'Tôi không rõ mình có bao nhiêu đứa con vì bán tinh trùng qua mạng'

Xu hướng xin tinh trùng qua mạng phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nó tạo ra hình mẫu gia đình kiểu mới với những mối quan hệ đặc biệt.

Peter Ellenstein (60 tuổi, ở Los Angeles, Mỹ) ngồi ăn tối cùng các con trong một nhà hàng. Họ có độ tuổi từ 17 đến 30. Không ai trong số họ biết rằng mình có quan hệ huyết thống - chung một người cha ruột - cho đến tháng 10/2017.

Theo NBC News, Ellenstein đã hiến tặng tinh trùng ẩn danh trong gần một thập kỷ kể từ 20 tuổi. Người đàn ông này coi đó là cách kiếm thêm thu nhập và không nghĩ mình sẽ gặp lại bất kỳ đứa trẻ nào trong số đó. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ mạng xã hội và xét nghiệm ADN, Ellenstein phát hiện bản thân là cha của ít nhất 24 đứa trẻ.

Cảm xúc khó quên trong lần đầu gặp con

Ellenstein vốn là cựu giám đốc một nhà hát, đã ly hôn, chưa nuôi dạy bất kỳ đứa con nào trong số trên. "Tôi không rõ mình có bao nhiêu đứa con vì bán tinh trùng qua mạng", ông thú nhận.

Lần đầu biết về những đứa trẻ, người đàn ông này rất sốc. “Tôi lo sợ ấn tượng đầu hay cử chỉ của mình có thể gây khó xử hoặc thất vọng với chúng. Vì vậy, thú thật lần đầu tiên tôi miễn cưỡng gặp các con”, Ellenstein bộc bạch.

Tuy nhiên, cuộc sống hiện tại của ông đều có sự góp mặt của những người con này. Mẹ của Ellenstein cũng thường xuyên trò chuyện, tâm sự và chơi đùa cùng các cháu.

“Đó là điều tuyệt vời nhất từng đến với tôi. Mỗi đứa trẻ mà tôi gặp đều là một cuộc phiêu lưu hoàn toàn khác, thú vị và mới mẻ”, ông bố này nói thêm.

 Peter Ellenstein chụp cùng một số người con cùng cha khác mẹ. Ảnh: Dania Maxwell/NBC News.

Peter Ellenstein chụp cùng một số người con cùng cha khác mẹ. Ảnh: Dania Maxwell/NBC News.

Điều khiến Ellenstein gần gũi hơn với các con ruột đó là sợi dây liên kết giữa những người ruột thịt, đến từ sự giống nhau về ngoại hình, tính cách hay sở thích. Đây cũng là cách giúp ông làm quen với Rachel White, 27 tuổi, người con đầu tiên liên lạc. Cô tìm được cha ruột thông qua cơ sở dữ liệu ít ỏi trên Internet vào năm 2017.

Khi White gặp cha lần đầu, cô thấy mình như bản sao của ông. Ngay lập tức, họ nhận ra nhau trong quán cà phê nhỏ tại Los Angeles. Mẹ của White là vũ công, tỉ mỉ và chỉn chu tới từng chi tiết. Cô luôn tự hỏi sự vụng về của mình đến từ đâu. Và ngày đó, White đã có câu trả lời.

Sau buổi gặp, White nói chuyện với Ellenstein qua điện thoại hàng ngày, xin lời khuyên về mọi thứ, từ tiền bạc đến sửa chữa ôtô hay tin tức về những anh chị em cùng cha khác mẹ. Đôi khi, White gọi đùa Ellenstein là “cha”, nhưng cô vẫn cho rằng ông giống một người chú hơn.

Trong một nhóm riêng tư trên mạng được lập giữa Ellenstein và các con, ông nhận ra những đứa trẻ chia sẻ tình yêu với cha ruột qua trò chơi, podcast. Giờ đây, họ như một gia đình lớn, thân thiết nhưng vẫn có cuộc sống riêng.

Với Ellenstein, mối quan hệ mới cùng 24 người con là điều may mắn và vẫn tốt đẹp cho tới hiện tại. Đôi lúc, ông lo lắng sẽ ngày càng nhiều con cái hơn và bản thân sẽ không thể đủ thời gian để quan tâm cho tất cả - sự quan tâm mà chúng vốn xứng đáng được hưởng. Dù vậy, với người đàn ông này, mỗi đứa trẻ xuất hiện như một phần thưởng bất ngờ trong cuộc đời.

"Tôi thấy mình may mắn", Ellenstein bộc bạch.

 Peter Ellenstein chụp chung cùng con gái Rachel White. Ảnh: Dania Maxwell/NBC News.

Peter Ellenstein chụp chung cùng con gái Rachel White. Ảnh: Dania Maxwell/NBC News.

Mô hình gia đình kiểu mới dần trở nên thịnh hành

Ellenstein không phải trường hợp duy nhất gặp gỡ những người con chào đời nhờ tinh trùng của mình. Xu hướng hiến tặng tinh trùng qua mạng ngày càng gia tăng. Trên mạng, 23andMe và Ancestry.com là 2 trong số các nhóm hỗ trợ xét nghiệm huyết thống, giúp những người con tìm kiếm cha, mẹ ruột. Nhờ đó, kiểu gia đình mới đang xuất hiện và trở nên phổ biến.

Một số trẻ lớn lên, gần gũi với cha ruột và anh chị em cùng cha khác mẹ. Thậm chí, họ chuyển đến sống cùng những người này. Số khác do dự, không chắc về mối quan hệ mới hay sự tồn tại của họ có khiến những ông bố bị xáo trộn cuộc sống. Bởi vậy, nhiều người giữ nó như một bí mật gia đình.

Họ đặt ra hàng loạt câu hỏi như liệu người hiến tinh trùng có muốn nuôi con của mình không? Có nên gọi những người này là cha không? Sự xuất hiện của mình có làm ảnh hưởng mối quan hệ, gia đình hiện tại của họ?

NBC News đã trò chuyện với hơn 10 người hiến tặng, trẻ được sinh ra từ những cuộc xin tinh trùng qua mạng và phụ huynh. Một số đứa trẻ cùng ông bố ruột trải qua những ngày kỷ niệm vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng cũng không ít người sốc và tức giận với cha mẹ đang nuôi dưỡng mình.

 Không phải đứa trẻ hay người cha nào cũng mở lòng với cha ruột/con ruột của mình như trường hợp ông Ellenstein. Ảnh: Dania Maxwell/NBC News.

Không phải đứa trẻ hay người cha nào cũng mở lòng với cha ruột/con ruột của mình như trường hợp ông Ellenstein. Ảnh: Dania Maxwell/NBC News.

Erin Jackson là người sáng lập của We Are Donor Conceive - nhóm hỗ trợ và cung cấp thông tin, kết nối người có nhu cầu cho, nhận tinh trùng trên Facebook. Nhóm này có hơn 650 thành viên. Erin chia sẻ không có mẫu số chung hay kịch bản nào cho những cuộc gặp gỡ giữa cha ruột, đứa con hay gia đình người xin tinh trùng.

Jackson, 41 tuổi, ở San Diego, tham gia nhóm trên vào năm 2016, sau khi phát hiện bản thân được sinh ra từ người hiến tặng tinh trùng. Cô lần tìm ra cha ruột của mình và gửi cho ông một lá thư, trong đó chứa bức hình chụp bản thân. Nhưng ông đã không hồi đáp.

Hai năm sau, Jackson bất ngờ nhận được một lá thư. “Về cơ bản ông ấy bảo rằng tôi hãy quên chuyện này đi. Tôi đã cố gắng không hy vọng nhiều nhưng thật sự khó giấu nổi sự thất vọng”, người phụ nữ tâm sự. Sau việc này, Jackson trở thành người lắng nghe, an ủi tâm hồn bất kỳ đứa con nào gặp khúc mắc trong cảm xúc khi đối diện cha ruột.

Theo NBC News, hiện không có con số thống kê chính xác bao nhiêu đứa trẻ đã được sinh ra nhờ hình thức cho - nhận tinh trùng qua mạng. Số lượng người đang liên hệ với cha, họ hàng ruột lại càng không có. Hơn 15 triệu người tham gia nhóm 23andMe và Ancestry.com. Hai công ty này thực hiện các cuộc kiểm tra huyết thống nhưng không tiết lộ số lượng là bao nhiêu.

Trong khi đó, trên Donor Sibling Registry - trang so sánh lớn nhất dành cho các trường hợp sinh ra nhờ xin tinh trùng - thống kê hơn 16.300 đứa trẻ đã tìm thấy anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc người hiến tặng. Đặc biệt, 25% trong số trên được kết nối trong vòng 3 năm qua, cho thấy xu hướng phổ biến của mô hình gia đình này.

Theo Giáo sư xã hội học, Rosanna Hertz, Đại học Wellesley (Massachusetts, Mỹ), ngày càng có nhiều người hiến tặng tinh trùng và con cái của họ xuất hiện, giữ mối quan hệ thân thiết với cha ruột. Ông cho biết: “Trong những cuộc khảo sát tôi thực hiện vào năm 2009, mọi người tìm thấy cha, anh chị em ruột và thường xuyên trao đổi email, hình ảnh với nhau. Nhưng họ ít khi gặp gỡ. Ngày nay, xu hướng họ gặp gỡ và thân thiết với nhau ngày càng nhiều”.

Hiện tại, Mỹ không có luật chính thức hạn chế số lượng đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng hiến tặng của một người đàn ông. Tại Anh, Na Uy, Hong Kong (Trung Quốc) hay một số quốc gia khác, giới chức quy định về điều này. Đây cũng là tiền đề tạo cơ hội cho những đại gia đình nửa huyết thống như trường hợp Ellenstein.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-khong-ro-minh-co-bao-nhieu-dua-con-vi-ban-tinh-trung-qua-mang-post1203044.html