'Tôi mắc bệnh như nữ chính trong truyện 'Nỗi đau của bướm đêm'
'Khi tôi mô tả sự vật lộn với bệnh tật, những cơn ác mộng của cô cave tên Thơm trong truyện 'Nỗi đau của bướm đêm', thực ra, đó chính là những dằn vặt, khổ sở trong tôi', Thu Hằng, tác giả đang gây xôn xao mạng xã hội với tiểu thuyết về 'gái ngành' mang tên 'Nỗi đau của bướm đêm', chia sẻ.
Chào chị, là người đã đọc truyện “Nỗi đau của bướm đêm” online, tôi rất hào hứng khi thấy truyện đã chính thức được phát hành thành sách. Xin được chúc mừng chị…
Tôi rất biết ơn Tri Thức Trẻ Books vì đã biến sản phẩm online của tôi thành một cuốn tiểu thuyết đẹp như thế này.
Ban đầu tên truyện của tôi là “Ai lấy cave” và khi truyện được in thành sách, các anh chị biên tập đề nghị tôi đặt một cái tên mới “văn chương” hơn. Tôi nghĩ tên “Nỗi đau của bướm đêm” phản ánh đúng nội dung của câu chuyện với chủ đề về gái bán hoa.
Tôi không tiếc gì cả. Trước khi tôi đăng truyện trên Facebook, không ai biết tới tôi nhưng khi truyện kết thúc, tôi có hơn 20 nghìn người bạn. Viết truyện được độc giả yêu thích đến vậy nằm ngoài dự đoán của tôi và tôi biết ơn độc giả rất nhiều. Tôi mong rằng ngay cả khi quý độc giả đã đọc truyện online thì mọi người vẫn sẽ mua sách để đọc lại.
Cá nhân tôi thấy đọc sách thú vị hơn đọc trên máy tính. Hơn nữa tôi đã viết thêm cho truyện một cái kết khác. Hi vọng mọi người vẫn rung cảm khi đọc truyện của tôi dù đã đọc lần thứ N.
“Nỗi đau của bướm đêm” là câu chuyện về đề tài góc tối xã hội với những cảnh nóng bạo liệt, nhiều phân đoạn tận cùng của hỷ nộ ái ố. Chị còn khá trẻ, không phải nhà văn, sao có thể viết được một tác phẩm chạm tới tim độc giả như vậy?
Tôi nói thật, tôi viết “Nỗi đau của bướm đêm” khi “điên” nhất. Tôi stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, thức trắng đêm trong nhiều ngày và tôi tự nguyện điều trị trong viện tâm thần với mong muốn có thêm những trải nghiệm sống quý báu.
Thời gian trong viện, tôi thực sự được mở rộng tầm mắt về một thế giới rất khác biệt nhưng ở viện không thể làm việc khiến tôi chán nản vô cùng. Người thân khuyến khích tôi giải khuây bằng cách viết truyện và tôi viết đoạn đầu “Nỗi đau của bướm đêm” trong viện tâm thần.
Khi tôi mô tả cô cave Thơm lo lắng, hoảng sợ, tuyệt vọng, kiệt quệ, gặp ác mộng như thế nào… Thực ra đó chính là cảm xúc của tôi, là những gì tôi phải trải qua.
Người thân đưa tôi vào viện trong tình trạng ngất xỉu. Lúc tôi tỉnh lại, bác sĩ nhìn tôi và hỏi: “Em làm công việc gì mà tới mức như thế này?”. Bác sĩ nói với tôi, tôi làm việc quá sức, không biết cân bằng cuộc sống và yêu cầu tôi thay đổi lối sống để tự cứu mình.
Tôi là người: “Vẻ ngoài hài hước mà bên trong đầy vết xước”. Nhiều người có thể kêu than, khóc lóc, gào thét khi mệt mỏi, căng thẳng, đau khổ nhưng tôi thì không, tôi chỉ tự gặm nhấm tất cả buồn vui. Tôi dồn nén tất cả cảm xúc vào bên trong… Sau thời gian trong viện tâm thần, tôi thật sự đã vỡ ra nhiều điều. Điều quan trọng nhất là tôi phải biết thế nào là đủ. Mỗi trải nghiệm trong cuộc đời này đều đáng nhớ và cho tôi những bài học xương máu.
Tôi không dám so sánh mình với bất cứ ai vì tôi không phải là nhà văn. Tôi chỉ thích quan sát cuộc sống và kể lại những câu chuyện bằng ngòi bút “bình dân” của mình. Cuộc đời tôi đã trải qua rất rất nhiều thăng trầm nên độc giả đọc truyện của tôi sẽ cảm nhận được điều đó. Tôi mong mọi người nhanh mua hết truyện để nhà đầu tư in sách cho tôi sớm được hòa vốn (cười).
Sau “Nỗi đau của bướm đêm”, chị sẽ viết gì tiếp theo?
Tôi không phải người viết văn chuyên nghiệp nên viết lách phải có cảm hứng, không thể cố gò ép bản thân được. Để có thể ra mắt một sản phẩm, tôi dồn hơn 100% tâm sức, tôi nghĩ về câu chuyện đó cả ngày trong khi bác sĩ yêu cầu tôi duy trì cuộc sống không quá căng thẳng, không quá áp lực. Vì thế lúc này, tôi sẽ không thể viết được nhiều… Gần đây tôi kể chuyện cuộc đời thấy độc giả rất thích nên chắc là tôi sẽ viết tản văn trong thời gian tới.