Tới năm 2025, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt
Theo Đề án 'Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt', đến hết năm 2025, cả nước sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn,...
Hiện trên địa bàn cả nước tồn tại 3.831 vị trí lối đi tự mở qua đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông. Ảnh minh họa
Thống kê hiện trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.344 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Về lối đi tự mở hiện còn 3.831 vị trí, chiếm tỉ lệ 71,7 % tổng số giao cắt.
Đặc biệt có 1.513 vị trí là đường ngang, chiếm tỉ lệ 28,3% tổng số giao cắt với 660 đường ngang có gác, 9 đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động, 706 đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động, 138 đường ngang phòng vệ bằng biển báo.
Chỉ riêng địa bàn Thành phố Hà Nội đang có 363 lối đi tự mở và 252 vị trí vi phạm về bảo vệ công trình thông tin tín hiệu, 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt. Thực trạng đáng lo ngại này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua.
Theo cục Đường sắt Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm các địa phương đã rào đóng, xóa bỏ 27 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm trên các tuyến đường sắt; góp phần đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông.
Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào ngăn cách dọc đường sắt giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn như tại Hà Nam với 21 vị trí, Yên Bái 4 vị trí,...
Trước đó tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”.
Với tổng kinh phí dự kiến lên tới gần 7.400 tỷ đồng, mục tiêu của Đề án là đến hết năm 2025 sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia. Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt, giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% đến 10% hàng năm, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng,...
Vì vậy các địa phương đang triển khai các bước lập phương án, kế hoạch tổng thể để triển khai, tập trung thỏa thuận phương án xây dựng đường gom - hàng rào, đường ngang, hầm chui dân sinh.
Tuy nhiên công tác tổ chức lập kế hoạch, lộ trình tổng thể của một số địa phương hiện còn chậm, đã có 29/34 tỉnh thành phố đã ban hành còn lại 5 tỉnh/thành phố và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chưa ban hành kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án.