'Tôi nhớ con nhưng chẳng thể về nhà vì Covid-19'

300 triệu lao động Trung Quốc đối mặt với nguy cơ cao không được về quê ăn Tết Nguyên đán do các lệnh hạn chế khắt khe của chính phủ.

Zing trích dịch bài đăng từ New York Times, đề cập đến nguy cơ người lao động Trung Quốc phải ăn Tết Âm lịch nơi đất khách quê người do dịch Covid-19.

Cứ mỗi độ xuân sang, Pang Qingguo (31 tuổi), một người bán hoa quả ở thành phố Đường Sơn, lại hào hứng chuẩn bị vượt 1.280 km về quê ăn Tết Nguyên đán - dịp lễ lớn nhất trong năm ở xứ tỷ dân.

Tuy nhiên, vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến anh Pang bị mắc kẹt một mình ở nơi đất khách quê người suốt kỳ nghỉ. Hầu hết các thành phố, đô thị lớn ở Trung Quốc đều phong tỏa, cũng như mọi lễ hội, sự kiện bị hủy bỏ.

Năm nay, đại dịch có nguy cơ phá hỏng kỳ nghỉ lễ này một lần nữa do sự bùng phát trở lại đột ngột của virus corona.

 Hành khách chuẩn bị lên tàu tại ga Hán Khẩu ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: Roman Pilipey/EPA.

Hành khách chuẩn bị lên tàu tại ga Hán Khẩu ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: Roman Pilipey/EPA.

Trước tình hình này, các nhà chức trách Trung Quốc lập tức thiết lập quy tắc kiểm dịch và kiểm tra phức tạp để ngăn cản những lao động nhập cư như Pang trở về quê hương nhân dịp năm mới.

Cụ thể, họ yêu cầu những ai trở về quê trong dịp Tết Âm lịch tới sẽ phải trải qua 2 tuần cách ly và tự trả tiền cho các xét nghiệm Covid-19.

Nhiều người lên tiếng chỉ trích các quy định mới mà chính quyền đề ra là “quá bất công” đối với dân lao động nhập cư - những người từ lâu bị đối xử như công dân hạng hai tại các đô thị Trung Quốc.

Nhóm này cũng là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19. Họ bị giảm giờ làm và cắt lương do nhiều nhà máy, công ty chủ quản lần lượt đóng cửa trong đợt dịch năm 2020.

Pang, người mô tả ngôi nhà của mình ở phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang là “nơi hạnh phúc nhất thế giới”, cảm thấy đau khổ vô cùng trước những quy định mới.

 Tháng 1, các công nhân chờ đợi được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Tháng 1, các công nhân chờ đợi được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

Trong những ngày gần đây, anh lên mạng xã hội để bày tỏ sự thất vọng về hoàn cảnh của mình. Đính kèm bài đăng đó là bức ảnh đứa con gái 7 tuổi của anh - người mà Pang chưa được gặp lại hơn một năm nay.

“Tôi nhớ con gái vô cùng nhưng chẳng thể làm gì được”, anh Pang chia sẻ với New York Times.

Không chỉ riêng anh Pang, phần lớn trong số 300 triệu lao động nhập cư Trung Quốc - những người rời quê lên thành phố tìm việc - cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự.

Nỗi niềm ăn Tết một mình

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài nhất trong năm để người lao động Trung Quốc có thời gian trở về quê hương gặp lại những người thân yêu. Vì vậy, cứ mỗi độ xuân về, hàng trăm triệu người lại đổ ra sân bay, ga tàu hoặc bến xe về với gia đình.

Thế nhưng, trái ngược với các năm trước, nhiều người đang lên kế hoạch ăn Tết vắng bóng gia đình.

Đây là lần đầu tiên Zhu Xiaomei (40 tuổi) - một nhân viên bán vải ở thành phố Hàng Châu - trải qua kỳ nghỉ lễ lớn này một mình tại ký túc xá. Vào các dịp Tết trước, cô thường ngồi tàu hơn 30 tiếng đồng hồ trở về tỉnh Tứ Xuyên để được ở bên gia đình.

“Đương nhiên tôi buồn chứ. Tôi chưa trải qua cảm giác này bao giờ”, cô Zhu chia sẻ.

 Một chốt chặn ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây hồi tháng 1/2020. Ảnh: Thomas Peter/Reuters.

Một chốt chặn ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây hồi tháng 1/2020. Ảnh: Thomas Peter/Reuters.

Đối với một số gia đình khác, dịp Tết năm nay sẽ là lần thứ hai họ không được đoàn tụ.

Trở lại năm 2020, ngay trước thềm đón năm mới Canh Tý, chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực, đồng thời hủy mọi chuyến tàu, máy bay trên khắp đất nước.

Chỉ trong vài giờ đồng hồ, hơn 35 triệu người dân ở thành phố Vũ Hán và các đô thị lân cận được lệnh ở nhà.

Mặc dù Trung Quốc kiểm soát tương đối tốt Covid-19 so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, vài ổ dịch mới đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Một số khu vực được khoanh vùng, phong tỏa và truy vết hàng loạt.

“Nếu Trung Quốc xuất hiện một đợt bùng phát lan rộng nữa như năm ngoái, nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này”, Arthur Kroeber - giám đốc điều hành của Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu kinh tế độc lập - chia sẻ với New York Times.

Tặng quà, thêm ưu đãi để giữ chân người lao động

Theo dự đoán, hàng triệu người vẫn sẽ đổ về quê, thậm chí đi du lịch nhân dịp Tết trong 3 tháng đầu năm.

Các nhà chức trách lo ngại rằng lượng lớn người di chuyển có thể tiếp tục gây ra nhiêu đợt bùng phát khác, đặc biệt ở các vùng nông thôn - nơi ít được tiến hành xét nghiệm Covid-19 cũng như thực hiện giãn cách xã hội không chặt chẽ.

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Trước tình thế đó, chính quyền địa phương hiện đưa ra nhiều ưu đãi, quà tặng để thuyết phục người dân hủy bỏ các chuyến đi trong mùa lễ cao điểm.

Tại thành phố Thượng Hải, các quan chức lên kế hoạch thanh toán tiền điện thoại và hóa đơn y tế của những người không về nhà dịp Tết.

Ở thủ đô Bắc Kinh, chính quyền địa phương khuyến khích các công ty trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên, còn những người giúp việc được trả thêm 60 USD nếu làm xuyên Tết.

Chính quyền một quận ở thành phố Hồ Châu (tỉnh Chiết Giang) có kế hoạch dành 10 triệu NDT (1,5 triệu USD) tiền phiếu quà tặng mua hàng cho những người xa quê. Tại Thiên Tân, các nhà chức trách cam kết sẽ trợ cấp cho những công nhân ở lại thành phố trong Tết.

Một số thành phố và tỉnh thậm chí hứa hẹn nhiều cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận dịch vụ công như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, một số cơ quan quyết định cấp hộ khẩu ở thành phố cho những lao động nhập cư từ chối về quê ăn Tết.

“Hãy khuyến khích người lao động ở lại nơi làm việc, giúp họ tận hưởng dịp Tết Nguyên đán trọn vẹn bằng những hành động ấm áp”, Chen Yongjia - một quan chức Trung Quốc - phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh do Quốc vụ viện chủ trì.

Hy sinh vì sức khỏe người thân

Từ trước Tết, chính phủ đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền lớn nhằm thuyết phục lao động nhập cư không về quê.

 Không ít người chấp nhận nán lại thành phố qua dịp Tết để đảm bảo an toàn cho người thân ở quê nhà. Ảnh: Getty Images.

Không ít người chấp nhận nán lại thành phố qua dịp Tết để đảm bảo an toàn cho người thân ở quê nhà. Ảnh: Getty Images.

Hàng loạt biểu ngữ lớn màu đỏ được treo đầy trên các tuyến đường trong đô thị, với nội dung kêu gọi thực hiện hành vi công dân kiểu mẫu và bày tỏ lòng hiếu thảo đúng cách.

“Bạn chọn khẩu trang hay máy thở?”, “Bạn là đứa con bất hiếu khi đem bệnh dịch về nhà”, “Nếu bạn chọn lây bệnh cho bố mẹ mình, bạn hoàn toàn vô lương tâm”... là những biểu ngữ nổi bật nhất.

Shi Baolian (47 tuổi) - công nhân tại một nhà máy hóa chất ở phía đông thành phố Tô Châu - cho biết cô rất mong được về quê dịp Tết Nguyên đán để giúp bố dọn dẹp nhà cửa.

Thế nhưng, cô hủy bỏ mọi kế hoạch trở về nhà sau khi một loạt ca nhiễm mới xuất hiện ở miền bắc tỉnh Hà Bắc - quê hương của cô Shi. Thay vào đó, vợ chồng cô quyết định ở lại Tô Châu ăn Tết.

Cô Shi cho biết thành phố “chẳng có chút không khí Tết nào”. Cô nhớ vô cùng màn trình diễn pháo hoa và các biểu ngữ mừng năm mới màu đỏ rực rỡ ở quê.

“Tôi không thể về nhà, vì vậy tôi sẽ chăm chỉ làm việc. Sau khi hết dịch, tôi nhất định sẽ về Hà Bắc”, cô Shi chia sẻ.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-nho-con-nhung-chang-the-ve-nha-vi-covid-19-post1178389.html