TÔI LÊN TIẾNG: Chuyện lớn với những người lớn

Thể hiện oai phong trước mặt trẻ con để mong muốn chúng học theo không phải xấu. Tuy nhiên, khi cái oai ấy thực hiện bởi những nhận thức lệch lạc thì nó biến thành ngông nghênh...

Vụ án xảy ra trong ngôi nhà ở một khu phố. Nghi phạm sau khi bị phát hiện và bao vây đã khống chế đứa trẻ làm con tin.

Tuy nhiên, ý định thỏa hiệp để thoát thân không thành khi những tiếng súng chính xác vang lên. Ngay sau đó, cảnh sát trưởng lao vào bế vội đứa trẻ, hô to: "Cắt! Màn kịch chấm dứt, diễn viên giải tán". Khi ấy, đứa trẻ đang rất hoảng sợ đã chuyển sang trạng thái tâm lý nhẹ nhàng vì nghĩ mọi người xung quanh thực hiện cảnh quay phim, qua đó, thoát khỏi nỗi ám ảnh có thể đeo bám suốt cuộc đời từ những hình ảnh khủng khiếp.

Câu chuyện trên tôi đọc ở đâu đó trên mạng xã hội từ nhiều năm trước, ăn sâu vào trí nhớ bởi cách ứng xử linh hoạt, đầy tính nhân văn của những người thực thi công vụ nhằm tránh cho tâm hồn trẻ thơ lưu giữ những vết cặn không đáng có. Thật ngẫu nhiên, câu chuyện đó được gợi lại bởi 2 sự việc xảy ra trong 1 ngày.

Người đàn ông dựng xe máy, bế trẻ vào vỉa hè để thi gan việc vi phạm pháp luật - Ảnh cắt từ Clip

Người đàn ông dựng xe máy, bế trẻ vào vỉa hè để thi gan việc vi phạm pháp luật - Ảnh cắt từ Clip

Sáng 30-7 tại quận 1, TP HCM, một người đàn ông chở theo một trẻ nhỏ trên xe máy, khi tới sát giao lộ thì lấn sang làn đường ngược lại khiến chiếc ô tô không thể lưu thông. Thay vì xin lỗi rồi điều khiển xe máy đúng luật, anh này thi gan với tài xế bằng cách dựng xe tại chỗ, tiếp đó, bế đứa bé vào vỉa hè ngồi.

Sự việc diễn ra gần 10 phút giữa sự bức bí của nhiều dòng xe cùng tâm trạng bực bội, lời nhận xét đầy tính phê phán của bất cứ ai chứng kiến.

CLIP Người đàn ông bế con nhỏ đi xe ngược chiều

Tối cùng ngày ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, một người lớn khác lái xe máy chở theo bé trai chừng 4 tuổi có dấu hiệu vi phạm và bị CSGT xử lý.

Người này phản ứng lại bằng lời lẽ tục tĩu, kéo tay đứa trẻ đi qua đi lại như một tấm bình phong rồi châm lửa đốt phương tiện. Kẻ coi thường pháp luật bị vô hiệu hóa ngay lập tức trước sự kinh hãi, gào khóc thảm thiết của bé đi cùng.

Cảnh sát khống chế người đàn ông dẫn theo trẻ nhỏ có biểu hiện manh động - Ảnh cắt từ clip

Cảnh sát khống chế người đàn ông dẫn theo trẻ nhỏ có biểu hiện manh động - Ảnh cắt từ clip

Thể hiện oai phong trước mặt trẻ con để mong muốn chúng học theo mình không phải xấu. Tuy nhiên, khi cái oai ấy thực hiện bởi những nhận thức lệch lạc thì nó biến thành ngông nghênh.

Khoa học về tâm lý lứa tuổi chỉ ra rằng giai đoạn thiếu nhi giữ vị trí nền tảng trong hình thành tính cách con người.

CLIP CSGT khống chế người đàn ông châm lửa đốt xe khi đo nồng độ cồn ở Bình Thuận. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến và tiếng khóc của con trai người đàn ông này. Nguồn: Mạng xã hội

Quá trình xã hội hóa cá nhân tổng hợp từ nhiều yếu tố nhưng sức ảnh hưởng của những người xung quanh, đặc biệt là người thân thiết, có tác động vô cùng lớn tới niềm tin, tri thức, cách hành xử trước cộng đồng của cá nhân đó.

Vì vậy, tiết chế cảm xúc cùng hành động tiêu cực vừa là kỹ năng, vừa là bổn phận của những người lớn.

Không để trẻ con chứng kiến những biểu hiện phi chuẩn mực của bản thân vừa giúp nuôi dưỡng những tâm trạng màu hồng trong các bé, vừa tự giúp chính mình trở nên chín chắn và trở nên đáng ngưỡng mộ hơn dưới mắt chúng.

Còn ngược lại, ngoài việc tự xỉ nhục danh dự bản thân còn gián tiếp đẩy những suy nghĩ trong giai đoạn non nớt sa vào quá trình phát triển thiếu toàn vẹn.

Vì vậy, không riêng hai nhân vật thiếu tỉnh táo trong hành xử ở quận 1 và huyện Đức Linh, bất cứ ai trưởng thành đều nên tự vấn. Điều này cũng bao gồm cả lực lượng chức năng trấn áp vi phạm.

Bởi, khi hình dung diễn tiến tình huống, nếu xác định khả năng ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ con chứng kiến, sẽ dễ dàng có những động thái để ngăn chúng trực quan hiện trường…

NGỌC KỲ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/toi-len-tieng-chuyen-lon-voi-nhung-nguoi-lon-196240801115409395.htm