'Tối hậu thư' với các dự án giao thông chậm tiến độ ở Đà Nẵng

TP Đà Nẵng đã chỉ ra hàng loạt dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ và ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Trong số các dự án chậm tiến độ, 9 dự án đang triển khai - chủ yếu là những công trình giao thông trọng điểm - bị vướng khâu giải phóng mặt bằng. Theo ấn định của UBND TP Đà Nẵng, những dự án này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong mốc thời gian cụ thể. Nếu không hoàn thành đúng tiến độ, UBND TP Đà Nẵng sẽ phải xem xét và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Dang dở vì vướng mặt bằng

Tuyến đường trục 1 Tây Bắc, đoạn từ nút giao thông Ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung thư, đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1 và đoạn nối đường Nguyễn An Ninh từ nút giao Quốc lộ 1 đến đường sắt (quận Liên Chiểu) khởi công từ đầu năm 2020 nhưng đến nay vẫn dang dở. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do vướng mặt bằng thi công.

Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 996 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Cụ thể, đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1 mới chỉ giải tỏa được 15% số hồ sơ. Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, đoạn này phải chốt giải tỏa từ giữa năm 2021. Hiện tại, đơn vị thi công chỉ mới triển khai được một vài hạng mục, đạt 24% khối lượng. Đoạn nối đường Nguyễn An Ninh từ nút giao Quốc lộ 1 đến đường sắt dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2021 nhưng hiện chưa có mặt bằng để thi công.

Dự án nâng cấp cải tạo đường ĐT 601 ở huyện Hòa Vang được UBND TP Đà Nẵng quyết định đầu tư vào năm 2019 với tổng vốn 643 tỉ đồng. Hiện khối lượng xây lắp của tuyến đường này đạt gần 40%. Chủ đầu tư cho hay nguyên nhân chậm chủ yếu do giải phóng mặt bằng.

UBND huyện Hòa Vang cũng thừa nhận lý do này. Trong khi đó, nhiều người dân bị ảnh hưởng liên tục kiến nghị dự án nhanh chóng triển khai thi công để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại. UBND huyện Hòa Vang cam kết sẽ tăng cường công tác tiếp dân để kịp thời giải quyết vướng mắc đồng thời đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Cũng vướng mặt bằng là dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan đoạn từ cầu Đỏ đến Quốc lộ 14B dài hơn 7 km với tổng vốn đầu tư hơn 526 tỉ đồng. Dự án này khởi công từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn thi công cầm chừng vì hơn 2 km đường chưa có mặt bằng.

Dự án đường Vành đai phía Tây 2 đội vốn hàng chục lần do chi phí giải phóng mặt bằng tăng

Dự án đường Vành đai phía Tây 2 đội vốn hàng chục lần do chi phí giải phóng mặt bằng tăng

Đội vốn hàng chục lần

Một dự án khác chậm tiến độ đáng kể do vướng mặt bằng là đường Vành đai phía Tây 2, do Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Công trình này có tổng chiều dài 14,3 km, đi qua quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

Đường Vành đai phía Tây 2 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, kết nối với các trục giao thông vành đai của TP Đà Nẵng và là một trong những công trình trọng điểm của địa phương. Đến nay, dự án này đã đội vốn lên 20 lần so với kế hoạch được phê duyệt ban đầu, từ 87 tỉ lên 1.800 tỉ đồng. Chủ đầu tư cho biết dự án đội vốn chủ yếu do chi phí giải phóng mặt bằng tăng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, dự kiến nhanh nhất đến cuối năm 2022, dự án trên mới hoàn thành khoảng hơn 4 km đoạn cuối tuyến đang thi công. Theo kết quả lựa chọn nhà thầu mà chủ đầu tư công bố vào tháng 11-2019, liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng KCON - Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy trúng thầu thi công dự án. Thời gian thực hiện hợp đồng 18 tháng nhưng đã chậm tiến độ và chưa chốt được ngày hoàn thiện dự án.

Mới đây, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai cụ thể các dự án trọng điểm nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với những dự án chậm tiến độ, ông Chinh yêu cầu các địa phương phải phân công cán bộ phụ trách khâu đền bù giải tỏa. Chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện để thực hiện kịp thời việc giải tỏa, đền bù.

Ông Chinh yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị quản lý dự án phải cam kết cụ thể về tiến độ hoàn thành đền bù giải tỏa từng khu vực của dự án. Đối với các sở - ngành liên quan, UBND các quận - huyện và đơn vị quản lý dự án, ông Chinh đề nghị nếu không hoàn thành nhiệm vụ phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Theo kế hoạch này, UBND TP Đà Nẵng ấn định thời gian hoàn thành từng dự án cụ thể. Trong đó, tuyến đường trục 1 Tây Bắc phải hoàn thành trước ngày 30-6-2023; dự án nâng cấp cải tạo đường ĐT 601 và đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan hoàn thành trước 30-9-2022; đường vành đai phía Tây 2 hoàn thành trước ngày 31-12-2022.

Chậm vì không có vốn

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Liên - Túy Loan đi qua địa bàn huyện Hòa Vang cũng bị chậm tiến độ, dang dở trong 5 năm qua.

Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết dự án này không phải chậm tiến độ vì mặt bằng mà do không có vốn. Theo ông Tôn, dự án này do Bộ Giao thông Vận tải cấp vốn nhưng hiện nay vẫn chưa có vốn. Khu vực nút giao thông của dự án đã được bàn giao mặt bằng, người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù giải tỏa.

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/toi-hau-thu-voi-cac-du-an-giao-thong-cham-tien-do-o-da-nang-20220426193739343.htm