Tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới
Sáng 26-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.
Số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 12%
Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Theo báo cáo, tình hình tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động nắm tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối bảo vệ an ninh quốc gia; kịp thời khởi tố điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
Tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 83,48%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,08%.
Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.
Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy; chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại cơ sở; số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, xử lý nhiều hơn 2,49%.
Tình trạng thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp
Thẩm tra về nội dung này, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2024, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, chống khủng bố được triển khai đồng bộ, toàn diện. Việc tăng cường công an xã chính quy và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, đối tượng có liên quan đến ma túy.
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh như: Tội phạm có tổ chức tăng 46,08%; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%; tham ô tài sản tăng 45,61%; đánh bạc trên mạng internet tăng 105,22%.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Cụ thể: Một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin còn nhiều sơ hở, bất cập; tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng diễn biến phức tạp; tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng; số vụ xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp...