Tội phạm ở lứa 'tuổi teen': Hậu quả từ hội chứng bắt chước, làm theo các giang hồ mạng?
Thời gian vừa qua, CA các tỉnh, thành phố đã khởi tố, điều tra, bắt giữ hàng trăm đối tượng chủ yếu là những thanh, thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã rất liều lĩnh, manh động.
Điển hình như mới đây, ngày 31/10, CQ CSĐT CA huyện Đông Anh đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 9 bị can để điều tra, xử lý về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" tại địa bàn huyện Đông Anh. Các bị can này trong số 34 thanh thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ, đuổi đánh nhau khiến 2 thiếu niên tử vong dưới mương nước.
Trước đó, vào tháng 7/2023, một vụ án nhận được sự quan tâm của dư luận khác là việc hai anh em ruột là P.V.T. (16 tuổi) và P.V.T. (15 tuổi) tử vong khi bị nhóm “côn đồ” truy sát trên đường. Quá trình điều tra vụ án, CQ CSĐT CA TP Hải Phòng đã khởi tố 11 bị can có độ tuổi từ 17 - 21 về tội “Giết người”; 2 bị can bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Chia sẻ về thực trạng phạm tội của giới trẻ hiện nay, Thượng tá - Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, giới trẻ đang bị “bủa vây” từ các yếu tố bất lợi trong mọi trường sống, đặc biệt là tác động tiêu cực từ trò chơi game bạo lực, ấn phẩm bạo lực phản văn hóa đầy rẫy trên không gian mạng cùng phim ảnh nước ngoài.
“Điều này tác động sâu sắc đến định hướng giá trị, thẩm mỹ, phong cách ứng xử. Trong nhiều trường hợp những câu chuyện bạo lực mà người trẻ tiếp cận trên phim ảnh, clip trên mạng đã trở thành khuôn mẫu ứng xử, hội chứng bắt chước, làm theo các nhân vật “yêng hùng”, giang hồ mạng… là có thật.
Bên cạnh đó, môi trường gia đình hiện nay cũng có quá nhiều vấn đề tác động đến người trẻ. Trước hết do áp lực cuộc sống, bươn chải mưu sinh, nên nhiều gia đình bố mẹ không có thời gian để quan tâm đến con cái, đời sống xã hội với nhiều cám dỗ, cuốn các thành viên chạy theo danh lợi phù phiếm, làm mọi việc vì tiền, khiến sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo…”, Thượng tá Hiếu chia sẻ.
Trong hoàn cảnh gia đình không đủ đầy, có liên kết lỏng lẻo, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng sự bảo ban, giám sát, quan tâm, uốn nắn kịp thời của người lớn. Nếu trẻ bị lôi cuốn vào các nhóm xã hội tiêu cực đầy rẫy trên mạng xã hội, bị sự rủ rê lôi kéo, trong khi chưa đủ khôn để phân định đúng sai, sự trượt dốc, thoái hóa về nhân cách là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, trẻ em trong hoàn cảnh “lời ru chia đôi” phải theo mẹ hoặc bố ở với người mới, rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, hoặc chính chúng do buồn chán, thất vọng, hụt hẫng và bị dẫn dụ vào các việc làm vi phạm pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm, bao gồm môi trường gia đình không ổn định, thiếu hỗ trợ tâm lý và giáo dục, áp lực từ xã hội và bạn bè, tiếp xúc với ma túy và vũ khí, cũng như việc họ không thấu hiểu đầy đủ về hậu quả của hành vi phạm tội, một số trẻ vị thành niên có thể bị lôi kéo vào hành vi vi phạm pháp luật do nhiều lý do khác nhau.
Theo luật sư Thái, đối với những người phạm tội ở độ tuổi thanh, thiếu niên Nhà nước cũng thể hiện sự nhân đạo trong chính sách hình sự để họ có thể làm lại và thay đổi cuộc đời. Luật hình sự Việt Nam quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự, người chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội không phải chịu trác nhiệm hình sự. Trường hợp người chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội chỉ có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Luật sư Thái cho hay, BLHS hiện hành quy định mức phạt tù đối với một số tội danh như tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134, BLHS năm 2015 cao nhất là tù chung thân, đối với tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 cao nhất là 7 năm tù, và tội "Giết người" theo Điều 123, BLHS năm 2015 cao nhất là tử hình.
Tuy nhiên, chính sách pháp luật dành cho trẻ em vị thành niên khi phạm tội cũng được quy định cụ thể trong BLHS, họ sẽ được áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn so với người từ đủ 18 tuổi.
Cụ thể khoản 1 và khoản 2 Điều 101, BLHS năm 2015 quy định: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định; ₫ối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
“Người đủ 16 tuổi trở lên, nếu tham gia gây rối trật tự công cộng vẫn bị xử lý theo tội danh này. Tuy nhiên chính sách hình sự của Nhà nước ta đã thể hiện tính nhân đạo đối với những người chưa thành niên phạm tội và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”, luật sư Thái nói.
Để khắc phục tình trạng trẻ hóa tội phạm, luật sư Thái kiến nghị, cần thực hiện các biện pháp và chính sách hiệu quả như giáo dục cho họ những kiến thức, kỹ năng xã hội, sự tuân thủ pháp luật, thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ thực tế để họ có nhận biết, va chạm với môi trường lành mạnh nhiều hơn, giữa nhà trường và gia đình phải có mối liên kết chặt chẽ để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ đối với trẻ vị thành niên có biểu hiện bất thường tiêu cực.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, gây rối trật tự công cộng dẫn đến chết người, bị khởi tố theo tội danh “Giết người” hoặc tội “Cố ý gây thương tích” đã đủ sức răn đe. Bởi, mục đích của pháp luật không phải là trừng phạt, răn đe mà nhằm giáo dục cho những người vi phạm có con đường quay trở lại cuộc sống nếu như họ biết cải chính, hối lỗi về hình vi của mình. Nếu trong thời gian cải tạo, họ chấp hành án tốt thì có thể được giảm án, trở về với cộng đồng sớm hơn.