Tôi là đứa trẻ bóng đêm?

Mặc dù đã được nhắc nhở, nhẹ có, quyết liệt có, tôi vẫn không thay đổi được thói quen xấu là thức khuya. Việc thức khuya hình thành từ rất sớm khi tôi còn bé và ngay cả khi tôi biết rõ thức khuya là nguy hiểm như thế nào trong độ tuổi trưởng thành của mình.

Tôi và nhiều các bạn mình không thể bỏ được thói quen chơi game và thức khuya. Ảnh: Mạnh Hào

Tôi và nhiều các bạn mình không thể bỏ được thói quen chơi game và thức khuya. Ảnh: Mạnh Hào

Không ai thích nói xấu về bản thân nhưng tôi thì cho rằng, việc chia sẻ những điều không hay về mình có lẽ sẽ giúp tôi nhận được một lời khuyên bổ ích và phù hợp để tôi thay đổi.

Tôi đang học lớp 11 tại một trường trung học phổ thông có chất lượng học rất tốt ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Và vấn đề mà tôi hiện gặp phải ở đây là tôi lại thức khuya thường xuyên, vừa là học bài và vừa là chơi game.

Do thời gian học chính là vào buổi sáng nên sau khi về nhà, ăn uống và nghỉ ngơi, thời gian buổi chiều của tôi không còn nhiều, trước khi tôi lại khoác ba lô đi học thêm. Sau đó là bữa tối muộn, làm một vài việc giúp đỡ bố mẹ và tắm táp, tôi ngồi vào bàn học lúc đồng hồ đã chỉ 10 giờ. Vừa ôn lại kiến thức đã học trong ngày, vừa chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, thật khó để tôi lên giường trước 12 giờ. Và mẹ tôi thì luôn nhắc nhở rằng, nếu không đi ngủ sớm và ngủ đủ, chiều cao của tôi sẽ không phát triển hay tôi sẽ mắc bệnh này nọ về sau này.

Thực tế thì tôi đã nghe mẹ càm ràm như vậy từ hồi tôi còn học trung học cơ sở. Có điều, ở độ tuổi đấy, thật khó để tôi tập trung vào việc học trong 1-2 giờ và đi ngủ sớm. Bởi cứ học một lúc, tôi lại muốn vào máy tính xem mọi thứ, với đủ thứ thông tin trên Facebook, TikTok hay YouTube và như thế, buổi học mỗi tối của tôi lại kéo dài sau khi tôi không còn gì để xem. Hoặc nếu không lướt internet, tôi cũng sẽ bị cuốn vào các cuộc chát chít với bạn bè, thậm chí chúng tôi còn rủ nhau chơi game, với các trò như Liên Quân, Free Fire, Pubg… mà đám học sinh như chúng tôi đều biết.

Điều tệ hại là thói quen đó đã theo tôi từ hồi học trung học cơ sở đến trung học phổ thông và giờ là ở lớp 11, khi tôi chỉ còn vỏn vẹn 12 tháng nữa để bước vào kì thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh: tốt nghiệp trung học phổ thông và chuẩn bị cho chặng đường mới ở đại học. Dĩ nhiên, không phải bố mẹ tôi hay thầy, cô giáo không biết những gì đang xảy ra hay không nhắc nhở, mắng mỏ, yêu cầu tôi và nhiều bạn trong lớp tôi thay đổi cách sinh hoạt. Họ đã làm thế, thậm chí rất quyết liệt nhưng tự bản thân tôi thấy rằng mình thật khó thay đổi khi sức hút của mạng xã hội và game quá lớn. Đúng hơn, tôi chỉ thật sự nghiêm túc trước mỗi kì thi học kì và rồi sau đấy, mọi thứ lại đâu vào đó.

Nếu kết quả trên lớp không tốt, tôi chắc chắn sẽ nhận được sự trách mắng rất nhiều từ bố mẹ nên chính vì học lực của tôi vẫn thuộc loại giỏi, việc thay đổi thói quen của tôi càng trở nên khó khăn hơn. Và ở độ tuổi của tôi, tôi và nhiều bạn học vẫn chưa hiểu rõ hay nhận thức đúng những tác hại của việc thức khuya hay ngủ không đủ giấc.

Có thế vì chúng tôi không thấy có thay đổi gì nhiều ở bản thân nhưng như mẹ tôi vẫn hay nhắc nhở thì càng ngủ sớm, tôi mới có thể phát triển chiều cao. 80% hormone tăng trưởng được tiết ra trong khi ngủ và hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều hơn vào nửa đầu của đêm. Vì vậy, theo cách nói của mẹ tôi thì tôi không những không được thức khuya mà còn phải đi ngủ sớm nhất có thể.

Sau chiều cao là vấn đề sức khỏe. Tôi thì chỉ cảm thấy đôi lúc mệt mỏi và buồn ngủ do thức khuya nhưng mẹ tôi lại cho rằng, tôi thức khuya thường xuyên sẽ dẫn đến rối loạn hệ thống nội tiết và điều này là đặc biệt không tốt với một chàng trai đang trưởng thành như tôi. Rối loạn hệ thống nội tiết sẽ ảnh hưởng đến sự điều hòa bình thường của các hormone, làm rối loạn tiết melatonin, gây rối loạn nhịp điệu phát triển, dẫn đến cơ thể phát triển sớm. Và mẹ tôi lúc nào cũng "đe dọa" tôi rằng, thức khuya thường xuyên không chỉ khiến da sạm đen, vàng vọt mà còn gây ra quầng thâm và mụn. Nếu tôi thức khuya trong thời gian dài sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao và khiến tôi tăng cân, ảnh hưởng lớn đến ngoại hình.

Đúng là chỉ có mẹ mới quan tâm và lo lắng cho con cái như thế, trong khi bản thân tôi lại không chú ý quá nhiều đến ngoại hình. Dĩ nhiên, việc học với tôi quan trọng hơn thế nhiều nhưng tôi biết, mỗi lần tôi bỏ ngoài tai những lời khuyên của mẹ, mẹ rất buồn.

Điều an ủi cho tôi là đứa em trai đang học lớp 5 không lặp lại những sai lầm của tôi. Thật sự thì nó cũng rất mê game nhưng vì tôi không cho mượn điện thoại hay bố mẹ tôi đã xóa hết game trên máy tính và ipad nên nó buộc phải chuyển sang các trò giải trí khác. Thật may đó đều là những trò giải trí lành mạnh và có ích như đọc sách, chơi cầu lông, đá bóng hay sưu tập thẻ cầu thủ. Trên hết, bố và đặc biệt là mẹ tôi đều tỏ ra rất nghiêm khắc mỗi khi đứa em của tôi đụng vào điện thoại của họ.

Tôi kể câu chuyện về mình là để tất cả biết rằng, không chỉ có tôi mà nhiều bạn cùng trường tôi đều có thói quen thức khuya và cách sinh hoạt như vậy. Áp lực học tập là một lí do nhưng tôi phải thừa nhận rằng, chúng tôi đều mất quá nhiều thời gian "ôm" điện thoại trong ngày. Những thay đổi về thể chất và trí tuệ sau này chúng tôi sẽ trải qua và biết dần nhưng tôi hi vọng việc thức khuya để học như hiện tại có thể giúp tôi bước vào cánh cửa của giảng đường đại học.

Và tôi cũng hi vọng khi đó mình đã đủ trưởng thành để biết lắng nghe bố mẹ hơn, biết quan tâm đến sức khỏe bản thân hơn, để họ không phải phiền lòng về tôi nữa và tôi có thể là tấm gương tốt cho đứa em trai cũng sắp sửa bước vào một cấp học mới trong hành trình phát triển của nó.

Tác giả: Phạm Mạnh Hào

(Bài dự thi "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")

Bài dự thi gửi vào email của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vnHoặc gửi trực tiếp đến Tòa soạn: Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại hotline: 02473.098.555.

Tác giả: Phạm Mạnh Hào

(Bài dự thi "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")

Bài dự thi gửi vào email của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vnHoặc gửi trực tiếp đến Tòa soạn: Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại hotline: 02473.098.555.

Phạm Mạnh Hào

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/toi-la-dua-tre-bong-dem-179240506113711192.htm