'Tôi nhiễm Covid-19 khi đi du lịch'

Không ít dân Mỹ vẫn du lịch nước ngoài bất chấp rủi ro. Những người nhiễm Covid-19 ở nơi xa lạ rơi vào tình cảnh chạy chữa ở bệnh viện địa phương hoặc bỏ tiền cho dịch vụ sơ tán.

Cuối năm ngoái, Jose Arellano và người vợ Gloria đi hơn 3.200 km từ quê nhà Mỹ đến khu nghỉ mát ở Oaxaca (Mexico) để sử dụng hết khoảng 400 USD tiền vé máy bay họ từng mua trước đó.

Dù đeo khẩu trang, tấm che mặt và xịt thuốc khử trùng, cả hai bắt đầu đau đầu và lên cơn sốt sau chưa đầy một tuần lên đường. Cặp vợ chồng mắc Covid-19 tại một nơi mà họ không có bảo hiểm y tế, cũng như gia đình hoặc bạn bè không ở bên để hỗ trợ.

 Du lịch ra nước ngoài trong thời gian dịch Covid-19 chưa biến mất hoàn toàn, nhiều du khách rơi vào tình cảnh nhiễm virus ở nơi xa nhà. Ảnh: Insider.

Du lịch ra nước ngoài trong thời gian dịch Covid-19 chưa biến mất hoàn toàn, nhiều du khách rơi vào tình cảnh nhiễm virus ở nơi xa nhà. Ảnh: Insider.

Mới chỉ 10% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, nhưng số lượng đi du lịch nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm qua, theo NY Times.

Nhiều người trở về nhà khỏe mạnh, song không ít người đổ bệnh vì virus tấn công ở phương xa và phải cách ly ở khách sạn hoặc địa điểm tập trung của chính phủ. Trong trường hợp xấu hơn, họ phải nhập viện xa nhà. Số khác phải bỏ số tiền lớn cho những chuyến bay cứu thương bằng đường hàng không tốn kém.

Sơ tán bằng máy bay cứu thương

Seven Corners, một nhà cung cấp bảo hiểm tại Mỹ, cho biết công ty tiếp nhận ít nhất 2.000 yêu cầu bồi thường chi phí khám chữa bệnh kể từ tháng 6 năm ngoái. Một công ty dịch vụ sơ tán y tế cho hay họ thực hiện trung bình 3 chuyến bay mỗi tháng cho người bị nhiễm bệnh khi đi du lịch nước ngoài.

Trong trường hợp của nhà Arellano, sau một tháng ở bệnh viện, ông Arellano qua đời vì nhiễm trùng phổi. Tới nay, bà Gloria vẫn đang trong quá trình hồi phục tại nhà. Christian Arellano, con trai của họ, bay đến Oaxaca để chăm cha mẹ, cũng bị nhiễm bệnh.

Không phải tất cả bảo hiểm du lịch đều bao gồm các bệnh liên quan đến Covid-19 và hầu hết không bao gồm chi phí sơ tán về nước. Một số chính sách yêu cầu khách du lịch phải nhập viện mới được thanh toán bảo hiểm, trong khi các nơi khác có thể chi trả nếu mắc các triệu chứng nhẹ.

Amy, người chỉ tiết lộ tên để bảo vệ sự riêng tư, đến Maldives cùng con gái 20 tuổi vào hồi tháng 1.

 Ông Jose Arellano trước khi được đưa lên máy bay cứu thương về Mỹ. Ảnh: NY Times.

Ông Jose Arellano trước khi được đưa lên máy bay cứu thương về Mỹ. Ảnh: NY Times.

Kết quả xét nghiệm đều cho ra âm tính trước khi cả hai rời Mỹ. Đến Dubai, nơi họ ở lại hai đêm và sau đó hai lần nữa ở Maldives, khi di chuyển từ resort này đến resort khác, mọi lần kiểm tra vẫn cho thấy họ không nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, đến ngày 12 trong chuyến đi, con gái của Amy được thông báo nhiễm Covid-19. "Tôi thực sự bị sốc. Tôi xin họ xét nghiệm lần nữa nhưng bị từ chối", cô nói.

Mặc dù triệu chứng chỉ là đau đầu, mệt mỏi và cả hai ở cách biệt trong villa hạng sang, Amy lo sợ chính quyền sở tại sẽ tách hai mẹ con ra.

Cuối cùng, Amy nhờ đến Covac Global, một công ty được thành lập để cung cấp dịch vụ sơ tán y tế trong đại dịch. Trước chuyến đi, cô đã trả cho họ 1.295 USD tiền bảo hiểm.

Con gái Amy trải qua chuyến bay kéo dài 24 giờ, cần ở trong khoang cách ly mỗi lần máy bay cất cánh, hạ cánh, tiếp nhiên liệu và khi đổi máy bay. Toàn bộ phi hành đoàn gồm hơn 30 người phục vụ cho chuyến sơ tán đều đã tiêm vaccine chống Covid-19.

Ngày 9/2, Amy và con gái bắt đầu sơ tán với 45 phút đi tàu cao tốc từ khu nghỉ mát đến sân bay. Họ lên máy bay được trang bị cáng, thiết bị y tế, nhà vệ sinh và chỗ ngồi cho 7 người.

Máy bay di chuyển từ Maldives đến Ireland và dừng tiếp nhiên liệu ở UAE, Hy Lạp.

Từ Ireland, máy bay hàng không thứ hai đưa họ đến Canada và cuối cùng hạ cánh tại Mỹ. Họ về nhà vào ngày 10/2, sớm trước 3 ngày so với dự định.

Amy cho biết con gái họ xét nghiệm âm tính cả hai lần trước khi lên xe cấp cứu hàng không và khi về nhà.

Các cuộc điện thoại sắp xếp và chi phí vận chuyển hành lý về nhà vì máy bay quá nhỏ tiêu tốn thêm của Amy khoảng 11.000 USD. Nếu không mua bảo hiểm trước, số tiền sơ tán bằng máy bay có thể lên tới 200.000 USD.

 Mới chỉ 10% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, nhưng số lượng đi du lịch nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm qua. Ảnh: Scott Mclntyre.

Mới chỉ 10% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, nhưng số lượng đi du lịch nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm qua. Ảnh: Scott Mclntyre.

Hóa đơn 1 triệu USD

“Tôi nhiễm Covid-19 khi đi du lịch nước ngoài. Ngay khi chuẩn bị kết thúc chuyến đi ở Caribbean, tôi nhận thông báo mình dương tính”, Jeremy Salomon (39 tuổi), người điều hành một nhóm du lịch thành viên ở Copenhagen (Đan Mạch), cho hay.

Salomon được chuyển đến một khu cách ly dựng lên ở trung tâm thể thao địa phương.

“Phòng tôi chỉ có tấm nệm cao su. Không có khăn tắm. Không có chăn. Tủ lạnh trống rỗng, thậm chí không có một chai nước”.

May mắn, một giám đốc khách sạn đã giúp đỡ Salomon, cho anh nằm phục hồi miễn phí ở một biệt thự 6 phòng ngủ, phòng xông hơi khô trong nhà và ngoài trời, hồ bơi và một bãi biển riêng.

Song, các triệu chứng nhiễm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khiến Salomon quá ốm yếu để tận hưởng bất kỳ tiện nghi nào.

 Bên trong máy bay sơ tán y tế của Covac Global. Ảnh: NY Times.

Bên trong máy bay sơ tán y tế của Covac Global. Ảnh: NY Times.

Khi nhiễm Covid-19 ở nơi xa nhà, ngay cả khi nói được ngôn ngữ ở nơi đó, việc biết phải làm gì giữa cuộc khủng hoảng dịch bệnh là khó khăn của nhiều người.

"Chúng tôi phải tìm mọi cách để giúp cha, bao gồm tìm bệnh viện để nhập viện, nói chuyện với bác sĩ nào, nơi có thể lấy thuốc, nơi chúng tôi có thể ở lại", Arellano kể lại.

Khi bố mẹ anh bắt đầu bị ốm, họ đến một phòng khám y tế, nơi họ được chẩn đoán chỉ mắc hen suyễn. Bác sĩ thứ hai mới kết luận họ mắc Covid-19. Bất chấp tình trạng bệnh tật, mẹ anh đã chạy khắp thị trấn để mua thuốc men, tốn số tiền nghìn USD.

Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, cặp vợ chồng đã gọi cho Cơ quan Lãnh sự Mỹ ở Oaxaca. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết không có bệnh viện nào có thể chữa trị Covid-19 trong khu vực. Với tình trạng của ông Arellano ngày càng xấu đi, gia đình đã chi 25.000 USD cho một máy bay cứu thương hàng không để đưa ông về Trung tâm Y tế Hải quân ở La Jolla, California.

Christian bay đến sau và chỉ được gặp cha mình một thời gian ngắn trước khi cha được chuyển về Mỹ.

Ở Oaxaca, tình trạng của bà Gloria xấu đi. Một bác sĩ đã chở Christian và mẹ anh đi khắp thành phố để tìm giường bệnh cho bà. Chỉ có một cơ sở tư nhân có sẵn giường với chi phí khoảng 4.000 USD/đêm. Bà Gloria đã ở đó ba đêm.

Ngày 16/12, anh và mẹ bay về Mỹ. Mãi đến ngày 27/12, bà Gloria mới được vào thăm chồng. Cả nhà ở cạnh nhau khi ông Allerano qua đời vào ngày hôm sau.

Gia đình đang phải đối mặt với hóa đơn 1 triệu USD tiền chi phí khám chữa bệnh và dự kiến bảo hiểm sẽ chi trả khoảng 60%.

"Chúng tôi tự hỏi làm thế nào một chuyến đi du lịch vốn được cho là mang lại nhiều niềm vui lại kết thúc đau buồn tới vậy", Christian nói.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-nhiem-covid-19-khi-di-du-lich-post1195281.html