'Tôi mua máy rửa bát để không phải vùi đầu vào bếp núc'

Lúc độc thân, phụ nữ được sống cho mình, nhưng khi lập gia đình, họ nghĩ thêm cho chồng, khi có con, họ lại hy sinh mọi thứ vì con.

Trương Hoa (27 tuổi, Hải Dương) là giáo viên một trường mầm non ở thành phố. Cách đây 3 năm, cô lập gia đình và sinh được một bé trai. Dù hai vợ chồng khá hòa hợp, điều kiện kinh tế ổn định, Hoa thấy cuộc sống sau khi kết hôn luôn mệt mỏi, áp lực.

Mỗi sáng, trước khi đi làm, Hoa phải bê một chậu quần áo khổng lồ từ tầng 1 lên tầng 3 phơi. Nếu không kịp, cô sẽ để đó và tranh thủ giờ nghỉ trưa về phơi.

Mỗi buổi trưa về cơm nước, cô phải cho con ăn, ngủ xong xuôi rồi rửa bát đũa.

Chiều đón con về, Hoa tiếp tục chuẩn bị bữa tối, dọn dẹp, tắm giặt cho con. Ăn xong, trước khi tắm rửa, nghỉ ngơi, cô một mình phải rửa hết số bát đũa, xoong nồi của bữa tối.

 Khi có gia đình, công việc nội trợ mặc nhiên được gán cho phụ nữ. Ảnh: Freepik.

Khi có gia đình, công việc nội trợ mặc nhiên được gán cho phụ nữ. Ảnh: Freepik.

Đến một ngày, cô chợt phát hiện ra, cuộc sống thế này quá mệt mỏi.

“Tôi đã mạnh tay mua máy rửa bát và máy sấy quần áo. Nó có vẻ cồng kềnh so với căn nhà nhỏ của hai vợ chồng. Thế nhưng, tôi cảm thấy thoải mái, khoan khoái vì không phải vùi mặt vào bát đũa, quần áo".

Công việc không tên

Câu chuyện của Hoa chỉ là một trong muôn vàn tình huống khi người phụ nữ bước vào cuộc sống gia đình, con cái.

Thạc sĩ Lê Nguyễn Phương Thảo - giảng viên ĐH Khoa học Huế - cho rằng phụ nữ Việt lúc độc thân được sống cho mình, thế nhưng, khi lập gia đình, họ phải sống thêm cho chồng, khi có con lại hy sinh mọi thứ vì con.

Cô rất thán phục những người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Với cô, việc đó quá khó.

"Theo phong tục của người Việt, phụ nữ phải gánh hoàn toàn công việc nhà, bếp núc, chuyện ăn uống, tắm giặt cho con. Không có mấy người chồng biết chia sẻ. Hơn nữa, trong thơ ca, nghệ thuật và cuộc sống đời thường đều ca ngợi sự hy sinh của phụ nữ cho gia đình. Cũng chính vì những lời ca ngợi này, nhiều người vợ, người mẹ chấp nhận bị trói buộc".

"Do thiên chức làm mẹ, làm vợ, người phụ nữ buộc phải lựa chọn giữa công việc ngoài xã hội và những việc không tên trong gia đình. Phụ nữ chẳng mấy người đủ sức khỏe và khả năng để chu toàn giỏi việc nước, đảm việc nhà. Vì thế, họ phải lựa chọn một trong hai. Tôi thường thấy số đông lựa chọn đảm việc nhà".

 Phụ nữ nên sống độc lập, tự chủ tài chính. Ảnh: Getty.

Phụ nữ nên sống độc lập, tự chủ tài chính. Ảnh: Getty.

Thạc sĩ Phương Thảo cho rằng đàn ông hoàn toàn có thể trông con, nấu cơm, giặt giũ như phụ nữ. Xã hội cũng cần phải học cách ngừng đánh giá những người đàn ông thực thụ này là thiếu bản lĩnh. Ngược lại, chúng ta cũng ngừng đánh giá những phụ nữ để chồng làm giúp việc nhà là người vụng về, không làm tròn bổn phận.

Thảo có quen một người bạn. Dù rất có năng lực trong công việc, người này luôn cảm thấy sự nghiệp của mình bị phụ thuộc.

Nhìn thông tin đăng tuyển công việc lương cao, cô bạn cũng không dám ứng tuyển.

Không phải do thiếu tự tin, người bạn này nghĩ đến câu "cái gì cũng có giá của nó". Đi làm, nhiều tiền hơn, đồng nghĩa với trách nhiệm nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, thời gian cho con ít đi. Muốn chấp nhận thử thách, có lẽ cô ấy phải phó mặc con để ông bà hỗ trợ, thuê người giúp việc trông lo việc nhà... Không đành lòng, cô ấy lại chẳng dám bước tới.

"Thực ra, quẩn quanh với công việc gia đình dễ khiến người phụ nữ có cảm giác mất dần tính độc lập. Vì thế, bất kể tiền lương kiếm được ít hay nhiều, phụ nữ nên tiếp tục sự nghiệp của mình", cô nói.

Công việc bếp núc ít được ghi nhận

Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), chia sẻ với Zing rằng công việc bếp núc thường không được ghi nhận vì không cân đo đong đếm được, ít ai hiểu để thông cảm.

 Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW). Ảnh: NVCC.

Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW). Ảnh: NVCC.

Bà Hà phân tích việc nhà hay việc không tên, về bản chất chính là công việc chăm sóc không được trả công.

Có hai loại hình là công việc chăm sóc trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người già, ốm đau; việc nhà như cơm nước, chợ búa là công việc gián tiếp.

Ngoài ra, các công việc chăm sóc trong cộng đồng như hiếu, hỉ,...

Đây là các công việc tái sản xuất ra con người rất cần thiết để duy trì gia đình, tạo ra phúc lợi cho gia đình, xã hội.

Theo bà, một trong những giải pháp triệt để giúp giảm bớt gánh nặng cho các giới là ghi nhận đúng đắn hơn vai trò của công việc chăm sóc không lương, rằng đây là việc đem lại phúc lợi cho gia đình và xã hội ở cấp độ gia đình cũng như cấp độ chính sách.

Tiếp đến, nhà nước cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư vào phát triển kinh tế, dịch vụ chăm sóc người già và trẻ em tốt. Đồng thời, cần giáo dục cho nam giới cùng các thành viên trong gia đình san sẻ công việc này để giảm gánh nặng cho nữ giới.

Kiều Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-mua-may-rua-bat-de-khong-phai-vui-dau-vao-bep-nuc-post1197156.html