Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp

Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sáng 26/11, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024).

TỘI PHẠM VỀ THAM NHŨNG, KINH TẾ, BUÔN LẬU VẪN PHỨC TẠP

Tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 83,48% (cao hơn 8,48% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,08%

Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.

Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn. Số vụ phạm tội về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm được phát hiện, xử lý ít hơn 53,46%.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.

Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy; chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại cơ sở; số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, xử lý nhiều hơn 2,49%.

Công tác quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục được duy trì, đảm bảo. Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp duy trì, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các tiện ích trên VneID...

TỶ LỆ GIẢI QUYẾT TIN TỐ GIÁC, TIN BÁO TỘI PHẠM ĐẠT 86,05%

Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ giải quyết đạt 86,05%.

Cơ quan điều tra các cấp đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, công tác bắt, giam, giữ; các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác điều tra, xử lý tội phạm; góp phần phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong hoạt động điều tra.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác điều tra tội phạm.

Công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, số vụ việc, vụ án tạm đình chỉ tính đến cuối kỳ thống kê vẫn còn ở mức cao.

Các cơ sở giam, giữ thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, số đối tượng giam giữ mới và hiện hành tiếp tục gia tăng và ở mức cao, nhất là các đối tượng bị kết án tử hình.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp, tham mưu, tổ chức hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các tỉnh giáp biên về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người; phòng, chống ma túy. Thực hiện công tác bảo hộ công dân, giải cứu gần 1.500 công dân từ Myanmar về nước.

Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuy nhiên, cần tiếp tục được thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Cơ quan điều tra các cấp không nhận được đơn, yêu cầu đề nghị bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra.

TẬP TRUNG 5 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2025

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025, như sau:

Thứ nhất, chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược từ sớm, từ xa... Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn.

Tập trung phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình gây rối an ninh, trật tự của các thế lực thù địch, phản động, số đối tượng chống đối. Chỉ đạo chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, khiếu kiện ngay từ sớm, từ cơ sở.

Thứ hai, tập trung nhận diện và chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế tội phạm bền vững, phấn đấu theo chỉ tiêu đã đề ra. Tấn công trấn áp mạnh, quyết liệt với các loại tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra, xử lý tội phạm, khẩn trương khắc phục dứt điểm các hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra.

Thứ ba, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; thúc đẩy tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở giam, giữ.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự. Tập trung thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Đề án thành phần.

Thứ năm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn kinh phí gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ các lĩnh vực công tác phòng, chống tội phạm. Tập trung phát triển nhanh, bền vững công nghiệp an ninh.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/toi-pham-ve-tham-nhung-kinh-te-buon-lau-van-dien-bien-phuc-tap.htm