Tối hậu thư cho thu phí ETC
Hôm nay (ngày 1/8), theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả tuyến đường bộ cao tốc có thu phí hoàn vốn sẽ phải hoàn tất việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn.
Trong khoảng một tuần qua, 3/4 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lần lượt khai trương hệ thống thu phí ETC. Vào sáng nay (1/8), cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến cao tốc cuối cùng của VEC cũng sẽ thu phí sử dụng đường bộ hoàn toàn bằng công nghệ thu phí ETC.
Cùng thời điểm này, còn có 4 tuyến cao tốc khác do địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm Bắc Giang - Lạng Sơn; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn; Trung Lương - Mỹ Thuận; Liên Khương - Prenn cũng phải hoàn thành việc thu phí tự động ETC theo thời hạn nói trên. Trước đó, tại Thông báo số 186/TB-VPCP, ngày 27/6/2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo đến ngày 1/8/2022, tất cả tuyến cao tốc đang thu phí sẽ phải triển khai thu phí không dừng hoàn toàn.
Yêu cầu này của lãnh đạo Chính phủ đã được nâng lên ở mức rất cao so với trước đây, khi tất cả tuyến cao tốc sẽ chỉ duy trì 1 làn thu phí thủ công để xử lý các sự cố.
Những phương tiện không dán thẻ định danh và sử dụng dịch vụ thu phí ETC sẽ bị từ chối phục vụ, buộc phải đi trên các tuyến đường song hành kém tiện nghi, tốc độ thấp hơn; trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Đối với chủ tuyến đường, nếu không hoàn thành việc lắp đặt hệ thống ETC thì sẽ bị dừng thu phí; lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý trách nhiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, “tối hậu thư” nói trên của Chính phủ đã tạo sự chuyển biến rất lớn trong công tác thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức ETC. Đến cuối tháng 7/2022, hầu hết các chủ dự án cao tốc đều dồn nguồn lực lắp đặt xong hệ thống thu phí ETC. Số lượng chủ xe cơ giới tiến hành dán thẻ định danh trong những ngày qua tăng đột biến.
Ở chiều ngược lại, áp lực từ Chính phủ cũng làm bộc lộ rõ hơn những bất cập, hạn chế trong hoạt động thu phí ETC, đặc biệt là từ hai đơn vị cung cấp dịch vụ là CTCP Giao thông số Việt Nam (VDTC) và Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC). Trong đó, nổi cộm là tỷ lệ dán thẻ định danh còn thấp, đặc biệt là khu vực phía Nam, khiến phát sinh ùn tắc kéo dài tại khu vực thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; xe bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ của Epass; có hiện tượng chạy doanh số dán thẻ định danh bất chấp mong muốn của chủ phương tiện, gây bức xúc, khó khăn cho các phương tiện khi muốn dán thẻ tham gia dịch vụ; xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền…
Đây là những lỗi cần được 2 nhà cung cấp và đơn vị quản lý nhà nước về đường bộ (là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chỉnh sửa kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người tham gia giao thông, nhất là khi việc sử dụng thu phí ETC trên các tuyến đường có thu phí là điều bắt buộc.
Cũng cần nhắc lại, việc chỉ có thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ đã kéo dài gần 10 năm, nhưng nhiều lần không thể về đích đúng thời hạn. Một phần nguyên nhân bắt nguồn chính bởi năng lực hạn chế của VETC. Suốt một thời gian dài, VETC không thể triển khai dán thẻ cho phương tiện, công tác vận hành thu phí tại các trạm nhiều lần bị chậm tiến độ. Thậm chí, có thời điểm, đơn vị này còn đề nghị trả lại dự án cho Bộ Giao thông - Vận tải. Điều này càng khiến công tác lắp đặt hệ thống ETC tại trạm và dán thẻ cho phương tiện bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, “tối hậu thư” của Chính phủ đưa ra yêu cầu chỉ có thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc từ ngày 1/8/2022 được đánh giá là chính xác, kịp thời và bước đầu đem lại kết quả tích cực.
Còn nhớ, trong rất nhiều chuyến công tác hay cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ luôn quán triệt nguyên tắc “3 không”: Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm. Có thể thấy, tinh thần chỉ đạo quyết liệt đó đã thực sự lan tỏa xuống dưới, mà rõ nét nhất chính là triển khai thu phí ETC trên các tuyến đường bộ trong ít tuần vừa qua.
Việc triển khai chủ trương lớn này không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính minh bạch, giảm thói quen sử dụng tiền mặt, mà còn góp phần chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của các đơn vị cơ sở đối với các chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/toi-hau-thu-cho-thu-phi-etc-d170702.html