Tội phạm trốn truy nã

Cơ quan CSĐT Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa bắt giữ Trần Quốc Công (51 tuổi, trú tại xã Cư Pông, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) về hành vi lừa đảo tài sản hàng tỷ đồng.

Công đã mạo danh cán bộ VKSND Tối cao để nhận tiền chạy án của mẹ một đối tượng phạm tội ma túy. Khi Công tiếp tục “đào” bằng cách phán bà này có liên quan đến vụ rửa tiền, yêu cầu cùng đi Hà Nội để tìm luật sư thì bị nghi ngờ. Bà này đã báo cơ quan công an và Công đã bị sa lưới.

Điều đặc biệt khi bị bắt, chân tướng Trần Quốc Công bị phát lộ không chỉ là cán bộ VKSND tối cao giả mà Công lại chính là đối tượng đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu truy nã từ ngày 21/4/2006 về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Thời gian qua, đã không ít vụ án mà khi bắt được đối tượng, hay khi phá án phát hiện được đối tượng đang bị truy nã. Cũng trong quá trình truy vết, không ít vụ mà người bị truy nã đã thay tên, đổi họ, lập gia đình, yên ổn làm ăn ở một nơi nào đó. Không chỉ trốn tránh đến 14 năm như Trần Văn Công mà có đối tượng trốn đến 25, 30 năm, thậm chí lâu hơn. Có trường hợp người ta phát hiện ra người truy nã khi đối tượng lên lĩnh thưởng, được đưa lên truyền hình.

Chuyện người trốn chạy, bị truy nã sau khi phạm tội thấy ân hận, ăn năn để rồi ẩn danh sống làm người tốt đã là cái may của cả xã hội. Nhưng không ít kẻ vẫn “ngựa quen đường cũ”, và rằng “tay đã nhúng chàm rồi thì tiếp tục nhúng nữa cũng thế”, mới thật là mối nguy, lo lắng của xã hội. Loại tội phạm này điều gì cũng dám làm, đã nguy hiểm thì càng nguy hiểm gấp nhiều lần.

Hiện ngoài xã hội cũng vẫn còn hàng ngàn tội phạm bị truy nã, nhiều kẻ rất nguy hiểm. Nếu số tội phạm này cơ quan công an chưa bắt được, không tự ra đầu thú, thì số đối tượng bị truy nã mới sẽ tiếp tục bổ sung. Vào năm 2016, qua thống kê của Bộ Công an, sau 10 năm, Công an các cấp đã bắt, vận động ra đầu thú hơn 82.000 đối tượng, trong đó có 17.830 đối tượng nguy hiểm. Thế nhưng vẫn còn khoảng hơn 13.000 đối tượng truy nã trong đủ các “vai” ở ngoài xã hội.

Lưới trời, lưới pháp luật lồng lộng, thưa mà khó lọt. Tội phạm nào, dù trốn kiểu gì, ở đâu rồi cũng bị sa lưới. Phối hợp cùng với cơ quan pháp luật, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, nâng cao ý thức phát hiện, vận động đối tượng truy nã, để hạn chế, giảm bớt tội phạm, vì an ninh, an toàn của cộng đồng.

Thiện Dân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/toi-pham-tron-truy-na-546251.html