mang lại hòa bình, nhưng đó là một khái niệm mà tôi sẽ báo cáo lại với Tổng thống Trump” - ông Rubio nói mà không cung cấp thông tin chi tiết về các ý tưởng này.
Ngay sau “tối hậu thư” từ Tổng thống Trump, Nga ngày 14-7 cho biết cần thời gian trả lời tối hậu thư nhưng Moscow đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán mới với Kiev. Ông Peskov cho biết Nga vẫn sẵn sàng đàm phán và đang “chờ đợi đề xuất từ phía Ukraine về thời điểm diễn ra vòng đàm phán trực tiếp thứ ba giữa hai nước”.
Về phía Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Ukraine - ông Sergey Kislitsa ngày 13-7 nói rằng hình thức đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Moscow và Kiev tại Istanbul không hiệu quả do các “yêu cầu tối đa” từ phía Nga.
Ông Kislitsa chỉ ra 3 mục tiêu của Ukraine trên bàn đàm phán hòa bình. Thứ nhất là ngừng bắn. Thứ hai là tạo điều kiện cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thứ ba là phải có các biện pháp xây dựng lòng tin như các vấn đề nhân đạo, bao gồm trao đổi tù nhân.

Binh sĩ Ukraine gần tiền tuyến ở tỉnh Kharkiv (Ukraine). Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ngày 15-7, ông Trump cho biết ông chưa nói chuyện với ông Putin kể từ sau khi công bố “tối hậu thư”.
Tác động tiềm tàng của “tối hậu thư” từ Mỹ
Giới quan sát vẫn đang tranh cãi về tác động từ tối hậu thư của ông Trump với Nga.
Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về khả năng Tổng thống Trump sẽ thực sự đưa ra mức thuế 100% với các đối tác thương mại của Nga như ông tuyên bố.
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (trụ sở Phần Lan), Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia mua nhiều sản phẩm dầu mỏ của Nga nhất, chiếm 26%. Trung Quốc đứng thứ hai với 13% và Brazil đứng thứ ba với 12%.
Nhà kinh tế Nga Dmitry Potapenko cho rằng ông Trump khó có khả năng mạo hiểm đối đầu cùng lúc với nhiều nền kinh tế lớn.
Đồng quan điểm, tờ The New York Times chỉ ra rằng quy mô thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga gần 250 tỉ USD mỗi năm, nếu thực sự thực hiện lời đe dọa, ông Trump sẽ phải đối đầu Bắc Kinh.
“Các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng ông Trump sẽ mạo hiểm khơi mào một cuộc đối đầu mới với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ vì vấn đề Ukraine” - theo The New York Times.
Trường hợp ông Trump thực sự áp thuế, giới quan sát cho rằng tác động kinh tế có thể sẽ rất phức tạp. Theo ông Movchan, nếu người mua buộc phải trả mức thuế cao, họ có thể sẽ giảm lượng dầu mua từ Nga, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên thị trường toàn cầu và đẩy giá tăng cao.
“Người mua sẽ cố gắng mua ít dầu Nga hơn, điều này sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường thế giới và khiến giá dầu tăng. Nga có thể bán ít hơn 30-40% lượng dầu, nhưng với mức giá cao hơn nhiều” - ông Movchan nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng kinh tế Nga sẽ chịu tác động lớn nếu ông Trump áp thuế. Theo ông Kieran Tompkins - chuyên gia kinh tế cao cấp về khí hậu và hàng hóa tại công ty tư vấn Capital Economics (Anh), “nếu một nửa lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga bị loại khỏi thị trường vì lời đe dọa từ ông Trump, thì doanh thu xuất khẩu của Nga có thể giảm khoảng 75 tỉ USD”.
Theo ông Tompkins, điều đó có thể kéo theo căng thẳng tài khóa ở Nga. Vị chuyên gia cho rằng thời hạn 50 ngày của ông Trump sẽ cho Moscow một khoảng thời gian để đưa ra các đề xuất ứng phó.
Còn theo bà Jennifer Kavanagh - chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn Defense Priorities (Mỹ), Nga có thể từ chối ngừng bắn vì Moscow đang có lợi thế trên chiến trường. “Tổng thống Putin đánh giá đúng rằng Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường, Mỹ hay châu Âu cũng không thể làm gì nhiều để gây sức ép hoặc áp đặt tổn thất đáng kể cho Moscow” - bà Kavanagh nói với The New York Times.
Bàn về kế hoạch của Mỹ nhằm tăng viện trợ cho Ukraine thông qua châu Âu, bà Kavanagh cho rằng kế hoạch này “không bền vững” vì châu Âu có thể đặt mua vũ khí mới từ Washington, nhưng các lô hàng này có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới có thể chuyển giao.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của Ukraine và phương Tây, “tối hậu thư” của Mỹ là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự gia tăng trong cam kết của Tổng thống Trump với Kiev và đồng minh so với những tháng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Mặt khác, theo chuyên gia Kavanagh, thời hạn 50 ngày của ông Trump sẽ trùng với thời điểm Nga kết thúc cuộc tấn công mùa hè ở Ukraine. “Tôi nghĩ rằng có thể có cơ hội đàm phán sau khi cuộc tấn công kết thúc” - bà Kavanagh nói thêm.
Ukraine chờ đợi chi tiết viện trợ từ Mỹ
Ukraine đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết về số thiết bị quân sự trị giá “hàng tỉ USD” mà Tổng thống Trump đã công bố, tờ The Guardian đưa tin ngày 15-7.
Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Trump cho biết một quốc gia giấu tên sẵn sàng cung cấp ngay lập tức “17 hệ thống Patriot”. Ông Trump nói có một “thỏa thuận rất lớn” đã được nhất trí để các đồng minh châu Âu mua vũ khí từ Mỹ rồi chuyển sang Ukraine.
Hiện Ukraine được cho là chỉ có 6 tổ hợp Patriot còn hoạt động, đủ khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao của Nga.
Thiếu tướng Vadym Skibitskyi - Phó Giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ukraine (HUR) - cho biết vẫn chưa rõ về kế hoạch viện trợ từ Mỹ. “Chúng tôi không biết chính xác” - ông Skibitskyi nói, cho biết thêm rằng Ukraine cảm ơn sự hỗ trợ và đã phản ứng “tích cực” trước thông báo từ Nhà Trắng.
Theo ông Skibitskyi, không rõ liệu khi nói đến “Patriot”, ông Trump đang đề cập đến tên lửa đánh chặn, bệ phóng, hay toàn bộ tổ hợp bao gồm nhiều bệ phóng, radar và hệ thống điều khiển.
“Nếu là cả tổ hợp thì 17 là con số rất lớn. Nếu chỉ là bệ phóng, thì điều đó khả thi” - ông Skibitskyi nói thêm.
Vị tướng này cũng xác nhận rằng ông Trump và ông Zelensky đã thảo luận về khả năng Mỹ cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk trong một cuộc gọi vào đầu tháng 7, nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/toi-hau-thu-50-ngay-va-dam-phan-hoa-binh-ukraine-post860630.html