Tối hậu thư của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi

Các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã ra tối hậu thư buộc chính quyền quân sự ở Niger có một tuần để trả lại quyền lực cho Chính phủ dân cử, nếu không có thể sẽ phải đối mặt với biện pháp vũ lực. Liệu ECOWAS có thể thực hiện lời cảnh báo của mình và ngay cả khi hiện thực hóa nó thì sẽ có tác động như thế nào đến địa chính trị khu vực?

Lời cảnh báo của ECOWAS

Khối 15 quốc gia đã triệu tập các chỉ huy quốc phòng của mình để thảo luận về mối đe dọa ở Niger, đồng thời ra tối hậu thư yêu cầu chính quyền quân sự ở Niger đưa Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trở lại ghế lãnh đạo trong vòng một tuần. Nếu không, ECOWAS sẽ thực hiện "mọi biện pháp", bao gồm sử dụng vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.

Niger trở thành quốc gia Sừng châu Phi thứ ba bị rung chuyển bởi một cuộc đảo chính trong vòng chưa đầy ba năm, sau các nước láng giềng Mali và Burkina Faso Nguồn: AFP/Getty Ima

Niger trở thành quốc gia Sừng châu Phi thứ ba bị rung chuyển bởi một cuộc đảo chính trong vòng chưa đầy ba năm, sau các nước láng giềng Mali và Burkina Faso Nguồn: AFP/Getty Ima

Ông Bola Tinubu, Tổng thống Nigeria, đồng thời là Chủ tịch ECOWAS, cho biết: "Không còn thời gian để chúng ta gửi tín hiệu cảnh báo nữa... Đã đến lúc phải hành động". ECOWAS quyết tâm sử dụng lực lượng quân sự sau khi các biện pháp trừng phạt kinh tế và đi lại đối với những kẻ âm mưu đảo chính thất bại.

Tổng thống Bazoum đã bị quân đội giam giữ trong phủ tổng thống ở thủ đô Niamey của Niger kể từ ngày 26.7, trong vụ đảo chính mới nhất xảy ra ở khu vực Sừng châu Phi vài năm trở lại đây. Tướng Abdourahamane Tiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống ở Niger, đã tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của đất nước.

Cùng với Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi, ECOWAS cũng cho biết các nước sẽ đóng cửa biên giới, đình chỉ các chuyến bay thương mại và chấm dứt giao dịch tài chính với Niger, đóng băng tài sản quốc gia của Niger cũng như cắt viện trợ cho quốc gia này. Giới chức quân sự liên quan vụ đảo chính sẽ bị cấm đi lại và tài sản của họ sẽ bị phong tỏa.

Tổng thống Bazoum là một trong số ít các nhà lãnh đạo dân cử, thân phương Tây ở Sahel, nơi mà kể từ năm 2020, phong trào nổi dậy của các phần tử thánh chiến đã dẫn đến các vụ đảo chính ở Mali và Burkina Faso, hai nước láng giềng của Niger.

Hiện chưa rõ ECOWAS, gồm 15 thành viên, có thể sử dụng vũ lực như thế nào. Năm ngoái, khối đã đồng ý thành lập một lực lượng an ninh khu vực để chống lại các phần tử thánh chiến và ngăn chặn các vụ đảo chính quân sự. Song những quy định chi tiết về lực lượng này cũng như nguồn tài chính cho lực lượng vẫn chưa được vạch ra.

Aneliese Bernard, Cố vấn Ổn định Chiến lược của ECOWAS cho biết, hiện vẫn chưa rõ khối sẽ thực hiện lời cảnh báo của mình như thế nào do thiếu sự phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong việc bảo đảm an ninh chính thức ở Niger. “Không có đủ sự tin tưởng thực sự giữa các thành viên ECOWAS và điều đó sẽ phá vỡ bất kỳ kế hoạch phản ứng phối hợp nào”, ông Bernard nói.

ECOWAS đã từng có hành động tương tự?

ECOWAS đã từng sử dụng vũ lực để lập lại trật tự ở các quốc gia thành viên. Mới nhất là vào năm 2017 tại Gambia sau khi Tổng thống lâu năm Yahya Jammeh không chấp nhận từ chức bất chấp thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng trong trường hợp đó, việc lập lại trật tự chủ yếu nhờ các nỗ lực ngoại giao của các tổng thống Mauritania và Guinea lúc bấy giờ, và sự hỗ trợ từ quân đội Gambia, lực lượng cam kết trung thành với Tổng thống giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Adama Barrow. Còn ở Niger hiện nay, không có lực lượng quân sự nào đứng về phía ECOWAS.

Trong những năm gần đây, mặc dù Tây Phi đã chứng kiến tới 4 cuộc đảo chính, nhưng thực têÉCOWAS đã không thể làm gì để khôi phục nền dân chủ ở những nơi này. Biện pháp tốt nhất mà khối có thể thực hiện là trừng phạt kinh tế, nhưng thường không mang lại nhiều tác dụng ngoài làm khó khăn thêm cuộc sống của người dân vốn đã phải đối mặt với tỷ lệ nghèo đói cao.

ECOWAS cũng điều hành một hoạt động gìn giữ hòa bình khu vực được gọi là ECOMOG do Nigeria lãnh đạo vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 để giúp khôi phục trật tự ở một số quốc gia: chẳng hạn ở Liberia trong cuộc nội chiến đẫm máu năm 1990 và Sierra Leone vào năm 1997 khi chính phủ được bầu cử dân chủ của Ahmed Tejan Kabbah bị lật đổ.

Khả năng can thiệp quân sự có hiệu quả hay không?

Bacary Sambe, một nhà nghiên cứu xung đột của Viện Timbuktu có trụ sở tại Senegal, nhận định: quân đội của một quốc gia như Niger, đất nước không có bờ biển, vốn phải phụ thuộc vào nguồn điện từ các nước láng giềng như Nigeria và phụ thuộc vào hải cảng của Benin - có thể sẽ không cầm cự được lâu trước lực lượng chung của ECOWAS.

Các nhà phân tích cho biết sự thành công của một cuộc can thiệp quân sự như vậy cũng sẽ phụ thuộc vào cách ECOWAS có thể phối hợp giữa các thành viên và với các tổ chức có ảnh hưởng khác, chẳng hạn như Liên minh châu Phi. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự thiếu thống nhất và hợp tác giữa hai tổ chức này: trong khi ECOWAS đưa ra thời hạn một tuần cho chính quyền Niger, thì Liên minh châu Phi đưa ra tối hậu thư 15 ngày buộc lực lượng quân đội Niger “trở về doanh trại”.

Kabir Adamu, người sáng lập Beacon Consulting, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại Abuja, cho biết ECOWAS cũng phải đối mặt với những hạn chế về tài chính và hậu cần cho một lực lượng như vậy. Tuy nhiên, ông Adamu cho rằng, việc này có thể được giải quyết nếu họ nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây. “Khả năng can thiệp quân sự sẽ khá khó khăn xét về mặt tài chính của ECOWAS nhưng họ có thể có những lựa chọn ở thế giới phương Tây, đặc biệt là Pháp”.

Tuy nhiên, chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso, hai nước láng giềng của Niger và cũng là thành viên ECOWAS, cuối ngày 31.7 đã ra tuyên bố chung cảnh báo rằng việc can thiệp quân sự ở Niger sẽ được coi là hành động "tuyên chiến" đối với cả hai nước này. Chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso cũng là kết quả của các vụ đảo chính quân sự diễn ra gần đây. Hai nước cũng coi bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Pháp - nước được coi là “mẫu quốc” của Niger khi đã đô hộ quốc gia này trong nhiều năm, cũng là hành vi xâm lược.

Năng lực quân sự của ECOWAS đến đâu?

Vào tháng 12 năm ngoái, ECOWAS từng cho biết đã quyết tâm thành lập một lực lượng khu vực để can thiệp vào những trường hợp như đảo chính. Nhưng kể từ đó không có thông tin nào về việc thành lập một lực lượng như vậy hoặc cách thức hoạt động của lực lượng này.

Tuy nhiên, xét về số lượng, người ta tin rằng nếu ECOWAS quyết định triển khai lực lượng an ninh ở Niger, thì số lượng của họ sẽ không thể ít hơn con số 7.000 binh sĩ của lực lượng đa quốc gia, từng được triển khai để phế truất Tổng thống tự xưng của Gambia Jammeh.

Riêng Nigeria có lực lượng vũ trang lớn nhất Tây Phi với 230.000 binh sĩ, mặc dù không phải tất cả đều là quân tiền tuyến; 9 trong số 20 quốc gia hàng đầu có quân đội tốt nhất ở châu Phi đến từ các nền dân chủ Tây Phi còn lại, theo Global Fire Power, tổ chức xếp hạng sức mạnh quân sự. Chỉ có Nigeria, xếp thứ tư, nằm trong số năm nước dẫn đầu, trong khi Mali đứng thứ 21 là nước có thứ hạng cao nhất trong số bốn quốc gia gần đây hiện đang nằm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự.

Nhân tố Nga và phương Tây

Một cuộc can thiệp quân sự do ECOWAS tiến hành ở Niger và kết quả là sự kháng cự từ Mali, Burkina Faso và Guinea có thể khiến Tây Phi và các khu vực khác của châu Phi bị mắc kẹt vào “giữa trận chiến địa chính trị giữa phương Tây và Crimea,” chuyên gia Kabir Adamu cảnh báo.

Cuộc đảo chính ở Niger có thể thúc đẩy lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga ở Tây Phi mở rộng phạm vi hoạt động. Nhóm này đang nổi lên như một đối tác an ninh ưa thích ở nhiều nơi của Tây Phi: từ Mali, nơi họ đã giúp chính quyền quân sự chống lại các nhóm Thánh chiến, cho đến Burkina Faso, nơi Nga được ca ngợi như một đồng minh chiến lược.

Người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin đã ca ngợi việc tiếp quản quân sự là “cuộc chiến của người dân (Niger) chống lại thực dân”, ám chỉ Pháp, quốc gia cùng với Hoa Kỳ có hàng nghìn quân ở Niger, quốc gia được coi là đồng minh phương Tây cuối cùng còn lại ở khu vực Sừng châu Phi.

“Tất nhiên, lực lượng đảo chính ở Niger khó có thể trông chờ vào Nga, nhưng điều đó phụ thuộc vào việc họ muốn đi xa chừng nào", ông Kabir Adamu nhấn mạnh.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/toi-hau-thu-cua-cong-dong-kinh-te-tay-phi-i339055/